Toàn cảnh phiên tòa Trương Mỹ Lan giai đoạn 2: Núi tiền khổng lồ và 2 chiếc túi gây xôn xao

Toàn cảnh phiên tòa Trương Mỹ Lan giai đoạn 2: Núi tiền khổng lồ và 2 chiếc túi gây xôn xao

19/10/2024 12:52 GMT+7

Trong giai đoạn 2 của vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 30.800 tỉ đồng, vận chuyển trái phép 4,5 tỉ USD qua biên giới và rửa hơn 415.000 tỉ đồng tiền thu lợi bất chính.

Từ ngày 19.9.2024, Tòa án nhân dân TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, là Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 đồng phạm trong giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Toàn cảnh phiên tòa Trương Mỹ Lan giai đoạn 2: Núi tiền khổng lồ và 2 chiếc túi gây xôn xao

Sau gần 1 tháng xét xử, phiên tòa đã khép lại với bản án chung thân dành cho bà chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát về 3 tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "rửa tiền" và "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".

“Phát hành trái phiếu khống - nhận tiền thật” chiếm đoạt hơn 30.800 tỉ đồng

Cơ quan tố tụng xác định, giai đoạn tháng 8.2018, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) trong tình trạng bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra sát sao. Điều này dẫn đến việc xin cấp tín dụng từ SCB của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát gặp khó khăn. Để giải quyết vấn đề, nhất là trong bối cảnh nợ xấu kéo dài, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chủ trương phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Thực hiện "chỉ thị" của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, 4 công ty con là Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông; Công ty Cổ phần đầu tư Sunny World; Công ty Cổ phần đầu tư Quang Thuận và Công ty Cổ phần dịch vụ và thương mại TP.HCM đã phát hành 25 mã trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo.

Tuyên án vụ Trương Mỹ Lan: Bị hại có được nhận lãi từ trái phiếu SCB?

Trong đó, Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông phát hành 3 gói trái phiếu, chiếm đoạt gần 25.000 tỉ đồng; Công ty Setra phát hành 20 gói, chiếm đoạt 2.000 tỉ đồng; Công ty CP đầu tư - phát triển Sunny World phát hành 1 gói, chiếm đoạt hơn 1.600 tỉ đồng; Công ty CP đầu tư Quang Thuận phát hành 1 gói trái phiếu, chiếm đoạt 1.500 tỉ đồng.

Gói trái phiếu của Công ty An Đông, Quang Thuận và Setra đã thông qua Công ty Cổ phần chứng khoán Tân Việt (tức TVSI) tổ chức phát hành, trực tiếp ký kết hợp đồng bán trái phiếu.

Gói trái phiếu Sunny World được giao cho một ngân hàng để đầu tư, bán ra thị trường.

Thủ đoạn của bị cáo Trương Mỹ Lan là tạo dòng tiền khống để hợp thức nhà đầu tư sơ cấp cho 8 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua toàn bộ số lượng trái phiếu của 4 công ty phát hành để đảm bảo điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư theo quy định, nhằm mục đích bán trái phiếu rộng rãi cho hàng chục ngàn người dân để huy động tiền, nhằm cho Trương Mỹ Lan có nguồn tiền để sử dụng vào mục đích khác nhau.

Bà Trương Mỹ Lan xin lại 2 chiếc túi Hermes, tòa tuyên thế nào?

Để tạo lập dòng tiền khống cho 8 công ty của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua trái phiếu, các bị cáo liên quan sử dụng các công ty "ma" và các cá nhân được thuê đứng tên làm giám đốc, tổng giám đốc, sở hữu cổ phần, đứng tên các khoản vay, ký khống chứng từ, tài liệu, phối hợp các bị cáo tại SCB thực hiện các giao dịch nộp, rút tiền mặt, chuyển tiền tại SCB, tạo ra dòng tiền khống hơn 30.800 tỉ đồng không có tiền mặt.

Theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan, sau khi thu được tiền từ việc bán trái phiếu, nhóm này đã thực hiện các giao dịch chuyển tiền cho các cá nhân được thuê để rút tiền tại SCB chi nhánh Sài Gòn, Bến Thành nhằm che giấu, cắt đứt dòng tiền.

Sau đó, dùng tiền bán trái phiếu vào các mục đích như trả nợ vay ngân hàng; trả gốc, lãi trái phiếu; chi dự án; chuyển tiền ra nước ngoài và mục đích cá nhân khác của Trương Mỹ Lan, dẫn đến mất khả năng chi trả cho người mua trái phiếu.

Rửa 445.000 tỉ "tiền bẩn"

Trong cả 2 giai đoạn của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị cáo Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để hợp thức hóa số tiền bất chính khổng lồ, bao gồm hơn 30.000 tỉ chiếm đoạt của nhà đầu tư trái phiếu và 415.000 tỉ tham ô của SCB.

Bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo một số bị cáo lên phương án thực hiện việc rút, chuyển tiền ra khỏi hệ thống SCB nhằm che giấu nguồn gốc tiền do phạm tội mà có, hợp pháp hóa hơn 445.000 tỉ đồng để sử dụng cho các mục đích theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.

Cụ thể, việc rút tiền mặt, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó tổng giám đốc SCB, đã qua đời) phối hợp bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc SCB), bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB), bị cáo Nguyễn Phương Anh (cựu Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula) cho các công ty "ma", thuê cá nhân rút tiền.

Toàn cảnh bản án vụ Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2

Khi tiền ra khỏi SCB chi nhánh Sài Gòn thì giao cho bị cáo Bùi Văn Dũng để Dũng vận chuyển tiền về tòa nhà Sherwood tại số 127 Pasteur, Q.3, TP.HCM giao cho bị cáo Trần Thị Hoàng Uyên (thư ký của bị cáo Trương Mỹ Lan). Sau đó, bị cáo Uyên tiếp tục giao cho các cá nhân theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan.

Trong một số trường hợp, bị cáo Dũng vận chuyển tiền về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho Trần Xuân Phượng (là trợ lý của bị cáo Ngô Thanh Nhã, cựu Tổng giám đốc Vạn Thịnh Phát); hoặc bị cáo Dũng trực tiếp chuyển tiền cho các cá nhân theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.

Khi chưa sử dụng tiền mặt, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo đồng phạm tại SCB chuyển tiền phạm tội đến tài khoản chờ, khi cần sử dụng sẽ lập phương án chuyển tiền lòng vòng giữa các tài khoản, cuối cùng đến tài khoản chỉ định để bị cáo Lan sử dụng.

Chiêu trò vận chuyển 4,5 tỉ USD qua biên giới

Tội danh cuối cùng mà bị cáo Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm bị truy tố trong giai đoạn 2 của vụ án là "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".

Theo cáo trạng, trong quá trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát phát sinh các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài để trả nợ hoặc nhận tiền vay từ nước ngoài chuyển về Việt Nam.

Để thực hiện các giao dịch này, bị cáo Trương Mỹ Lan đã giao cấp dưới lập hợp đồng khống mua bán cổ phần, vốn góp, tư vấn, vay nợ giữa các công ty trong nước và nước ngoài thuộc "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát.

Toàn cảnh phiên tòa Trương Mỹ Lan giai đoạn 2: Núi tiền khổng lồ và 2 chiếc túi gây xôn xao- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm tại phiên tòa xét xử giai đoạn 2

ẢNH: NHẬT THỊNH

Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2012 đến năm 2022, mỗi khi cần tiền chuyển đi nước ngoài để trả nợ và nhận tiền vay từ nước ngoài về, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo bị cáo Trịnh Quang Công (cựu Tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn quản lý Acumen) phối hợp với bị cáo Nguyễn Phương Anh và luật sư Chiu Bing Keung Kenneth lập các hợp đồng "khống" giữa các công ty "ma" tại Việt Nam và công ty, tổ chức ở nước ngoài. Hiện, cơ quan tiến hành tố tụng đang yêu cầu tương trợ tư pháp xác minh lý lịch của Chiu Bing Keung Kenneth nhưng chưa có kết quả.

Thông qua các hợp đồng "khống", tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hệ thống Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Tổng số Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới là 4,5 tỉ USD, tương đương 106.730 tỉ đồng.

Bị cáo Trương Mỹ Lan khai nguồn tiền chuyển đi nước ngoài là tiền của bị cáo, không liên quan đến tiền của SCB; còn tiền ở nước ngoài chuyển về là tiền do chính bị cáo vay.

Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan xin nhận trách nhiệm về hành vi "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".

Bản án của bị cáo Trương Mỹ Lan

Hội đồng xét xử đánh giá từ những chứng cứ, tài liệu, lời khai của các bị cáo tại tòa, đủ căn cứ xác định bị cáo Lan là người chịu trách nhiệm chính trong 3 hành vi phạm tội.

Theo hội đồng xét xử, bị cáo Trương Mỹ Lan là người chịu trách nhiệm chính trong 3 hành vi phạm tội, các bị cáo còn lại có vai trò là người thực hành theo chỉ đạo của bị cáo Lan ở mỗi hành vi.

Hội đồng xét xử xét thấy hành vi rút tiền trái phép ra khỏi SCB và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua phát hành trái phiếu đã xâm phạm đến các khách thể khác nhau nên mỗi hành vi đã cấu thành một tội danh độc lập nên việc truy tố xét xử về tội "rửa tiền" và "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" là đúng quy định của pháp luật, không gây bất lợi cho các bị cáo.

HĐXX khẳng định, hành vi của các bị cáo gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường trái phiếu ở Việt Nam, vì vậy phải có mức án nghiêm khắc để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung cho toàn xã hội.

Từ đó, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án chung thân về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 12 năm tù về tội "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", 8 năm tù về tội "rửa tiền". Tổng hợp hình phạt chung là chung thân.

Trong vụ án này, nhiều bị cáo là thành viên trong gia đình bị cáo Trương Mỹ Lan cũng bị vướng vào vòng lao lý.

Cụ thể, bị cáo Chu Lập Cơ (chồng của bị cáo Trương Mỹ Lan) bị tuyên mức án 2 năm tù về tội "rửa tiền".

Các bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái của bị cáo Lan), Ngô Thanh Nhã (là em dâu của bị cáo Lan) và Trương Vincent Kinh (em họ của bị cáo Lan) cùng lãnh mức án 5 năm tù về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Các bị cáo khác trong vụ án lãnh án từ 2 năm tù đến 23 năm tù.

Số phận "núi" tài sản

Trong giai đoạn 2 của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, về trách nhiệm dân sự, hội đồng xét xử buộc bị cáo Trương Mỹ Lan bồi thường toàn bộ hậu quả hơn 30.860 tỉ đồng cho hơn 35.800 người bị hại.

Đồng thời, tiền lãi của hơn 30.860 tỉ đồng được xác định từ số lượng trái phiếu bị hại sở hữu không thuộc phạm vi của phiên xét xử. Do đó, hội đồng xét xử tuyên các bị hại giải quyết trong một giao dịch dân sự khác.

Hội đồng xét xử giữ nguyên sự tự nguyện của các bị cáo, cá nhân, tổ chức khắc phục hậu quả trong vụ án, từ đó tịch thu hơn 1.700 tỉ đồng và đối trừ nghĩa vụ của bị cáo Trương Mỹ Lan.

Bị cáo Trương Mỹ Lan cùng gia đình đã đưa hàng loạt tài sản có giá trị để khắc phục vụ án như tòa nhà Capital Place (tại 29 Liễu Giai, TP.Hà Nội), "siêu dự án" Amigo (tọa lạc tại tứ giác Nguyễn Huệ - Hồ Tùng Mậu - Ngô Đức Kế, quận 1, TP.HCM) hay dự án 6A Bình Chánh (TP.HCM).

Tại phiên tòa, hội đồng xét xử đã tuyên giải tỏa kê biên tòa nhà Capital Place (tại địa chỉ 29 Liễu Giai, thành phố Hà Nội). Tòa nhà Capital Place đang được thế chấp cho khoản vay của Công ty Twin-Peaks tại 4 ngân hàng nước ngoài. Hiện nay, khoản nợ đã đến hạn thanh toán nên cần hủy bỏ lệnh kê biên, giao cho ngân hàng để xử lý thu hồi nợ theo quy định.

Về "siêu dự án" Amigo, bị cáo Trương Mỹ Lan khai có thỏa thuận với Chủ tịch Bitexco việc tìm đối tác chuyển nhượng dự án với giá 22.000 tỉ đồng. Bị cáo Lan nhiều lần chuyển cho Bitexco tổng cộng 7.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi giao dịch chưa hoàn thành thì bị cáo Lan đã bị bắt, khởi tố. Đại diện Công ty Bitexco thừa nhận có nhận 15.712 tỉ đồng từ bị cáo Trương Mỹ Lan để thực hiện dự án Tứ giác Bến Thành. Số tiền này đã hòa nhập vào dòng tiền hoạt động của tập đoàn.

Hội đồng xét xử cho rằng các bên còn nhiều nội dung chưa được làm rõ nên tòa chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.

Về 2 chiếc túi Hermes da cá sấu bạch tạng, hội đồng xét xử cho rằng, một túi có nguồn gốc từ tiền phạm tội và chiếc còn lại có nguồn gốc từ tài sản riêng, nên tiếp tục thu giữ.

Trước đó, trong quá trình điều tra, Bộ Công an đã rà soát, truy thu, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch các tài sản, tài khoản có nguồn gốc từ hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan, những người được bị cáo Lan nhờ đứng tên và các bị cáo khác.

Cụ thể, cơ quan điều tra đã thu giữ của các bị cáo tổng cộng 408 tỉ đồng; phong tỏa 79 tài khoản của các bị cáo trị giá hơn 92 tỉ đồng và 1,6 triệu USD; ngăn chặn giao dịch 205 tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm, tài khoản chứng khoán TVSI của các bị cáo, người liên quan, các pháp nhân liên quan với tổng số tiền 824 tỉ đồng và gần 262.000 USD.

Cơ quan chức năng cũng ra lệnh kê biên, ngăn chặn giao dịch đối với số cổ phần, phần vốn góp liên quan đến bị cáo Trương Mỹ Lan cùng các bị cáo khác và các cá nhân được bị cáo Lan nhờ đứng tên có tổng giá trị quy đổi khoảng hơn 12.300 tỉ đồng tại nhiều tập đoàn, công ty; kê biên 9 bất động sản của bị cáo Lan và các bị cáo tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...

Trước đó, vào tháng 4.2024, Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên án sơ thẩm giai đoạn 1 của vụ án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm. Theo đó, bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên mức án tổng hợp là tử hình cho 3 tội danh "tham ô tài sản", "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và tội "đưa hối lộ". Vụ án hiện đang chờ xét xử phúc thẩm, dự kiến diễn ra vào tháng 11.2024.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.