Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu là gì?

31/01/2020 10:35 GMT+7

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố đợt bùng phát vi rút corona mới (2019-nCoV) gây viêm phổi Vũ Hán là “tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu”. Vậy tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nghĩa là gì?

Theo WHO, tuyên bố “tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu” (PHEIC) nghĩa là tuyên bố chính thức của WHO về “một sự kiện bất thường được xác định là gây ra rủi ro sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia khác thông qua sự lây lan ra toàn cầu của bệnh và có thể cần phải có phản ứng quốc tế phối hợp".
Tuyên bố PHEIC này được đưa ra khi một tình huống phát sinh là “nghiêm trọng, đột ngột, bất thường” và "có thể yêu cầu hành động quốc tế ngay lập tức".
Tuyên bố về PHEIC sẽ bao gồm các khuyến nghị cho mọi quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm ngăn chặn hoặc giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh qua biên giới, đồng thời tránh cản trở không cần thiết đối với việc giao thương và đi lại.

[VIDEO] 213 người chết vì vi rút Corona, WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu

Tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu sẽ bao gồm các khuyến nghị tạm thời cho các cơ quan y tế quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, có thể bao gồm đẩy mạnh các biện pháp theo dõi, chuẩn bị và kiểm soát dịch bệnh của các cơ quan y tế.
Tuyên bố của WHO gửi thông điệp rằng trường hợp khẩn cấp về y tế là nghiêm trọng. Khuyến khích các quốc gia hợp tác nhiều nhất có thể bằng cách phối hợp nhân sự, quỹ và các nguồn lực khác, với WHO ở vị trí lãnh đạo.

Một nhân viên khử khuẩn tại nhà ga xe lửa ở thành phố Nam Kinh, Trung Quốc

Reuters

Tuyên bố “tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu” có thể được sử dụng để giúp thuyết phục công dân của các quốc gia bị nhiễm tuân theo các khuyến nghị về sức khỏe và vệ sinh.
PHEIC cung cấp thẩm quyền cho Ủy ban khẩn cấp thuộc WHO đưa ra khuyến nghị về đi lại, du lịch cho các thành phố, khu vực và quốc gia. Những khuyến nghị như vậy thường được sử dụng trong các đợt bùng phát dịch bệnh như dịch SARS năm 2003, ảnh hưởng 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm 774 người thiệt mạng trong vài tháng.
PHEIC có thể có ý nghĩa đối với các hãng hàng không.
WHO có thể xem xét các biện pháp y tế công cộng được các quốc gia áp dụng để đảm bảo giá trị khoa học của chúng. Nếu một quốc gia áp đặt các hạn chế đi lại hoặc giao thương vượt quá các khuyến nghị của mình - chẳng hạn như từ chối nhập cảnh đối với bệnh nhân nghi nhiễm bệnh, WHO có thể yêu cầu các chính phủ sở tại cung cấp bằng chứng khoa học giải thích cho quyết định hạn chế đi lại hoặc cấm giao thương.
Trong khi WHO không có thẩm quyền pháp lý để áp đặt trừng phạt đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ, song tuyên bố PHEIC cũng tạo sức ép đáng kể đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ trong việc tuân thủ những khuyến cáo của WHO.
Việc WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu là động thái hiếm khi xảy ra. Trong thập niên qua, WHO mới 5 lần ban bố “tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu”: vi rút A/H1N1 gây ra đại dịch cúm heo (2009), dịch Ebola ở Tây Phi và dịch bệnh bại liệt ở Pakistan, Cameroon, Syria… (2014), vi rút Zika (2016) và dịch Ebola đang diễn ra tại Cộng hòa Dân chủ Congo (2019).

Số người chết vì vi rút Corona gây viêm phổi Vũ Hán tiếp tục tăng cao

WHO ngày 30.1 đã tuyên bố đợt bùng phát vi rút Corona mới gây viêm phổi Vũ Hán là “tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu” (PHEIC), trong khi Trung Quốc có thêm 43 người tử vong vì viêm phổi Vũ Hán, nâng tổng số người chết lên 213.
Theo sau tuyên bố của WHO về tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) sáng ngày 31.1 cho biết số ca tử vong vì viêm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc tăng thêm 43 người, lên 213 ca và có thêm 1.982 ca nhiễm mới. Tính đến cuối ngày 30.1, tổng số ca nhiễm vi rút Corona mới (2019-nCoV) gây viêm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc ở mức 9.692 người, theo Reuters dẫn nguồn từ NHC.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.