Trong sắc lệnh hành pháp ngày 11.6, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp đặt lệnh cấm vận, đóng băng tài sản tại Mỹ của bất kỳ ai thuộc ICC có liên quan đến cuộc điều tra về tội ác chiến tranh của lực lượng quân sự Mỹ ở Afghanistan, theo AFP.
"Đây là động thái không thể chấp nhận nhằm can thiệp vào các quy tắc và thủ tục tố tụng của chúng tôi", ICC (trụ sở tại thành phố The Hague, Hà Lan) nhấn mạnh trong một tuyên bố ngày 11.6.
Theo ICC, lệnh cấm vận của Mỹ làm suy yếu hoạt động của ICC và chống lại các nạn nhân của tội ác chiến tranh.
Cùng lúc, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell và lãnh đạo một số quốc gia bày tỏ quan ngại sâu sắc trước động thái của Mỹ đối với ICC. Ông Borrell nhấn mạnh: “Tất cả quốc gia trên thế giới phải tôn trọng và hỗ trợ ICC”.
Theo sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump, Mỹ hạn chế cấp thị thực cho bất kỳ ai thuộc ICC liên quan đến cuộc điều tra về lực lượng Mỹ ở Afghanistan. Sắc lệnh nhấn mạnh Mỹ có quy trình riêng để điều tra các cáo buộc chống lại quân đội.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr đồng thời cáo buộc Nga và các đối thủ khác của Mỹ đã "thao túng" ICC nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể. "Thực tế, ICC đã trở thành một công cụ chính trị", ông Barr nói.
Hồi năm 2019, chính phủ Tổng thống Trump đã hủy thị thực của công tố viên ICC Fatou Bensouda và yêu cầu bà chấm dứt cuộc điều tra về Afghanistan. Tuy nhiên, các thẩm phán ICC hồi tháng 3.2020 tuyên bố cuộc điều tra có thể được tiến hành.
Cũng trong năm 2019, Tổng thống Trump đã sử dụng quyền hành pháp của mình để ân xá cho ba người của quân đội Mỹ phạm tội ác chiến tranh, bao gồm ở Afghanistan. Trong số đó có Eddie Gallagher, cựu binh lực lượng đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ, đã bị tòa án quân sự tuyên án phạm tội ác chiến tranh vì dùng dao đâm chết một tù binh chiến tranh ở Iraq.
ICC đã vấp phải sự phản đối từ Mỹ ngay sau khi được thành lập hồi năm 2002. Lúc bấy giờ, chính phủ Tổng thống George W. Bush kêu gọi các nước tránh xa ICC. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Barack Obama, chính phủ Mỹ hợp tác hơn với tòa án nhưng vẫn duy trì quan điểm Mỹ nằm ngoài ICC, theo AFP.
Bình luận (0)