Tôi sinh ra ở vùng quê nghèo miền núi của tỉnh Nghệ An, lại là con nhà nông, bố mẹ vất vả quanh năm suốt tháng "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mới có thể xoay xở đủ cho 6 miệng ăn. Bốn anh chị em tôi từ nhỏ đã hình thành nếp sống tiết kiệm học từ bố mẹ. Và tiết kiệm điện là một trong vô vàn những việc chúng tôi đã và đang thực hành mỗi ngày, cả gia đình tôi đều phải nằm lòng, ghi nhớ.
Ngày còn ở ký túc xá nhà trường, từng phòng được nhà trường "khoán chung" mỗi tháng dùng một lượng điện cố định, nếu vượt qua con số khoán thì cả phòng phải đóng thêm tiền. Ban đầu tôi rất ngạc nhiên vì các anh, các bạn luôn bật điện sáng 24/24 ở khu vực hành lang phơi quần áo hay nhà tắm. Tôi có thắc mắc thì các "tiền bối" bảo cứ để điện cho sáng, vì số điện chẳng bao giờ vượt quá số nhà trường "khoán" hoặc nếu có vượt thì tính ra mỗi người đóng thêm có vài ba nghìn đồng, chẳng đáng là bao. Tôi theo thói quen ở nhà, cứ mỗi lần dùng xong là tắt công tắc. Vì là thói quen khó bỏ nên những người dùng sau luôn cảm thấy "khó chịu" và mắng tôi. Lúc đó tôi cũng hơi buồn, nhưng rồi sống tập thể "chín bỏ làm mười", mỗi lần có ai đó "mắng" tôi lại nhẹ nhàng cho qua. Và tôi vẫn tắt công tắc nhà vệ sinh, hành lang mỗi khi không dùng nữa.
Sau này không ở ký túc xá, tôi chuyển sang trọ ở ngoài. Lại câu chuyện điện dùng chung ở khu vực hành lang, cầu thang. Tôi thường tắt điện mỗi khi đi hết bậc cầu thang lên phòng của mình. Một lần tôi tắt điện thì anh hàng xóm lại lầm rầm với tôi. Đại ý của anh rằng tiền điện cầu thang mỗi phòng đã đóng rồi nên "không tội gì phải tắt, để vậy cho sáng, mình mà tiết kiệm là tiết kiệm cho chủ nhà, chứ bản thân người thuê trọ chẳng được gì". Cái tâm lý "bỏ tiền ra là được hưởng dịch vụ" dường như đã hằn sâu vào tâm trí mỗi người. Tôi đồng ý, nhưng mình hưởng như thế nào để không phải lãng phí là một điều mà tôi luôn trăn trở.
Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên tổ chức và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi dành cho các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6-31.8.2023.
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Ở công ty, vào mùa hè nắng nóng, khi mới đến phòng làm việc mọi người thường bật máy lạnh công suất tối đa để tận hưởng không khí mát lạnh, nhưng lại quên điều chỉnh lên một mức nhiệt độ phù hợp vừa đủ sau khi phòng đã lạnh. Nếu là tôi đến công ty sớm nhất thì tôi sẽ luôn để chế độ vừa đủ nhất. Và cũng rất nhiều người đã lôi tôi ra phàn nàn, rằng tại sao tôi lại không bật nhiệt độ thấp từ lúc mới đến. Thậm chí có người còn có ý nghĩ nên để điều hòa qua đêm để sáng mai đến đỡ phải chờ đợi. Tôi thật sự ngán ngẩm cho suy nghĩ đó.
Và còn vô vàn tình huống khác nữa, ở khuôn khổ bài viết nhỏ tôi không thể liệt kê hết được.
Vậy tại sao tôi lại chấp nhận "khác người", một mình một cõi để tiết kiệm điện?
Là bởi tôi đã hình thành được thói quen "tắt khi không sử dụng" từ khi còn nhỏ. Mà thói quen tốt thì tôi nghĩ bản thân cần phát huy và không bao giờ có ý định từ bỏ.
Là bởi tôi đã hiểu được tiết kiệm điện là tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tiền cho bản thân, gia đình và cả xã hội.
Là bởi tôi đã hiểu tiết kiệm điện là tiết kiệm tài nguyên nước, rừng, bảo vệ môi trường.
Và hơn hết tiết kiệm điện còn là cách để tôi, bạn nâng cao tinh thần chia sẻ với cộng đồng. Mỗi phút, mỗi giờ mình tiết kiệm điện sẽ giúp ích rất lớn với bà con vùng sâu vùng xa, nơi hẻo lánh.
Vì vậy, tôi chấp nhận để người khác nói "khác người", đôi khi còn lặng lẽ "một cõi đi về" để tiết kiệm điện cho cá nhân mình và cộng đồng. Tôi nghĩ làm việc tốt thì đâu có phải lăn tăn với những lời người khác nói.
Bình luận (0)