Tính tiền điện như cước điện thoại, người dùng có phải trả tiền nhiều hơn không?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
12/04/2024 07:05 GMT+7

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến sẽ đề xuất triển khai các cơ chế giá điện 2 thành phần bao gồm giá công suất và giá điện năng, có thể thực hiện thí điểm trong năm nay và triển khai rộng rãi từ năm sau 2025.

Cơ chế này đã được Bộ Công thương giao cho EVN nghiên cứu xây dựng cơ chế cũng như lộ trình áp dụng và đối tượng khách hàng sử dụng điện.

Biểu giá hiện tại chưa phản ánh đúng chi phí…

Theo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện nay, giá điện sinh hoạt được tính theo bậc thang, dùng càng nhiều, trả tiền điện càng cao. Còn điện dùng cho sản xuất, dịch vụ, hành chính sự nghiệp… sẽ áp dụng theo cơ cấu biểu giá theo giờ bình thường, thấp điểm, cao điểm và cấp điện áp. Đây là biểu giá điện một thành phần, tức áp dụng cho mức điện năng sử dụng, nên chưa phản ánh đầy đủ tình hình sản xuất, tiêu thụ điện hiện nay. Đáng nói, cơ cấu tính giá điện sinh hoạt theo bậc thang cũng chưa thực sự công bằng cho hộ dùng điện và chưa phản ánh đúng chi phí; tương tự, điện dùng cho sản xuất kinh doanh được phân theo khung giờ thấp điểm, cao điểm… cũng không phù hợp với thực tế.

Theo chuyên gia kinh tế năng lượng PGS-TS Bùi Xuân Hồi, hiện nay, giá bán điện theo biểu giá chỉ có thành phần điện năng. Trong khi quá trình cung cấp điện cho người dùng có 2 thành phần, bao gồm công suất đăng ký và điện năng tiêu dùng. Do đó, PGS-TS Bùi Xuân Hồi đánh giá: "Việc áp dụng cơ chế giá 1 thành phần trong thực tế không phản ánh đúng chi phí người tiêu dùng gây ra cho hệ thống. Bên cạnh đó, không góp phần cải thiện hệ số sử dụng thiết bị, tạo rủi ro cho ngành điện khi thu hồi chi phí cố định qua giá điện năng".

Tính tiền điện như cước điện thoại, người dùng có phải trả tiền nhiều hơn không?- Ảnh 1.

ĐÀO NGỌC THẠCH

Chẳng hạn, nếu so sánh giữa một hộ tiêu thụ điện với công suất 1kWh trong 1 giờ/ngày, tức là dùng hết 24kWh trong 1 ngày, với 1 hộ dùng 24kWh chỉ trong 1 giờ/ngày (và 1 ngày cũng tiêu thụ 24kWh) hóa đơn tiền điện trả bằng nhau, song chi phí thực tế mà ngành điện phải trả cho 2 hộ này hoàn toàn khác nhau.

Cụ thể, với trường hợp đầu tiên, ngành điện chỉ đầu tư quy mô 1kWh (chi phí cố định) và trả phí vận hành cho 24 giờ (chi phí biến đổi). Trong khi với trường hợp thứ 2, ngành điện phải đầu tư quy mô công suất lên tới 24kWh và trả phí vận hành trong 1 giờ. Chi phí đầu tư rất khác nhau, nhưng giá bán điện lại giống nhau là chưa hợp lý. Chính vì vậy, cơ chế giá điện 2 thành phần sẽ khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả hơn, tiết kiệm và đặc biệt giúp giảm đầu tư công suất nguồn và mở rộng lưới điện khi không cần thiết.

Người dùng điện có bị trả tiền cao hơn không?

Nói nôm na cho mô hình giá điện 2 thành phần khá giống với giá cước điện thoại cố định. Tức là người dùng phải chi trả một số tiền cố định gọi là tiền thuê bao hằng tháng, dù không nghe gọi gì, với người dùng điện thì gọi là mua gói giá công suất. Kế đó mới tính giá điện năng tiêu thụ. Biểu giá điện một thành phần theo điện năng hiện nay chủ yếu bù đắp chi phí biến đổi về nguyên vật liệu, còn giá điện 2 thành phần sẽ bao gồm chi phí cố định như chi phí khấu hao tài sản, chi phí sửa chữa, chi phí tiền lương...

Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cũng cho rằng: "Giá điện 2 thành phần sẽ đem lại tín hiệu đúng cho cả bên sản xuất điện và bên tiêu thụ điện, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc phân bổ, sử dụng nguồn lực hợp lý. Cụ thể, ngoài thành phần giá điện năng, khi áp dụng thêm giá công suất sẽ khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả, góp phần nâng cao hệ số phụ tải điện và tiết kiệm được tiền điện. Đồng thời, giúp giảm việc đầu tư công suất nguồn và mở rộng lưới điện đáp ứng nhu cầu điện cho khách hàng và thu hồi được chi phí đầu tư đối với khách hàng đăng ký công suất lớn nhưng sử dụng ít hơn so với mức công suất đã đăng ký. Do đó, đây được xem như biện pháp quản lý nhu cầu phụ tải tự nhiên".

Tuy vậy, Cục Điều tiết điện lực cũng chưa thể khẳng định tiền điện người dùng trả sẽ tăng giảm thế nào, bởi cơ chế này đang được xây dựng và cho thí điểm. Ông Hòa nhấn mạnh: Ở thời điểm hiện tại, việc áp dụng giá điện 2 thành phần mới ở bước nghiên cứu thí điểm thông qua dữ liệu đo đếm từ công tơ điện nhằm tính toán, nghiên cứu ứng dụng và không ảnh hưởng tới tiền điện của khách hàng sử dụng điện. Quan trọng là giá điện sẽ phản ánh đúng, đủ chi phí tới khách hàng dùng điện. Khách hàng có cùng sản lượng điện năng sử dụng theo tháng nhưng thời gian sử dụng công suất đăng ký cực đại thấp - tức là hệ số phụ tải thấp thì phải trả giá cao hơn khách hàng có hệ số phụ tải cao. Bên cạnh đó, việc áp dụng giá điện theo 2 thành phần kết hợp với quy định giá điện theo giờ cao/ thấp điểm hiện hành sẽ góp phần cân bằng biểu đồ phụ tải của hệ thống và giảm bớt nguồn lực đầu tư nguồn và lưới điện để đáp ứng công suất sử dụng điện trong giờ cao điểm.

Như vậy, người dùng điện có công suất lớn có thể phải mua "gói" công suất có giá tiền cao hơn người dùng gói công suất thấp hơn. Theo EVN, đến nay, nhiều đơn vị điện lực thuộc EVN đã triển khai áp dụng công tơ điện tử có khả năng đo công suất và điện năng đối với khách hàng sử dụng điện để sản xuất, kinh doanh (những khách hàng thuộc đối tượng áp dụng giá điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày - TOU).

Sau khi EVN hoàn thành nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế và lựa chọn khách hàng áp dụng giá bán điện hai thành phần, thực hiện tính toán đối chứng theo cơ cấu giá điện 1 thành phần và 2 thành phần khác nhau thế nào; đồng thời, đánh giá tác động tới các nhóm khách hàng khi áp dụng cơ chế giá bán điện hai thành phần... Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc triển khai áp dụng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.