Tòa án tiếp thu, không ghi tượng vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
28/04/2020 18:00 GMT+7

Người phát ngôn Tòa án Nhân dân tối cao cho biết, đơn vị tiếp thu ý kiến góp ý về việc không ghi ở đế tượng vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý.

 Chiều 28.4, Tòa án Nhân dân tối cao tổ chức cuộc họp Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng Vua Lý Thái Tông và các cố chánh án Tòa án nhân dân tối cao các thời kỳ. Việc đặt tượng Vua Lý Thái Tông như biểu tượng công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử VN đã được bàn luận. Trong đó, ông Ngô Tiến Hùng, Chánh văn phòng Tòa án nhân dân tối cao, điểm lại các vấn đề dư luận góp ý về việc dựng biểu tượng công lý này trong thời gian qua.
Ông Hùng cho biết: “Về nội dung khắc trên đế tượng vua Lý Thái Tông, nhiều ý kiến cho rằng không nên ghi là biểu tượng công lý và xét xử trong lịch sử Việt Nam mà chỉ nên ghi là nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử Việt Nam. Với lý do ta không nên chọn nhân vật lịch sử để làm biểu tượng cho công lý ở Việt Nam, Văn phòng đề xuất tiếp thu nội dung này”.
Ông Hùng cũng cho biết, sẽ không có việc dựng tượng vua Lý Thái Tông ở hệ thống trụ sở tòa án trong cả nước. Bức tượng này sẽ chỉ có một bản được đặt tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mới (số 43 Hai Bà Trưng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Thiết kế và kinh phí xây dựng tượng nằm trong gói dự án xây dựng trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Chiếc chuông kêu oan do vua Lý Thái Tông cho đúc cũng được khắc họa trên phác thảo bệ tượng của vị vua này

Ảnh chụp màn hình

Về tiến độ tiến độ xây dựng bức tượng nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử Việt Nam này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: “Thời gian dịch Covid, tạm thời chúng ta chưa đặt ra câu chuyện xây dựng. Nguyện vọng đông đảo của anh em là hoàn thiện việc sáng tác, chứ không đặt ra việc xây dựng vào thời gian này”.
Về kinh phí xây dựng tượng vua Lý Thái Tông, ông Bình cho biết: “Việc xây dựng bức tượng này nếu có trong tương lai vào thời điểm thích hợp nhưng không phải bằng ngân sách, mà bằng đóng góp của cán bộ trong ngành. Mỗi người đóng góp một ít, gửi gắm vào đây sự tôn kính đối với đức vua, đối với công chánh của nhà vua trong việc hình thành việc xét xử theo pháp luật và thân dân”.
Trước đó, Tòa án nhân dân tối cao ra Văn bản số 141, trong đó có nêu vấn đề tượng vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam. Văn bản này cũng nói đến việc lấy ý kiến để chuẩn bị cho việc dựng tượng vua Lý Thái Tông đặt tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao và các tòa án nhân dân, tòa án quân sự các cấp. Cả 2 nội dung này đều gây nóng trong dư luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.