Lăng kính bạn đọc:

Tỉnh táo trước chiêu lừa chuyển tiền

Trí Minh
(tổng hợp)
12/06/2023 05:45 GMT+7

Nhiều vụ dọa dẫm, yêu cầu chuyển tiền qua mạng được nhận diện, cảnh báo là lừa đảo, tuy nhiên hiện vẫn tiếp diễn. Người dân liên tục được nhắc nhở cần tỉnh táo trước chiêu lừa này, không làm theo ý đồ của kẻ xấu.

Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 8.6, bà L.T.G (81 tuổi, trú tại thôn Lãng Xuyên, xã Gia Tân, H.Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) nhận nhiều cuộc gọi xưng cán bộ công an, thông báo bà G. liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật, yêu cầu bà chuyển 100 triệu đồng, nếu không sẽ bị bắt giam. Do lo sợ, chiều cùng ngày, bà G. đến Quỹ tín dụng nhân dân xã Gia Tân, để rút tiền trong sổ tiết kiệm nhằm chuyển cho đối tượng lừa đảo.

Lăng kính bạn đọc: Tỉnh táo trước chiêu lừa chuyển tiền - Ảnh 1.

Nhờ sự can thiệp kịp thời của công an, cụ bà L.T.G không bị lừa đảo chuyển 100 triệu đồng

CACC

Thấy bà G. có dấu hiệu lo lắng, liên tục yêu cầu rút tiền nhanh, thường xuyên nghe điện thoại, cán bộ công an xã đang làm nhiệm vụ tại khu vực gần quỹ tín dụng đã tiếp cận. Sau khi kiểm tra thông tin, cán bộ công an mời bà G. về trụ sở làm việc, vận động bà không nghe và làm theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo qua điện thoại. Sau khi được phân tích rõ về phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm, bà G. nhận thức được tình hình, thoát khỏi bẫy lừa.

Trước đó, cuối tháng 5, bà N.T.H (trú xã Triệu Giang, H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) đến Agribank H.Triệu Phong hốt hoảng xin làm thủ tục chuyển 75,9 triệu đồng. Nhận thấy bà H. có nhiều biểu hiện lạ, các giao dịch viên gặng hỏi, biết được bà tham gia một nhóm chat Zalo, được đề nghị làm cộng tác viên cho công ty truyền thông. Bà H. phải thực hiện các "nhiệm vụ" để xác nhận lòng tin bằng các giao dịch chuyển tiền, sẽ được chuyển trả lại số tiền lớn hơn. Sau khi nghe nhân viên ngân hàng khuyên nhủ, bà H. dừng chuyển tiền và liên lạc với nhóm chat để xin lại số tiền 38,9 triệu đồng đã chuyển thì các thành viên hủy nhóm.

Muôn kiểu lừa đảo qua điện thoại

Đọc thông tin về cụ bà 81 tuổi ở Hải Dương suýt bị lừa mất 100 triệu đồng, bạn đọc (BĐ) HyAsbNg cho biết người thân của mình bị lừa với cùng kịch bản, nhưng không may mắn như cụ bà L.T.G: "Vừa mới cách đây vài ngày, mẹ tôi năm nay 77 tuổi, cũng bị lừa đảo tương tự và bà đã bị mất 60 triệu đồng".

Nhiều BĐ cho hay từng nhận cuộc gọi thông báo cắt điện, dừng thuê bao di động để dụ người nghe bấm phím, gài bẫy đánh cắp tiền. "Cách đây vài ngày, tôi nhận cuộc gọi thông báo hợp đồng điện sẽ bị tạm ngưng trong hai giờ nữa, muốn tiếp tục sử dụng bấm phím 6 để gặp nhân viên hỗ trợ. Lâu nay tôi chưa từng biết thông báo cắt điện kiểu này, mà quan trọng là tôi vừa mới đóng tiền điện, nên tắt máy không nghe nữa", BĐ Landhome kể.

Xem nhanh 20h: Bản tin toàn cảnh ngày 11.6

Hôm qua tôi đang ngủ trưa thì điện thoại reng. Tổng đài tự động báo hai tiếng nữa điện thoại của tôi bị cắt. Tôi cúp máy luôn rồi ngủ tiếp. Tôi tự hỏi chiêu này sẽ gạt được ai và ai vẫn sẽ bị gạt bởi chiêu này?

Quoc Le

Mấy bữa tôi toàn nghe điện thoại thông báo tuyển dụng việc làm. Nhưng khi hỏi tuyển nhân viên cho ngành gì thì bọn chúng tắt máy.

tuanviet…@gmail.com

Trăm ngàn kiểu lừa đảo, mọi người nên cảnh giác cao. Đừng vì vật chất tiền bạc mà hoa mắt, không có gì chúng cho không mình cả.

Van Hiểu

Ngày nay có đủ hình thức lừa đảo, không biết thật giả. Lòng tin bị xói mòn, làm con người ngờ vực lẫn nhau, có khi nghi ngờ luôn lòng tốt. Bây giờ một số người trẻ rất giỏi về công nghệ thông tin, giỏi về máy tính nhưng buồn thay, họ không dùng tài năng đó giúp cho công việc, giúp cho xã hội, mà dùng nó lừa đảo cộng đồng.

Hoàng

Trong khi đó, BĐ Hoang Chương nhận cuộc gọi và thử bấm phím: "Tôi nghe giọng đọc xưng từ cục viễn thông, báo số điện thoại của tôi sẽ bị khóa sau hai giờ. Tôi thử làm theo yêu cầu, nhấn phím 9 để gặp nhân viên hỗ trợ. Bên kia xưng là nhân viên nhà mạng, đề nghị cung cấp số căn cước công dân để kiểm tra thông tin thuê bao kèm cảnh cáo nếu từ chối sẽ bị khóa sim. Theo tôi, người nghe nếu bấm nhầm không trúng phím số 9 thì khả năng cuộc gọi vẫn kết nối với bọn lừa đảo".

"Một ngày đẹp trời, có số điện thoại gọi báo tôi mua sản phẩm đã trúng thưởng lớn là một xe Honda SH, đồng hồ hàng hiệu, phải đóng tiền mới được lĩnh thưởng. Tôi hỏi địa chỉ ở đâu, cho số cụ thể để đến đóng tiền rồi lĩnh thưởng luôn, bên kia trớ một lúc rồi cúp máy", BĐ vuhongquan01051970 thuật lại.

Mỗi người cần tự nhận diện chiêu lừa

Cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo về các hình thức lừa đảo qua điện thoại, chuyên gia an ninh mạng cũng phân tích, chỉ rõ những chiêu thức của tội phạm, nhưng vẫn tiếp tục có người bị lừa. "Nạn nhân đa phần là người lớn tuổi, phụ nữ, không nắm thông tin về những vụ lừa đảo tương tự như vậy đã xảy ra. Chuyện chuyển tiền để kiểm tra có liên quan đường dây tội phạm hay không là điều vô cùng phi lý nhưng bọn lừa đảo vẫn dọa nạt được nhiều người", BĐ Tran Quoc nhìn nhận.

BĐ Loanloan cho rằng bản thân mỗi người phải nhận thức được các tình huống lừa đảo: "Cuộc gọi tới cá nhân nào thì người đó phải tự đặt câu hỏi có phải lừa đảo hay không, chứ đâu ai có mặt ngay để giúp được. Chỉ cần biết và kịp nhớ ra ngành công an không làm việc qua điện thoại thì cũng có thể tránh được nguy cơ ngay từ đầu".

Theo quan sát của BĐ Luccamca, những vụ việc lừa đảo qua điện thoại thường rơi vào hai tình huống phổ biến là đe dọa tinh thần làm mất kiểm soát và đánh vào lòng tham. "Bắt nạn nhân chuyển tiền để kiểm tra phạm tội hay không là chúng trấn áp về tâm lý, còn trường hợp chuyển tiền để được nhận tiền, nhận giải thưởng là gợi lòng tham. Vì thế, tự mỗi người phải biết điều chỉnh hành vi của mình trong giới hạn an toàn nhất có thể", BĐ này bình luận.

Để giảm thiểu những vụ việc tương tự trong tương lai, BĐ Moneyclock đề đạt: "Đã có nhiều nhóm lừa đảo qua điện thoại bị công an tóm, lộ ra cách thức thủ đoạn. Ngành chức năng cần có giải pháp mạnh hơn vì công nghệ lừa đảo ngày càng tinh vi như deepfake. Người dân chỉ biết phòng tránh chứ không chống đỡ được, việc ngăn chặn tội phạm qua mạng phải cần đến lực lượng chuyên môn cao".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.