(TNO) Một trong 10 nội dung đáng chú ý của dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) sẽ được đưa ra lấy ý kiến nhân dân là Toà án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng.
Lễ công bố kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi vừa diễn ra chiều nay
- Ảnh: Thái Sơn |
Tại Lễ công bố kế hoạch của Chính phủ chiều nay 5.1, về việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ cho biết, dự thảo sẽ được lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thông qua nhiều hình thức như góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản, qua tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp và các hình thức phù hợp khác.
Thời gian lấy ý kiến nhân dân diễn ra từ nay đến ngày 5.4.2015. Sau thời điểm này, các tổ chức, cá nhân có thể tiếp tục góp ý bằng văn bản gửi qua đường bưu điện hoặc thư điện tử về Bộ Tư pháp trước ngày 20.9.2015. Theo ông Kiều Đình Thụ, người dân gửi góp ý qua đường bưu điện sẽ không phải dán tem.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thông tin thêm: dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) gồm 26 chương, 712 điều. So với Bộ luật dân sự hiện hành, dự thảo sửa đổi giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều, bãi bỏ 147 điều. "Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự lần này được xác định là cơ bản và toàn diện”, ông Cường nói.
Theo kế hoạch của Chính phủ, 10 nội dung trọng tâm xin ý kiến nhân dân, trong đó có nội dung: Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền sân sự. Theo đó, Toà án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng. Trong trường hợp này, tòa án căn cứ vào tập quán, nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng để xem xét giải quyết.
Nội dung đáng chú ý khác được đưa ra lấy ý kiến nhân dân là quy định các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất thỏa thuận không được vượt quá 200% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Bộ luật dân sự (sửa đổi) có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật, vì vậy Chính phủ mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của toàn thể nhân dân. "Các ngành chức năng phải tổng hợp chính xác, đầy đủ ý kiến của nhân dân, việc tiếp thu giải trình phải được thực hiện công khai, minh bạch”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
Bình luận (0)