(TNO) Tòa án Tối cao Ấn Độ ngày 6.10 đã yêu cầu tất cả các trường học ở nước này phải được trang bị đầy đủ toilet và nước cho học sinh trong vòng 6 tháng tới.
Văn bản của Tòa án Tối cao dẫn nguồn các nghiên cứu mới đây cho thấy nhiều trường học ở Ấn Độ không trang bị đầy đủ nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh quá tồi tàn và hôi thối khiến nhiều phụ huynh không muốn gửi con em (nhất là nữ) đến học tại các trường này, theo tin tức từ AFP.
Thiếu toilet và nước uống “rõ ràng vi phạm quyền tự do và quyền được đi học của trẻ em Ấn Độ”, AFP dẫn văn bản của Tòa án Tối cao.
Tòa án này khẳng định trẻ em phải được học tập trong một môi trường khỏe mạnh và sạch sẽ, đồng thời ra lệnh cho tất cả các chính quyền địa phương phải trang bị đầy đủ toilet, nước uống, phòng học, giáo viên, nhân viên học vụ và phi học vụ cho tất cả các trường học từ tư nhân cho đến trường công ở khắp Ấn Độ trong vòng sáu tháng tới.
Tòa án Tối cao đưa ra lệnh trên để giải quyết đơn kiến nghị của một tổ chức từ thiện đệ trình hồi năm 2004.
Một nhóm các nhà hoạt động có tên Diễn đàn quyền giáo dục ở Ấn Độ, hồi tháng 4.2012 công bố một báo cáo cho biết cứ mỗi 10 trường học ở Ấn Độ có một trường thiếu nước uống, và 40 % số trường học ở khắp Ấn Độ không có đủ toilet cho học sinh.
|
Hồi năm 2010, Ấn Độ tiến hành một chương trình giáo dục mang tính lịch sử, theo đó tất cả trẻ em từ 6 - 14 tuổi đều được đến trường và không phải đóng một xu tiền học phí.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng hệ thống giáo dục Ấn Độ hiện còn rất nghèo nàn và lạc hậu do cơ sở hạ tầng được đầu tư lỏng lẻo, yếu kém, giáo viên thường xuyên nghỉ dạy, khiến nhiều người lo ngại rằng hằng chục ngàn người sẽ không được giáo dục tốt, dẫn đến không thể tìm được việc làm.
Tình trạng thiếu toilet không chỉ dừng lại ở trường học mà tại các gia đình ở Ấn Độ, theo AFP. AFP dẫn các số liệu thống kê cho thấy khoảng 47 % trong số 330 triệu gia đình Ấn Độ có toilet trong nhà, trong khi 53 % còn lại không có, nhưng có đến 63 % trong số gia đình này có đầy đủ đường truyền internet, điện thoại cố định và điện thoại di động. |
Phúc Duy
>> 50.000 trẻ em Ấn Độ mất tích hằng năm
>> Bộ trưởng Ấn Độ xin lỗi vì... chê phụ nữ
>> Ấn Độ bùng nổ dịch vụ phát hiện nói dối
>> Ấn Độ thay đổi văn hóa làm từ thiện
Bình luận (0)