Tờ báo thuở xưa: Chỉn chu hay xuề xòa

22/06/2023 07:39 GMT+7

"Nói cho đúng thì báo chí, sách vở Việt ngữ lúc trước dầu in ở Trung, Nam hay Bắc ít nhiều đều có sai chánh tả, mà mỗi nơi sai một cách. Tuy nhiên thời tiền chiến, sách vở, báo chí ở miền Nam có rất nhiều lỗi chánh tả, nhứt là về hai dấu hỏi, ngã", lời nhà nghiên cứu Bằng Giang trong Mảnh vụn văn học sử là một khái quát về chính tả báo chí 1945 về trước.

Khi "Thái Phiên" biên thành "Thái Miếu"

Trong địa hạt báo chí, các báo ở Bắc kỳ tiệm cận sự chỉn chu về mặt chính tả hơn cả. Việc đặt dấu câu đa phần có kiểm soát chính tả để không mắc lỗi. Xem qua Hà thành ngọ báo, Hà Nội báo, Bắc Kỳ thể thao… phần nào thấy được vấn đề này. Tuy nhiên, không phải lúc nào các báo, tạp chí cũng "chuẩn chỉnh". Bởi vậy báo Phong hóa có mục "Những hạt đậu dọn", báo Ngày nay có mục "Hạt sạn" để "dọn vườn" lỗi các báo. Bản thân các báo có lúc phải đính chính lỗi sai.

Tờ báo thuở xưa: Chỉn chu hay xuề xòa - Ảnh 1.

Báo Thanh Nghệ Tịnh Tân văn số 57, ra ngày 21.8.1931, tờ báo chỉn chu về mặt chính tả

TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

Báo ở Trung kỳ có tờ rất được về mặt chính tả, ấy là tờ Thanh Nghệ Tịnh tân văn. Dù tờ này sử dụng cả phương ngữ, nhưng kiểm soát chính tả rất tốt, nhất là về các dấu. Trong khi ấy một số tờ báo khu vực này vẫn sai lỗi, như báo Đường ngay tòa soạn ở Vinh, nhưng địa danh Cửa Lò được in là "Cữa Lò" (số 13, ra ngày 1.8.1936, tr.7); ở Huế, báo Ánh sáng số 39, ra ngày 14.9.1935 phải "Cải chính" số trước đó vì sắp chữ nhiều chỗ sai, Thái Phiên thành Thái Miếu, khí tượng thành khi trước, mày râu thành mày vẻ…

Báo ở Nam kỳ thời gian 1945 trở về trước đa số bị sai chính tả. Có thể do nói cũng như viết, nên vấn đề này không được chú trọng. Như trong một đoạn trích ở Sài Thành nhật báo số 60, ra ngày 2.2.1931: "Trông dáng tờ báo thật là đẹp đẻ [đẽ], hình rỏ [rõ], chữ tốt, báo khéo xếp đặt, mà đến bài vở cũng là lựa chọn cẫn [cẩn] thận cứng cát [cáp] lắm"; hoặc đoạn văn "lúc cúi [cuối] xuân gần qua hạ, trời khô ráo, chổ [chỗ] ruộng rẩy [rẫy] vui chơi, vì mùa màng cũng xong rồi. Gió nam thổi mát, cây cỏ tốt tươi, cây theo thời trổ lộc, có chánh tiết đơm bông, tiết vui cây cỏ làm vui, mùa nghĩ [nghỉ] người dân thong thả; bỡi [bởi] vậy…" trong bài Lạc tại kì trung trên Nông cổ mín đàm số 32, ra ngày 3.4.1902 đầy lỗi đánh máy như vừa dẫn.

Cũng bởi sự sai lệch về chính tả, câu chữ nên có lúc báo phải thực hiện cải chính, sửa sái [sai] ở số báo sau. "Chổ [chỗ] in sái" là tiêu đề tin cải chính của Công luận báo số 59, ra ngày 14.6.1917: "Trong tờ C.L.B. số 58, ngày 7 Juin 1917, trong trang thứ 11, bài Bổn quốc hộ vụ cung án, sáu hàng áp chót, bởi những người sấp [sắp] chữ tại nhà in có làm chạy lộn hàng, nên xin chư vị khán quan sữa [sửa] lại giùm và đọc như vầy: "Trong khoản trước điều luật ấy, hễ ai biết đất ấy là đất hương hỏa mà còn mua, thì sẻ [sẽ] bị phạt theo mổi [mỗi] khi củng [cũng] dường bằng là đứa có tội" (Đoạn bỏ ba hàng tiếp theo, vì bởi người sắp chữ lộn cho đến chổ [chỗ] một chấm.)". Với báo Lục tỉnh Tân văn, tin cải chính của báo được đặt là "Chỗ sái", như Lục tỉnh Tân văn số 521, ra ngày 28.2.1918 ghi tại trang 4; số 608, ra ngày 20.3.1919 thể hiện tại trang 3.

Tờ báo thuở xưa: Chỉn chu hay xuề xòa - Ảnh 2.

Mẩu tin “Chổ in sái” trên Công luận báo số 59

Chỉn chu tờ báo Sống

Giữa nhiều tuần báo, nhật báo bị lỗi chính tả thì tờ tuần báo Thanh niên đầu những năm 1940 là một trong những tờ báo ít sai lỗi chính tả nhất trong các báo ở Nam kỳ, mà Bằng Giang khi tìm hiểu đã có lời khen trong tác phẩm Mảnh vụn văn học sử khi cho rằng đây là "một tuần báo ít sai chánh tả nhứt thời bấy giờ ở miền Nam".

Vẫn ở Nam kỳ, báo Sống với số đầu ra ngày 22.1.1935 cũng đáng khen khi kiểm soát tốt vấn đề này, được Nguiễn Ngu Í nhận xét trên Bách khoa thời đại số 25 (217), ra ngày 15.1.1966: "Lại thấy báo trong Nam hình thức thua báo miền Bắc, hỏi ngã quá lôi thôi, nên Sống chịu khó trình bày bìa và bài vở cho đẹp, để ý đến chánh tả và nhất là hỏi, ngã. Điều sau này làm được, rất ư là cực. Nhưng Sống có thể tự hào mình là tờ báo trong Nam trước nhất đã in hỏi, ngã đúng".

Nhận xét trên của Nguiễn Ngu Í tương đồng ý kiến của Mộng Tuyết khi nói về tờ báo bà có chân trong tòa soạn nơi hồi ký Núi Mộng gương Hồ với niềm tự hào: "Thời kỳ đó chỉ có tờ báo Sống là đặc biệt để ý chính tả hỏi ngã phân minh như các báo in ở Hà Nội". Điều đó cũng dễ hiểu khi biết rằng, Đông Hồ là người rất tỉ mỉ trong việc làm thơ, viết báo, in sách không chỉ về mỹ thuật, trình bày, mà cả về chính tả nữa.

Ngoài chuyện chính tả, có lúc báo đánh nhầm số, thậm chí là quên đánh số mới. Thế nên mới có những lỗi kiểu như báo Điễn tín số 929 ra ngày 1.3.1938, số 930 ra ngày 2.3.1938. Số ra ngày 3.3.1938 đáng ra phải là số 931, nhưng báo lại vẫn giữ là số 930. Dân báo khi mới xuất bản lại có tới hai số 1. Số 1 ra ngày 19.5.1939 và số 1 ra ngày 26.5.1939. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.