Tòa án lương tâm

Trường An
Trường An
18/09/2020 04:47 GMT+7

Ngoài các phiên tòa pháp luật, bất kỳ cá nhân nào xà xẻo, trục lợi từ các hoạt động công vụ nói chung, phòng chống dịch bệnh nói riêng chắc chắn còn phải đối diện với phiên tòa khác - đó là tòa án lương tâm.

Dư luận mới đây lại tiếp tục phải hướng sự chú ý đến việc Thanh tra TP.HCM xác minh tố cáo một lãnh đạo và một cán bộ Sở Thông tin - Truyền thông về sai phạm trong chỉ định thầu hạng mục tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19.
Sau vụ lợi dụng mua sắm thiết bị xét nghiệm, chữa trị Covid-19 để trục lợi ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, chuyện tiền hỗ trợ người nghèo chịu ảnh hưởng bởi Covid “đi lạc” vào nhà quan ở một số tỉnh thì có vẻ thông tin về việc sai phạm (nếu có) liên quan hạng mục tuyên truyền về phòng chống Covid ở TP.HCM đã có tác động không ít đến tâm trạng xã hội, vốn đang có chút hào hứng vì thành tích chống dịch rất đáng ghi nhận của chúng ta.
Chính thế, việc Thanh tra TP.HCM kịp thời vào cuộc xác minh tố cáo cũng được xem là rất cần thiết, nó không chỉ để làm rõ nhanh chóng các sai phạm (nếu có) mà còn để người dân giữ vững niềm tin về việc chúng ta không cho phép có bất kỳ sự thất thoát, lãng phí nào dù là nhỏ nhất nguồn lực chống dịch.
Dịch bệnh khiến cho nền kinh tế lao đao, không ít doanh nghiệp phá sản, giải thể, người lao động mất việc làm, nhiều người rơi vào cảnh khốn khó. Tính đến nay, ngân sách nhà nước đã chi khoảng 16.290 tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch
Covid-19. Chính phủ cũng đã phải thực hiện xuất cấp khoảng 13.600 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân từ tháng 1 - 8 năm nay.
Ngoài sự quyết tâm, nỗ lực của toàn xã hội thì cần phải có nguồn lực lớn để đối phó, trong khi ngân sách nhà nước lại có hạn. Vì vậy mà Chính phủ luôn phải kêu gọi mọi người dân chung tay đóng góp, ủng hộ tiền bạc, vật chất để tham gia chống dịch hiệu quả.
Hưởng ứng lời kêu gọi đó, có biết bao nhiêu tấm lòng của người dân tình nguyện quyên góp những đồng tiền mà họ dành dụm, chắt chiu để cùng Chính phủ chống dịch.
Đó là các cụ ông, cụ bà nghèo hoặc những bà mẹ có chồng, con là liệt sĩ đã quyên góp những đồng tiền ít ỏi ủng hộ Chính phủ; hay các mạnh thường quân chế ra cây ATM gạo, sẻ chia lương thực, thực phẩm để giúp dân nghèo có được bữa no qua cơn khốn khó vì dịch bệnh hoành hành.
Thế mà lại có những người được giao trọng trách phòng, chống dịch đã phản bội lại lòng tin của người dân, “đục nước, béo cò”, câu kết, gian lận, nâng khống tiền mua sắm để tư lợi.
Vụ nâng khống máy xét nghiệm Covid-19 ở CDC Hà Nội đã truy tố nhiều cá nhân liên quan, họ rồi sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng. Nhưng ngoài các phiên tòa pháp luật đó, bất kỳ cá nhân nào xà xẻo, trục lợi từ các hoạt động công vụ nói chung, phòng chống dịch bệnh nói riêng chắc chắn còn phải đối diện với phiên tòa khác - đó là tòa án lương tâm.
Và phiên tòa đó luôn là hình phạt nghiêm khắc nhất mà con người có lương tri phải đối diện. Hình phạt đó không có không gian, thời gian, nhưng tiếng xấu thì để lại muôn đời, đau nhói tận tâm can.

Nguyễn Nhật Cảm đã "phù phép" nâng giá máy xét nghiệm Covid-19 lên 3 lần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.