Phải chăng chiêu trò lợi ích nhóm?
22/03/2019 08:27 GMT+7
Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh TP.HCM tiếp tục kêu cứu, phản ánh thêm những bất thường đang xảy ra liên quan đến dự án khu dân cư Hòa Lân mà công ty này trúng đấu giá.
Tự động phát
Mấy ngày qua, bà Đặng Thị Kim Oanh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh TP.HCM (Công ty Kim Oanh) tiếp tục đến Báo Thanh Niên và các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương kêu cứu, phản ánh về vấn đề này. Dưới đây là nội dung trao đổi giữa bà Kim Oanh và PV Thanh Niên.
|
Nói không giải quyết được nhưng liên tục cản trở
|
Sau khi Thiên Phú có hàng loạt động thái kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương không chấp thuận chủ trương chuyển tên chủ đầu tư, tôi đã đến làm việc với Thiên Phú nhằm giải quyết vấn đề. Ông Bùi Thế Sơn - Giám đốc Thiên Phú, nói với tôi rằng, hiện nay, Thiên Phú không giải quyết được chuyện này. Nếu muốn được việc, tôi nên nhờ người liên hệ với “họ” để thương lượng, “họ” yêu cầu gì thì Thiên Phú sẽ làm theo.
Thiên Phú có nói cụ thể “họ” là ai, vì sao phải thương lượng với “họ”?
Trước đây, công ty chúng tôi có nghe râm ran dư luận về một nhóm người cũng làm trong ngành bất động sản muốn thâu tóm hoặc chia sẻ dự án Hòa Lân với Công ty Kim Oanh. Do hiện nay, giá đất ở đây đã lên cao so với thời điểm chúng tôi mua đấu giá. Vì vậy, khi nghe Thiên Phú đề cập đến việc tôi phải thương lượng với “họ” thì tôi không còn bất ngờ nữa mà khẳng định rằng, dự án Hòa Lân đang trở thành “miếng bánh ngon” mà một nhóm người, một thế lực đứng phía sau Thiên Phú đang muốn sở hữu. Đó là xuất phát điểm của các hành vi ngăn cản, gây khó khăn cho chúng tôi trong suốt thời gian qua.
Ngoài những việc trên, Thiên Phú còn có các hành vì khác gây khó cho công ty của bà?
Thiên Phú đã “tung chiêu” khởi kiện. Ngày 27.2.2019, TAND Q.7, TP.HCM đã thụ lý vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 20/2019/KTST về việc “hợp đồng bán đấu giá”. Theo đó, Thiên Phú yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 01-10/2017/HĐMBTSBĐG ngày 1.7.2017 giữa Agribank Chợ Lớn, Công ty Kim Oanh, Thiên Phú, Công ty cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, hủy kết quả bán đấu giá tài sản là dự án Hòa Lân.
Sau khi thụ lý, TAND đã có Quyết định số 01/2019/QĐ-BPKKTT ngày 15.3 áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch quyền về tài sản dưới mọi hình thức đối với các tài sản là quyền sử dụng đất thuộc dự án khu dân cư Hòa Lân.
Kiến nghị của Công ty Kim Oanh về vụ kiện này như thế nào?
Thiên Phú vay của Agribank Chợ Lớn và thế chấp dự án Hòa Lân từ năm 2003. Khi Thiên Phú không có khả năng trả nợ, Thiên Phú đồng ý giao dự án Hòa Lân để Agribank Chợ Lớn bán đấu giá. Và nay, cũng chính Thiên Phú gửi đơn yêu cầu tòa án hủy kết quả đấu giá, tuyên hợp đồng bán đấu giá có Thiên Phú ký tên vô hiệu. Lạ hơn, Thiên Phú còn yêu cầu sẽ tiếp tục trả nợ cho Agribank Chợ Lớn để lấy lại dự án Hòa Lân. Luật pháp đang ở đâu, có phải Thiên Phú và nhóm người đứng sau Thiên Phú đang bất chấp luật pháp để thực hiện ý đồ của mình? Tôi kiến nghị TAND Q.7, TAND TP.HCM cần xem xét lại việc thụ lý giải quyết vụ án vì yêu cầu của Thiên Phú không có cơ sở, bởi sau 6 tháng ròng làm việc, Thanh tra Bộ Tư pháp đã có kết luận việc bán đấu giá tài sản là hợp pháp. Bên cạnh đó, như đã nói, Thiên Phú đã đồng ý bằng văn bản để Agribank bán đấu giá dự án Hòa Lân để thu hồi vốn, dự án đã được bán đấu giá thì Thiên Phú không còn quyền sử dụng đối với dự án Hòa Lân. Như vậy, việc thụ lý giải quyết vụ án là không phù hợp quy định pháp luật.
Tha thiết nhận được sự quan tâm của chính quyền
Đến thời điểm hiện nay, cá nhân bà và Công ty Kim Oanh có còn mặn mà với dự án Hòa Lân sau quá nhiều rắc rối?
tin liên quan
Đất đã được cấp sổ đỏ bỗng dưng… 'biến mất' !Với dự án Hòa Lân, do Thiên Phú không có khả năng thực hiện dự án nên diện tích đất rộng lớn ngay cửa ngõ tỉnh Bình Dương bị bỏ hoang một thời gian dài. Khi quyết định mua đấu giá dự án này, bản thân tôi nghĩ đến 4 ý nghĩa, đó là: Thứ nhất, giúp Agribank thu hồi vốn nhà nước. Thứ hai, gỡ khó cho Thiên Phú trong tình cảnh bế tắc. Tiếp đến là hỗ trợ người dân có nhà đất bị giải tỏa trong dự án sớm được đền bù, tái định cư. Và cuối cùng, biến mảnh đất bỏ trống nhiều năm, nằm ở vị trí cửa ngõ của tỉnh thành một dự án với thiết kế đẹp, hiện đại, nhiều tiện ích.
Tuy nhiên, cho đến nay, thú thật, đã có lúc, tôi - một trong số ít phụ nữ trong ngành bất động sản phải khóc tức tưởi, mất ngủ nhiều đêm vì những gì đã và đang gặp phải. Vì thế, chúng tôi tha thiết kính mong Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và UBND tỉnh Bình Dương sớm quan tâm, xem xét, chấp thuận chủ trương chuyển tên chủ đầu tư để Công ty Kim Oanh nhanh chóng triển khai dự án nhiều tâm huyết, nhiều ý nghĩa này.
Bình luận (0)