Tòa án, Viện kiểm sát lúng túng khi xử tội cho vay nặng lãi

12/05/2015 12:45 GMT+7

(TNO) Thảo luận về luật Dân sự sửa đổi sáng nay 12.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa thống nhất được quy định nên giữ hay bỏ lãi suất cơ bản làm căn cứ xác định tội cho vay nặng lãi.

(TNO) Thảo luận về luật Dân sự sửa đổi sáng nay 12.5, Thường vụ Quốc hội chưa thống nhất được quy định nên giữ hay bỏ lãi suất cơ bản làm căn cứ xác định tội cho vay nặng lãi.

lai-suat-co-banLãi suất cơ bản một lần nữa làm nóng nghị trường - Ảnh: Ngọc Thắng 

Trong dự thảo luật, Điều 483 quy định các bên khi vay mượn với nhau được thỏa thuận lãi suất nhưng không được vượt quá 200% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Luật cũ quy định là 150%.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu băn khoăn: "Trên thế giới không nước nào quy định về lãi suất cơ bản. Ngân hàng Nhà nước từ lâu cũng không công bố. Tôi đề nghị xem xét lại quy định này".

Theo Phó chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Tống Anh Hào, luật Dân sự quy định như trên còn luật Tổ chức tín dụng và luật Ngân hàng Nhà nước lại cho lãi suất thỏa thuận; luật Hình sự thì quy định vượt quá mức trên là phạm tội cho vay nặng lãi. Mâu thuẫn này khiến khi xử, tòa không biết áp dụng như nào. “Khi tòa hỏi thì từ năm 2009 đến nay Ngân hàng Nhà nước không công bố, lúc nói có, lúc nói không làm tòa án rất lúng túng”, ông Hào nói.

Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Thị Thủy Khiêm cho biết thêm, vừa qua Viện cũng gặp nhiều khó khăn, trục trặc đối với các tranh chấp tín dụng liên quan đến việc quy định lãi suất cơ bản thiếu đồng nhất kể trên. Bà Khiêm đề nghị phải có được sự thống nhất và nên lấy luật Dân sự làm gốc để xử.

Bỏ lãi suất, thả người phạm tội cho vay nặng lãi?

"Giữ hay không giữ lãi suất cơ bản thì cũng phải có sự thống nhất và lập luận rõ để trình Quốc hội cho ý kiến thời gian tới", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến. Ông Hiển cho rằng Ngân hàng Nhà nước có khuyết điểm khi không công bố lãi suất cơ bản kể từ năm 2009 đến nay. “Nếu bỏ thì sửa ngay luật Hình sự, luật Ngân hàng và luật Tổ chức tín dụng; đồng thời phóng thích ngay người phạm tội bị bỏ tù vì cho vay nặng lãi”, ông Hiển đề nghị.

Bày tỏ quan điểm cá nhân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng vẫn nên có lãi suất cơ bản còn mức bao nhiêu thì tính toán lại, có thể trên 150%, nhưng dưới 200%. Chủ tịch Quốc hội đề nghị khi áp dụng không nhất thiết phải định kỳ công bố mà dựa vào biến động của thị trường tiền tệ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.