Tốc độ trên đường cao tốc bao nhiêu là phù hợp?

10/11/2023 04:00 GMT+7

Trong phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 6.11, vấn đề Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhận được nhiều câu hỏi từ các đại biểu nhất là bất cập liên quan đến hệ thống đường cao tốc. Trong đó, câu chuyện cao tốc bị hạn chế tốc độ trở thành "thấp tốc" thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận.

Sẽ nâng tốc độ từ 80 km/giờ lên 90 km/giờ

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Quang Minh: "Tại sao nhiều tuyến đường cao tốc hoàn thành, đi vào vận hành khai thác chỉ cho phép tối đa là 80 km/giờ?", Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết hiện VN có tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc với 4 giới hạn tốc độ là 120 km/giờ, 100 km/giờ, 80 km/giờ và 60 km/giờ. Nhiều tuyến đường nếu đầu tư đồng bộ hoàn chỉnh theo quy hoạch thì có thể chạy tối đa 120 km/giờ như tuyến Hạ Long - Móng Cái, Hà Nội - Hải Phòng. Tốc độ tối đa trên từng tuyến đường được quy định theo từng yếu tố kỹ thuật khác nhau. Đơn cử, tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ chạy tối đa 100 km/giờ nhưng Cầu Giẽ - Ninh Bình là 120 km/giờ. Nguyên nhân, chỉ cần thêm yếu tố có độ nhám thì tốc độ tối đa từ 100 km/giờ có thể tăng lên 120 km/giờ.

Tốc độ trên đường cao tốc bao nhiêu là phù hợp ? - Ảnh 1.

Đường cao tốc biến thành “thấp tốc” vì ít làn, thường xuyên ùn tắc

Ngọc Dương

"Nhận thấy những bất cập về tốc độ trên hệ thống đường cao tốc, từ đầu năm 2023, Bộ GTVT đã cho nghiên cứu rà soát các tiêu chuẩn có phù hợp với thực tế hay chưa? Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng các tuyến hiện đang quy định 80 km/giờ có thể nâng lên 90 km/giờ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói: "Bộ GTVT đã điều chỉnh tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc và dự kiến quý 1/2024 có thay đổi giới hạn tốc độ tối đa các tuyến từ 80 km/giờ lên 90 km/giờ".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Đầu năm 2024 sẽ nâng tốc độ cao tốc từ 80 km/giờ lên 90 km/giờ

Thông tin nâng tốc độ xe chạy trên đường cao tốc lập tức nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các tài xế. Thường xuyên chạy qua tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương để về quê ở Đồng Tháp, anh Lê Văn Hải (ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM) ví von "đóng tiền cao tốc, chạy vận tốc đường làng". Hồi mới đưa vào khai thác, anh Hải rất hào hứng vì tuyến đường này theo thông tin quy hoạch là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120 km/giờ, giúp thời gian đi từ TP.HCM tới Tiền Giang rút ngắn chỉ còn khoảng 30 phút, thay vì 90 phút như trước đó. Thế nhưng chưa kịp tận hưởng cảm giác "xe ta bon bon trên dặm đường" thì Bộ GTVT ra quyết định giảm tốc độ tối đa trên tuyến này từ 120 km/giờ xuống còn 100 km/giờ, tốc độ tối thiểu từ 80 km/giờ chỉ còn 60 km/giờ vì trên tuyến xảy ra tai nạn liên miên.

"Chậm hơn cả đường quốc lộ. Thường thì kẹt xe, trên tuyến chính chỉ chạy được khoảng 60 - 70 km/giờ, nhưng có những thời điểm thông thoáng, muốn chạy hơn cũng không được vì cao tốc chỉ cho chạy 80 km/giờ. Với những loại xe 7 chỗ, xe đời mới thì tốc độ này chạy rất chậm. Ngay cả những tuyến mới đưa vào khai thác như Vĩnh Hảo - Phan Thiết hay Nha Trang - Cam Lâm tôi thấy cũng chỉ được lưu thông với tốc độ tối đa 80 km/giờ và tối thiểu 60 km/giờ. Tài xế chỉ mong được chạy đúng theo tiêu chuẩn cao tốc 100 - 120 km/giờ nhưng với tình hình hiện nay, lên 90 km/giờ cũng đã là tốt quá rồi", anh Lê Văn Hải nói.

Ủng hộ quyết định của Bộ GTVT, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, phân tích: Về yếu tố kỹ thuật, có 3 khái niệm "tốc độ" đối với các phương tiện cơ giới là: tốc độ kỹ thuật, tốc độ vận doanh và tốc độ kinh tế. Trong đó, tốc độ kỹ thuật là tốc độ xe chạy của nhà sản xuất quy định. Đối với những dòng xe đời mới hiện nay, tài xế nhiều khi mới đụng chân vô bàn đạp ga đã có thể "nhảy" lên 80 - 90 km/giờ. Chạy bình thường trên những tuyến đường lớn, rộng rãi, có dải phân cách bằng cây xanh ở giữa như đường Võ Văn Kiệt (TP.HCM) mà chỉ cho chạy 60 - 70 km/giờ như hiện nay là đã khó khăn, nếu chạy trên cao tốc mà bắt giữ ga ở tốc độ thấp thì xử lý kỹ thuật sẽ càng thêm khó.

Tốc độ vận doanh là tốc độ cho phép xe chạy thực tế. Chỉ số này cũng phải tính toán sao cho phù hợp với chủng loại xe theo tốc độ kỹ thuật. Nếu đường thông thoáng hoặc thời điểm đó vắng người nhưng bắt phải chạy chậm thì không chỉ tiêu hao nhiều năng lượng của phương tiện, gây ô nhiễm môi trường, mà còn kéo thêm tình trạng dồn ứ, ùn tắc giao thông. Ngoài ra còn có yếu tố tốc độ kinh tế, tính toán dựa vào yếu tố xe chạy mất nhiều thời gian, tốn nhiều nhiên liệu, tăng thêm chi phí cho người đi lại.

Tốc độ trên đường cao tốc bao nhiêu là phù hợp ? - Ảnh 2.

Dự kiến quý 1/2024 sẽ thay đổi giới hạn tốc độ tối đa các tuyến cao tốc từ 80 km/giờ lên 90 km/giờ

Ngọc Thắng

Vì sao không thể chạy 100 - 120 km/giờ ?

Về cơ sở để nâng cao tốc độ lên 90 km/giờ, Cục Đường cao tốc VN cho biết quy chuẩn của VN cũng như quốc tế, có hai loại tốc độ là tốc độ thiết kế và tốc độ khai thác.

Tốc độ thiết kế dùng để tính toán các tiêu chuẩn kỹ thuật hình học giới hạn chủ yếu của đường trong trường hợp khó khăn về địa hình. Tốc độ này khác với tốc độ lưu hành cho phép. Tốc độ lưu hành cho phép phụ thuộc tình trạng thực tế của đường chức năng của tuyến đường, địa hình, tình trạng kỹ thuật của đường và khí hậu, thời tiết, điều kiện giao thông và được xác định, lựa chọn trong quá trình tổ chức vận hành, khai thác các tuyến đường. Đồng thời, thường xuyên được đánh giá để điều chỉnh, lựa chọn phù hợp với từng giai đoạn khai thác.

Tại Tiêu chuẩn cơ sở 42:2022/TCĐBVN cũng quy định: Trong thời gian phân kỳ đường cao tốc có thể chấp nhận cho hạn chế tốc độ khai thác cho phép thấp hơn tốc độ của đường cao tốc trong tương lai (khi đã được xây dựng hoàn chỉnh). Việc lựa chọn tốc độ khai thác sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định trong phương án tổ chức giao thông. Tốc độ khai thác cho phép phụ thuộc vào tình trạng thực tế của đường, điều kiện thời tiết, tình trạng giao thông. Trong mọi trường hợp, tốc độ khai thác tối đa không nên quá 90 km/giờ. Vì thế, việc nghiên cứu, xem xét nâng cao tốc độ tối đa cho phép trong quá trình khai thác các tuyến đường cao tốc trong giai đoạn phân kỳ 4 làn xe hạn chế, ngắt quãng dải dừng xe khẩn cấp từ tốc độ tối đa cho phép 80 km/giờ lên tốc độ tối đa cho phép 90 - 100 km/giờ là có cơ sở khoa học, lý luận và thực tiễn.

Theo ông Lê Trung Tính, hạn chế xe chạy càng chậm thì càng lãng phí. Song với thực tế tại VN hiện nay, tăng tốc độ quá cao như nước ngoài cũng không ổn. "Không thể phủ nhận người Việt chấp hành luật lệ giao thông chưa tốt bằng người nước ngoài. Chưa kể hạ tầng, kết cấu hệ thống đường cao tốc hiện nay của chúng ta chưa chuẩn. Cao tốc quá ít làn xe, không có làn dừng khẩn cấp, không có trạm dừng nghỉ… Vì thế, nâng tốc độ chạy xe đến 90 km/giờ, theo tôi là hợp lý", ông Tính nêu quan điểm.

Tuy nhiên, PGS-TS Phạm Xuân Mai (nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cho rằng ngay cả khi tăng lên tốc độ tối đa 90 km/giờ thì đây cũng không phải là tốc độ lý tưởng của cao tốc hiện đại. Ông cho biết tốc độ đường cao tốc phụ thuộc vào lưu lượng xe và chất lượng xây dựng, thời tiết. Thông thường tốc độ lớn nhất của đường cao tốc ở các nước đều quy định khoảng 130 - 150 km/giờ, khi thời tiết xấu có thể điều chỉnh giảm xuống 80 - 90 km/giờ. Tốc độ 60 - 80 km/giờ hay thậm chí lên 90 km/giờ thì cũng chỉ là tốc độ trên các đường quốc lộ. Như vậy, các tuyến đường cao tốc mở ra với mục đích tăng năng suất và khối lượng vận tải sẽ không thể thực hiện được.

Vẫn con đường đó, vẫn tiêu chuẩn đó, điều kiện đó, tại sao trước đây chỉ cho xe chạy tối đa 80 km/giờ mà nay lại cho tăng lên 90 km/giờ? Nếu tăng lên 90 km/giờ được thì có lên được 100 - 120 km/giờ không? Bộ GTVT cần có cơ sở lý lẽ thuyết phục để giải trình cho quyết định này.

PGS-TS Phạm Xuân Mai (nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)

"Căn cứ vào đâu, giải pháp nào để Bộ GTVT cho tăng tốc độ xe chạy lên 90 km/giờ? Vẫn con đường đó, vẫn tiêu chuẩn đó, điều kiện đó, tại sao trước đây chỉ cho xe chạy tối đa 80 km/giờ mà nay lại cho tăng lên 90 km/giờ? Nếu tăng lên 90 km/giờ được thì có lên được 100 - 120 km/giờ không? Bộ GTVT cần có cơ sở lý lẽ thuyết phục để giải trình cho quyết định này", TS Mai đặt vấn đề.

Muốn đạt tốc độ lý tưởng, cần cao tốc đạt chuẩn

Dẫn vụ tai nạn mới nhất ngày 8.11, xe cứu thương tông phía sau xe CSGT đang tuần tra trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khiến 1 người bị thương và cả tuyến đường ùn tắc kéo dài nhiều giờ, PGS-TS Phạm Xuân Mai nêu bất cập: Đường cao tốc của VN không cho xe chạy quá nhanh nhưng vẫn thường xuyên xảy ra tai nạn, kéo theo ùn tắc nghiêm trọng. Nguyên nhân, hầu như các đường cao tốc đã và đang làm đều bí bách trong 4 làn xe 2 chiều, không có làn dừng khẩn cấp mà thay bằng trạm dừng khẩn cấp, với lý do là làm 2 giai đoạn.

Bộ GTVT nêu lý do nguồn lực không đủ nên phải phân kỳ đầu tư cao tốc thành nhiều giai đoạn. Song ông Mai đánh giá phương án "hạ nhiệt" dòng tiền bằng cách làm đường quy mô nhỏ, ít làn là không phù hợp. Vì làm 2 giai đoạn nên hầu hết các đường cao tốc trong giai đoạn 1 đều bị bó hẹp trong 2 làn xe, không có những cơ sở hạ tầng kỹ thuật cơ bản như làn dừng khẩn cấp, trạm dừng nghỉ… khiến xe cũng không thể chạy với tốc độ lý tưởng trên đường cao tốc. Lưu lượng các loại xe hiện nay trên các tuyến đường bộ trọng yếu của VN đã là 25.000 - 35.000 xe/ngày đêm, nhưng số làn xe đang làm cho đường cao tốc hiện nay chỉ là 2 làn được thiết kế với quy mô lưu lượng 25.000 xe/ngày đêm. Thế nên vào giờ cao điểm, ngày lễ, tết… đều bị quá tải, gây kẹt xe trầm trọng. Trong khi đó, xe đang lưu hành có thể bị hư hỏng bất cứ lúc nào và không thể chạy tiếp đến trạm dừng khẩn cấp nào đó vì lý do kỹ thuật cũng như lý do an toàn giao thông. Đặc biệt, khi làm 2 giai đoạn thì khi thi công giai đoạn 2 sẽ lại gây khó khăn ngay cho sự lưu thông xe cộ trên đoạn cao tốc giai đoạn 1, lãng phí 2 lần huy động nhân vật lực thi công, giải tỏa mặt bằng…

Tốc độ trên đường cao tốc bao nhiêu là phù hợp ? - Ảnh 4.

Dự kiến quý 1/2024 sẽ thay đổi giới hạn tốc độ tối đa các tuyến cao tốc từ 80 km/giờ lên 90 km/giờ

Bắc Bình

"Các tuyến đường cao tốc chỉ nên làm 1 giai đoạn, ưu tiên trước cho các tuyến xương sống quốc gia, vùng. Số làn xe trên đường cao tốc phụ thuộc vào lưu lượng xe trên tuyến. Số ô tô/1.000 dân ở VN đang đạt tỷ lệ là 50/1.000, bằng 1/5 - 1/6 Thái Lan. Trong tương lai rất gần (giai đoạn 2025 - 2030) thì lượng ô tô ở VN sẽ tăng rất nhanh, ít nhất cũng bằng Thái Lan hiện nay. Điều đó đồng nghĩa lưu lượng xe trên các đường cao tốc cũng sẽ tăng theo, lên đến trên 75.000 xe/ngày đêm hoặc cao hơn. Vì thế, các đường cao tốc đang thiết kế và thi công cũng phải tính toán theo lưu lượng này, có nghĩa là số làn xe ít nhất cho mỗi hướng là 3 làn. Khi đấu thầu phải xây dựng hồ sơ bao gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, kế hoạch, tỉ suất đầu tư… phù hợp, có so sánh với quốc tế. Chỉ những nhà thầu đáp ứng đủ mọi điều kiện mới được trúng thầu", PGS-TS Phạm Xuân Mai đề xuất.

Sẽ phân kỳ đầu tư cao tốc có nguyên tắc

Nhiều nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều phải thực hiện phân kỳ đầu tư (đầu tư đường cao tốc không có làn xe khẩn cấp) đối với các tuyến đường cao tốc. Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm các nước, Bộ GTVT đã nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để thực hiện phân kỳ đầu tư theo những nguyên tắc để đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh nguồn lực có hạn, nhưng cũng tạo tiền đề và sự thuận lợi trong giai đoạn sau khi có nguồn lực để nâng cấp. Theo đó, thứ nhất cần ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh đối với các đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn. Nhiều đoạn tuyến đã đầu tư hoàn chỉnh: Hà Nội - Hải Phòng, Bến Lức - Long Thành, Phan Thiết - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu. Thứ hai là đối với các tuyến nhu cầu vận tải chưa cao, thì thực hiện phân kỳ đầu tư. Thứ ba là chỉ phân kỳ đầu tư về bề rộng mặt cắt, còn các yếu tố kỹ thuật để nâng cấp đều phải đảm bảo. Thứ tư là cần thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng

Xây cao tốc mà giới hạn xe chạy thấp tốc thì đi ngược với chủ trương

Chúng ta đã đổ hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng xây đường cao tốc là để rút ngắn thời gian đi lại cho người dân, tiết kiệm chi phí xã hội. Nếu xây cao tốc rồi còn giới hạn xe chạy thấp tốc thì rõ ràng là đi ngược lại so với chủ trương phát triển chung.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM

Những tuyến cao tốc nào có thể nâng tốc độ lên 90 km/giờ ?

Theo đề xuất của Cục Đường cao tốc VN, đối với các tuyến cao tốc đầu tư xây dựng phân kỳ 4 làn xe hạn chế đã đưa vào khai thác như Cao Bồ - Mai Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, có thể nâng tốc độ tối đa cho phép lên 90 km/giờ với một số loại phương tiện như ô tô con, ô tô chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt); ô tô tải có trọng tải nhỏ hơn hoặc bằng 3,5 tấn; các phương tiện còn lại giữ nguyên tốc độ tối đa cho phép 80 km/giờ. Riêng với tuyến Cao Bồ - Mai Sơn, có một số đoạn tuyến hiện không có dải phân cách giữa, giữ nguyên tốc độ tối đa cho phép.

Đối với các tuyến cao tốc Bắc - Nam đầu tư xây dựng phân kỳ 4 làn xe hạn chế mới đưa vào khai thác trong năm 2023 và các năm tiếp theo như Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, đề xuất thí điểm nâng tốc độ tối đa cho phép tại các tuyến lên 90 km/giờ đối với một số loại phương tiện như ô tô con, ô tô chở người đến 30 chỗ; ô tô tải có trọng tải nhỏ hơn hoặc bằng 3,5 tấn, sau đó nghiên cứu thực tiễn làm cơ sở triển khai áp dụng đại trà.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.