Tòa tối cao Mỹ ra phán quyết đẩy lùi quyền của người LGBTQ+

01/07/2023 11:47 GMT+7

Tòa án Tối cao Mỹ ngày 30.6 ra phán quyết ủng hộ một nhà thiết kế website từ chối cung cấp dịch vụ cho các cặp đôi kết hôn đồng giới, nhấn mạnh quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất của hiến pháp Mỹ.

Tòa tối cao Mỹ ra phán quyết đẩy lùi quyền của người LGBTQ+ - Ảnh 1.

Cờ lục sắc, đại diện cho cộng đồng LGBTQ+, xuất hiện trước trụ sở Tòa án Tối cao Mỹ ở Washington DC năm 2015

REUTERS

Phán quyết được công bố với sự ủng hộ của 6 thẩm phán có xu hướng bảo thủ tại Tòa án Tối cao Mỹ. Ba thẩm phán theo đường lối tự do của tòa án phản đối quyết định này và tuyên bố rằng đây là "giấy phép mới cho nạn phân biệt đối xử", theo Reuters.

Vụ việc liên quan đến bà Lorie Smith, một người theo đạo Tin Lành và là chủ của công ty 303 Creative chuyên thiết kế website, có trụ sở tại bang Colorado của Mỹ. Vào năm 2016, bà đã đệ đơn kiện nhằm yêu cầu tòa án liên bang tuyên bố doanh nghiệp của bà được miễn trừ khỏi luật chống phân biệt đối xử của bang Colorado nếu bất kỳ cặp đôi đồng giới nào tìm đến các dịch vụ mà bà cung cấp.

Một tòa phúc thẩm liên bang ở Denver (Colorado) - giống như các tòa án liên bang và tiểu bang khác từng đối đầu với những người phản đối hôn nhân đồng giới - đã kết luận rằng hiến pháp Mỹ không có quy định nào cho phép bà được miễn trừ khỏi luật của tiểu bang yêu cầu các doanh nghiệp đối xử bình đẳng với mọi khách hàng bất kể xu hướng tính dục của họ.

Vụ việc là hiện thân cho cuộc tranh cãi kéo dài giữa hai phe trong Tòa án Tối cao Mỹ: phe muốn ưu tiên quyền thể hiện tôn giáo hơn lợi ích công cộng thế tục và phe muốn mở rộng quyền bình đẳng dân sự cho cộng đồng LGBTQ+ (người đồng tính nam/nữ, song tính, chuyển giới và thiểu số khác về xu hướng tính dục) ở Mỹ.

Đại diện 6 thẩm phán bảo thủ của tòa án, thẩm phán Neil Gorsuch viết trong phán quyết hôm 30.6 rằng luật chống phân biệt đối xử của bang Colorado không thể được thực thi để yêu cầu một chủ doanh nghiệp bày tỏ ý kiến mà bà phản đối, ngay cả khi tiểu bang coi những quan điểm đó là đáng ghê tởm. Theo đó, luật của bang Colorado vi phạm Tu chính án thứ nhất của hiến pháp Mỹ.

"Cơ hội để suy nghĩ cho bản thân và tự do bày tỏ những suy nghĩ đó là một trong những quyền tự do được trân trọng nhất của chúng ta và là một phần của những gì giúp nền cộng hòa của chúng ta vững mạnh", ông Gorsuch viết, với sự đồng tình của Chánh án John Roberts cùng các thẩm phán Clarence Thomas, Samuel Alito, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett, theo The Wall Street Journal.

Theo phán quyết, trong khi "tất cả chúng ta sẽ gặp phải những ý tưởng mà chúng ta coi là" sai lầm hoặc thậm chí xúc phạm, "Tu chính án thứ nhất hình dung Mỹ là một nơi giàu có và phức tạp, nơi tất cả mọi người được tự do suy nghĩ và biểu đạt theo cách họ muốn, chứ không phải theo yêu cầu của chính phủ".

Ba thẩm phán tự do không đồng tình với ý kiến của phe bảo thủ trong đội hình 9 thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ. Thẩm phán Sonia Sotomayor viết: "Hôm nay, Tòa án (Tối cao Mỹ), lần đầu tiên trong lịch sử của mình, trao cho một doanh nghiệp mở cửa với công chúng quyền hiến định để từ chối phục vụ các thành viên thuộc tầng lớp được bảo vệ".

"Với việc cấp giấy phép mới cho nạn phân biệt đối xử, trong vụ kiện được khởi xướng bởi một công ty không cho các cặp đôi đồng giới được tiếp cận các dịch vụ của mình một cách đầy đủ và bình đẳng, tác động tức thời, mang tính biểu tượng của quyết định này là xếp những người đồng tính nam và đồng tính nữ vào nhóm hạng hai. Theo cách này, bản thân quyết định đã gây ra một loại tác hại mang tính kỳ thị, bên cạnh bất kỳ tác hại nào khác sinh ra từ việc từ chối cung cấp dịch vụ", bà Sotomayor bày tỏ quan điểm với sự ủng hộ của 2 thẩm phán Elena Kagan và Ketanji Brown Jackson.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, người của đảng Dân chủ, đã chỉ trích phán quyết này. "Ở Mỹ, không ai phải đối mặt với sự phân biệt đối xử chỉ vì họ là ai hoặc họ yêu ai", ông Biden nói trong một tuyên bố, đồng thời cho biết ông lo ngại phán quyết có thể dẫn đến nhiều vụ việc phân biệt đối xử hơn nữa.

"Nói rộng hơn, quyết định ngày hôm nay làm suy yếu các luật lâu nay bảo vệ tất cả người Mỹ chống lại sự phân biệt đối xử ở nơi công cộng - bao gồm người da màu, người khuyết tật, người theo đạo và phụ nữ", tổng thống Mỹ nói.

Các thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ trong những năm gần đây đã ủng hộ quyền của cộng đồng LGBTQ+ trong các vụ kiện lớn, mặc dù cán cân thẩm phán ở tòa án đã trở nên thiên hữu, tức phe bảo thủ chiếm đa số. Một phán quyết vào năm 2015 đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới trên toàn quốc. Một phán quyết năm 2020 kết luận rằng một luật liên bang cấm phân biệt đối xử tại nơi làm việc bảo vệ nhân viên đồng tính và chuyển giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.