Bất thường quanh dự án khu dân cư Hòa Lân: Tòa tối cao tuyên hủy quyết định giám đốc thẩm, giữ nguyên bản án phúc thẩm

Thanh Đông
Thanh Đông
14/04/2022 11:19 GMT+7

Ngày 22.3.2022 TAND Tối cao đã ban hành Quyết định Giám đốc thẩm số 02/2022/KDTM-GĐT về việc yêu cầu hủy kết quả đấu giá và tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan dự án khu dân cư Hòa Lân, tỉnh Bình Dương.

Theo đó, chấp nhận Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 03/2022/KM-KDTM ngày 14.2 của Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao. Hủy Quyết định Giám đốc thẩm số 45/2021.KDTM-GĐT ngày 15.11.2021 của TAND cấp cao tại TP.HCM. Giữ nguyên bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 264/2021/KDTM-PT ngày 24.3.2021 của TAND TP.HCM.

Dự án nghìn tỉ kéo dài gần 20 năm

Như Thanh Niên đã phản ánh, dự án khu dân cư Hòa Lân (P.Thuận Giao, TP.Thuận An, Bình Dương) được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho Công ty TNHH SX - TM Thiên Phú (Thiên Phú) thực hiện từ năm 2002. Sau đó, Thiên Phú thế chấp dự án này để vay vốn từ Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam - chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn) nhưng không có khả năng trả nợ. Do đó, Thiên Phú giao tài sản thế chấp để Agribank Chợ Lớn xử lý thu hồi nợ.

Dự án KDC Hòa Lân

DUY KHANG

Ngày 25.5.2017, Công ty TNHH xây dựng A Đông Hải, sau này đổi tên thành Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh TP.HCM (viết tắt là Công ty Kim Oanh) trúng đấu giá tại phiên đấu giá lần thứ 13 do Công ty CP đấu giá Nam Sài Gòn tổ chức với giá bán 1.353 tỉ đồng.

Sau đó, Thiên Phú khởi kiện Công ty CP đấu giá Nam Sài Gòn (Nam Sài Gòn), yêu cầu hủy kết quả đấu giá dù Kim Oanh đã bỏ ra hơn 1.000 tỉ đồng để thanh toán tiền mua đấu giá dự án. TAND Q.7 (TP.HCM) thụ lý giải quyết vụ án. Bản án sơ thẩm số 99/KDTM-ST ngày 12.11.2020 của TAND Q.7 tuyên: Bác toàn bộ yêu cầu của Thiên Phú và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về việc hủy kết quả bán đấu giá dự án khu dân cư Hòa Lân.

Sau đó, Thiên Phú kháng cáo, bà Phạm Thị Hường và bà Nguyễn Ngọc Kim Châu (là những người được TAND Q.7, TP.HCM đưa vào vụ kiện với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vì đã nhận chuyển nhượng vốn góp từ các thành viên góp vốn của Thiên Phú) cũng kháng cáo.

Trong quá trình TAND TP.HCM thụ lý vụ án theo trình tự phúc thẩm, Thiên Phú rút toàn bộ kháng cáo, bà Phạm Thị Hường và bà Nguyễn Ngọc Kim Châu cũng rút đơn kháng cáo vì lý do đã thương lượng được với các đương sự.

Ngày 24.3.2021, TAND TP.HCM đã ban hành bản án phúc thẩm số 264/2021/KDTM-PT với nội dung đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của Thiên Phú, bà Phạm Thị Hường và bà Nguyễn Ngọc Kim Châu liên quan đến kết quả đấu giá dự án khu dân cư Hòa Lân. TAND TP.HCM chỉ xem xét phần kháng cáo của Agribank Chợ Lớn liên quan đến cách tính tiền lãi của các hợp đồng vay giữa Thiên Phú với đơn vị này.

Sau khi có bản án phúc thẩm, một tạp chí điện tử và Thiên Phú có đơn đề nghị giám đốc thẩm đối với bản án.

Hội đồng xét xử sở thẩm vụ án kinh doanh, thương mại liên quan đến dự án KDC Hòa Lân

DUY KHANG

Ngày 22.6.2021, Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP.HCM ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 174/QĐKNGĐT- VKS-KDTM đối với Bản án sơ thẩm số 99/KDTM-ST ngày 12.11.2020 của TAND Q.7, TP.HCM và bản án phúc thẩm số 264/2021/KDTM-PT ngày 24.3.2021 của TAND TP.HCM; Đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 bản án nêu trên, để giải quyết lại.

Ngày 15.11.2021, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM đã có Quyết định Giám đốc thẩm số 45/2021/KDTM-GĐT chấp nhận toàn bộ kháng nghị nêu trên.

Ngày 14.2.2022, Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao ban hành Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 03/2022/KM-KDTM đối với Quyết định Giám đốc thẩm số 45/2021/KDTM-GĐT của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM.

Công ty Kim Oanh cần được bảo vệ quyền lợi

Tại Quyết định Giám đốc thẩm số 02/2022/KDTM-GĐT ngày 22.03.2022, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao nhận định:

Về Hợp đồng tín dụng giữa Thiên Phú và Agribank Chợ Lớn, bản án phúc thẩm tuyên Thiên Phú còn phải trả cho Agribank Chợ Lớn số tiền 1.237.320.450.622 đồng là có căn cứ. Các đương sự không có đề nghị về việc tính lại số tiền nợ gốc và nợ lãi nêu trên.

Về thế chấp và xử lý tài sản thế chấp: Để đảm bảo cho các khoản vay, ngày 1.7.2003, Thiên Phú và Agribank Chợ Lớn ký hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay là toàn bộ giá trị quyền sử dụng đất, cơ sở hạ tầng và tài sản trên đất tại Dự án KDC Hòa Lân. Việc thế chấp, nhận thế chấp thực hiện đúng các quy định pháp luật. Do không có khả năng trả nợ, Thiên Phú tự nguyện giao tài sản thế chấp để Agribank Chợ Lớn xử lý thu hồi nợ. Hai bên thống nhất thuê Công ty cổ phần thẩm định giá và tư vấn quốc tế (VALUCO) thẩm định giá để đưa ra giá khởi điểm. Ngày 12.5.2015, VALUCO có Chứng thư thẩm định số 403/2015/CT-VALUCO xác định tài sản thẩm định giá có giá trị là 1.467.700.000.000 đồng. Ngày 17.6.2015, Agribank Chợ Lớn và Nam Sài Gòn ký hợp đồng bán đấu giá tài sản số 10/2015/ĐGNSG, xác định giá khởi điểm theo chứng thư thẩm định giá nêu trên.

Sau 5 lần tổ chức bán đấu giá không thành, Thiên Phú yêu cầu thẩm định giá lại nên Agribank Chợ Lớn đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Thẩm định giá và Tư vấn Đầu tư Xây dựng Thế Hệ Mới để thẩm định giá. Tại chứng thư thẩm định giá số 246/CT-THM ngày 19.4.2016 xác định giá trị tài sản định giá là 1.238.307.738.000 đồng. Các bên thống nhất sử dụng giá thẩm định của Chứng thư này để xác định giá khởi điểm cho việc bán đấu giá lần thứ 6 được tổ chức ngày 25.4.2016 là không quá thời hạn 6 tháng kể từ ngày ban hành Chứng thư thẩm định giá. Các lần bán đấu giá sau đó (tổng cộng 13 lần) đều dựa trên mức giá đã được định giá có điều chỉnh giảm giá không quá 10% so với lần đấu giá trước liền kề là đúng quy định, đồng thời các lần giảm giá đều có sự đồng ý thống nhất giữa Thiên Phú và Agribank Chợ Lớn. Quyết định Giám đốc thẩm cho rằng, Agribank Chợ Lớn và Nam Sài Gòn sử dụng chứng thư thẩm định giá số 246/CT-THM ngày 19.4.2016 đã hết hiệu lực làm cơ sở cho việc bán đấu giá là không đúng.

Diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm liên quan dự án KDC Hòa Lân

DUY KHANG

Ngày 25.5.2017, Nam Sài Gòn tổ chức đấu giá thành dự án KDC Hòa Lân, người trúng đấu giá là Công ty Kim Oanh, giá trúng đấu giá là: 1.353 tỉ đồng. Tại Biên bản bán đấu giá tài sản ngày 25.5.2017 và Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá số 01-10/2017/HĐMBTSBĐG ngày 01.7.2017 đều ghi rõ: “Đối với phần diện tích đất được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất thì không tiến hành bán đấu giá mà chỉ bàn giao cho người trúng đấu giá quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật”. Như vậy, các bên chỉ thỏa thuận đối với diện tích 243.912m2 đất nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất. Do đó, Quyết định Giám đốc thẩm nhận định Agribank Chợ Lớn đã bán đấu giá cả phần diện tích đất được nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất là không đúng .

Về việc Công ty Kim Oanh chậm thanh toán: Công ty Kim Oanh và các bên có liên quan đã ký kết phụ lục hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá để sửa đổi thời hạn thanh toán tiền mua tài sản bán đấu giá, theo đó, Công ty Kim Oanh thanh toán chậm phải trả lãi theo lãi suất 8%/năm, thời gian bắt đầu tính lãi tính từ ngày 6.9.2017. Đến ngày 21.5.2019, Công ty Kim Oanh đã thanh toán xong số tiền mua tài sản là 1.353 tỉ đồng, tiền lãi chậm trả là 97.177.822.222 đồng là hoàn thành nghĩa vụ thanh toán.

Mặt khác, tại Kết luận thanh tra số 62/KL-TTr ngày 24.12.2018 của Thanh tra Bộ tư pháp đã kiến nghị: Agribank chỉ đạo Agribank Chợ Lớn có biện pháp khẩn trương thu hồi số tiền Công ty Kim Oanh thanh toán mua tài sản đấu giá và tính toán lãi suất trả chậm, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Như vậy, kết luận của Thanh tra Bộ Tư pháp không kiến nghị về việc hủy kết quả bán đấu giá mà chỉ kiến nghị tiếp tục thu hồi số tiền từ việc bán đấu giá tài sản để đảm bảo cho việc thu hồi nợ xấu của Agribank Chợ Lớn. Thực tế, đến ngày 21.5.2019, Công ty Kim Oanh đã thanh toán xong số tiền mua tài sản là 1.353 tỉ đồng, tiền lãi chậm trả là 97.177.822.222 đồng cho Agribank Chợ Lớn. Tại phiên tòa phúc thẩm, UBND tỉnh Bình Dương cũng có ý kiến: Công ty Kim Oanh là người mua trúng đấu giá quyền sử dụng đất, do đó, khi thực hiện các thủ tục liên quan đến dự án KDC Hòa Lân đề nghị Công ty Kim Oanh phải chấp hành theo quy định của pháp luật. Như vậy, Công ty Kim Oanh là người mua được tài sản thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền, do đó là người thứ 3 ngay tình được bảo vệ quyền lợi theo quy định tại Điều 133 Bộ luật dân sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, Agribank Chợ Lớn và Thiên Phú có đơn kháng cáo. Tuy nhiên, sau đó, Thiên Phú đã có đơn xin rút kháng cáo với lý do đã thương lượng được với các đương sự. Agribank Chợ Lớn kháng cáo phần tính lãi và đã được tòa án cấp phúc thẩm quyết định phần này và giữ nguyên các quyết định khác của Bản án sơ thẩm là có căn cứ. Quyết định Giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm để xét xử lại là không có căn cứ.

Sau khi có Quyết định Giám đốc thẩm, cả Thiên Phú, Nam Sài Gòn, Công ty Kim Oanh và Agribank Chợ Lớn đều có văn bản đề nghị xem xét hủy Quyết định Giám đốc thẩm nêu trên, giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm của TAND TP.HCM vì cho rằng việc đấu giá là công khai, minh bạch và các bên đã được đảm bảo quyền lợi của mình, tài sản bán đấu giá đã được bàn giao cho Công ty Kim Oanh là người mua được tài sản bán đấu giá theo đúng quy định.

Vì các lẽ trên, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao chấp nhận Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 03/2022/KM-KDTM ngày 14.2.2022 của Chánh án TAND tối cao. Hủy Quyết định Giám đốc thẩm số 45/2021/KDTM-GĐT ngày 15.11.2021 của TAND cấp cao tại TP.HCM. Giữ nguyên bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 264/2021/KDTM-PT ngày 24.3.2021 của TAND TP.HCM giữa nguyên đơn là Công ty Thiên Phú với bị đơn là Công ty đấu giá Nam Sài Gòn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.