Tình tiết mới về vụ rò rỉ tài liệu 'tuyệt mật' báo động Lầu Năm Góc

10/04/2023 07:07 GMT+7

Các quan chức nói phạm vi chủ đề được đề cập trong các tài liệu, từ xung đột ở Ukraine đến Trung Quốc, Trung Đông và châu Phi, cho thấy chúng có khả năng đã bị rò rỉ bởi người Mỹ.

Tình tiết mới về vụ rò rỉ tài liệu báo động Lầu Năm Góc - Ảnh 1.

Trụ sở Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ)

REUTERS

Các tài liệu tình báo và quân sự tuyệt mật xuất hiện trên mạng, với thông tin từ hệ thống phòng không của Ukraine đến cơ quan gián điệp Mossad của Israel, buộc các quan chức Mỹ phải nhanh chóng vào cuộc để xác định nguồn rò rỉ, theo Reuters.

Một số chuyên gia an ninh phương Tây cũng như các quan chức Mỹ hiện tại và trước đây cho biết họ nghi ngờ ai đó từ Mỹ là người phát tán. "Trọng tâm hiện nay là đây là một vụ rò rỉ do người Mỹ gây ra, vì nhiều tài liệu chỉ nằm trong tay Mỹ", Michael Mulroy, cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.

Pháp phủ nhận có sự hiện diện quân đội ở Ukraine

Các quan chức Mỹ cho biết cuộc điều tra đang ở giai đoạn đầu và các điều tra viên không loại trừ khả năng các nhân vật thân Nga đứng sau vụ rò rỉ. Đây được coi là một trong những vụ xâm phạm bảo mật nghiêm trọng nhất kể từ vụ hơn 700.000 tài liệu, video và điện tín ngoại giao bị phát tán thông qua website WikiLeaks vào năm 2013.

Reuters đã xem xét hơn 50 tài liệu được dán nhãn "Mật" và "Tối mật" xuất hiện lần đầu vào tháng trước trên các trang mạng xã hội, bắt đầu với Discord và 4Chan. Mặc dù một số tài liệu đã được đăng cách đây vài tuần, sự tồn tại của chúng đến ngày 7.4 mới được báo The New York Times đưa tin đầu tiên.

Một số ước tính thương vong trên chiến trường từ Ukraine dường như đã được thay đổi, trong đó tổn thất của Nga nhỏ hơn con số từng được tuyên bố. Một số tài liệu được đánh dấu "NOFORN", có nghĩa là chúng không thể được chia sẻ công dân nước ngoài.

Hai quan chức Mỹ nói với Reuters hôm 10.4 rằng họ không loại trừ khả năng các tài liệu này có thể đã được chỉnh sửa để đánh lừa các nhà điều tra về nguồn gốc của chúng hoặc để phổ biến thông tin sai lệch có thể gây hại cho lợi ích an ninh của Mỹ.

Quan chức Mỹ: Tài liệu mật liên tiếp rò rỉ là 'ác mộng cho liên minh Ngũ nhãn'

Một trong những tài liệu, đề ngày 23.2 và được dán nhãn "Mật", phác thảo chi tiết về việc hệ thống phòng không S-300 của Ukraine có thể sẽ cạn kiệt vào ngày 2.5 với tốc độ sử dụng hiện tại.

Một tài liệu khác, được dán nhãn "Tối mật" và có nguồn gốc là báo cáo của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ngày 1.3, nói rằng cơ quan tình báo Mossad đang khuyến khích các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch cải cách tư pháp của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhằm siết chặt kiểm soát đối với Tòa án Tối cao.

Theo tài liệu, Mỹ đã biết được điều này thông qua các tín hiệu tình báo, cho thấy Washington đã theo dõi một trong những đồng minh quan trọng nhất của mình ở Trung Đông.

Trong một tuyên bố vào ngày 9.4, văn phòng ông Netanyahu cho rằng đánh giá trên là "dối trá và không có bất kỳ cơ sở nào".

Báo Mỹ nói Nga suýt bắn hạ máy bay do thám Anh

Một tài liệu khác đề cập đến các cuộc thảo luận nội bộ trong giới chức cấp cao Hàn Quốc về việc Mỹ gây áp lực nhằm buộc Seoul cung cấp vũ khí cho Ukraine và chính sách không làm như vậy của Hàn Quốc.

Một quan chức tại văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ngày 9.4 cho biết nước này đã đọc tường thuật trên báo chí về vụ rò rỉ tài liệu và họ có kế hoạch thảo luận về "các vấn đề được nêu ra" với Washington.

Thông tin cũng đáng chú ý từ các tài liệu bị rò rỉ là việc một chiến đấu cơ của Nga đã "suýt bắn hạ" một máy bay do thám của Anh vào năm ngoái. Sự cố này nghiêm trọng hơn những gì được tiết lộ trước đây và có thể lôi kéo Mỹ cùng các đồng minh NATO tham gia trực tiếp vào cuộc chiến ở Ukraine, theo báo The Washington Post.

Vụ việc xảy ra vào ngày 29.9 năm ngoái ở ngoài khơi bờ biển Crimea, bán đảo mà Nga đã sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014. Máy bay Anh được đề cập bằng tên viết tắt RJ, tức "Rivet Joint", biệt hiệu thông dụng cho dòng phi cơ trinh sát RC-135. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace tiết lộ vụ việc với quốc hội Anh vào tháng 10.2022, nói rằng hai tiêm kích Su-27 của Nga đã chặn chiếc RC-135 trong không phận quốc tế trên biển Đen, với đường bay "liều lĩnh", trong đó một chiếc Su-27 có lúc chỉ cách máy bay Anh khoảng 4-5 mét.

Một trong hai chiến đấu cơ Nga đã "thả tên lửa" ở khoảng cách xa, song ông Wallace không mô tả đây là tình huống "suýt bắn hạ", nói việc phóng tên lửa này là do "trục trặc kỹ thuật". Ông cũng đã trao đổi với giới chức quốc phòng cấp cao của Nga về vụ việc.

Lầu Năm Góc đã không đề cập đến nội dung của bất kỳ tài liệu cụ thể nào, bao gồm chuyện Mỹ dường như đã theo dõi đồng minh.

Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 409, lính xung kích Ukraine chờ ngày phản công; M1 Abrams hơn thua gì T-90?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.