Tôi có ý kiến: Đừng tự hại mình

06/03/2016 06:57 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc khi đọc bài Báo cáo tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông: Sai số liệu, “bóp” nhỏ thiệt hại trên Thanh Niên số ra ngày 5.3.

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc khi đọc bài Báo cáo tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông: Sai số liệu, “bóp” nhỏ thiệt hại trên Thanh Niên số ra ngày 5.3.

Mặt ruộng nứt nẻ do khô hạn hoành hành ở ĐBSCL - Ảnh: Tây HồMặt ruộng nứt nẻ do khô hạn hoành hành ở ĐBSCL - Ảnh: Tây Hồ
Đất miền tây đang khát
Năm 2015, đồng bằng sông Cửu Long lũ không về, nguồn nước đang hiếm dần, gần 40% đất trồng lúa đang bị mặn xâm nhập. Đầu mùa mưa nhưng đất vùng này đang thiếu nước canh tác. Đó là thực trạng của vựa lúa khu vực và thế giới. Miền Tây đang khát, đang nhiễm mặn, đó là thực tế. Trong khi đó, báo cáo MDS lại cho rằng sự tác động của các thủy điện trên sông Mê Kông đối với đồng bằng
sông Cửu Long là “không đáng kể”. Đây là điều hoàn toàn xa rời thực tế. Một công trình khoa học không phù hợp với thực tiễn là công trình không có giá trị.
Nguyễn Tường Linh (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ)
Quá vô lý
Các nghiên cứu MDS cần phải kế thừa những nghiên cứu trước đó về cùng chủ đề của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Khoa học bao giờ cũng vậy, người đi sau kế thừa và phát triển những kết quả nghiên cứu có từ trước đó. Nếu các nghiên cứu trước đây cho thấy sông Mê Kông đang bị xâm lấn, chặn dòng chảy… và đã, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đồng bằng sông Cửu Long về mọi mặt mà báo cáo MDS lại cho rằng không ảnh hưởng gì nhiều thì rõ là vô lý. Nếu không ảnh hưởng gì nhiều thì tại sao thực tế miền Tây đang hứng chịu tình trạng xâm nhập mặn, khô hạn…? Phải trả lời được câu hỏi này, tìm nguyên nhân đến từ đâu.
Huỳnh Ngọc Tấn (TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Quá nguy hiểm
Một nhà khoa học đã nói rằng “các kết luận của báo cáo MDS là vô cùng nguy hiểm”. Nó nguy hiểm vì báo cáo này liên quan đến môi trường, sản xuất nông nghiệp và thủy sản, đời sống của gần 18 triệu người dân ở đồng bằng sông Cửu Long. Hơn nữa, đây là một dự án của Chính phủ. Kết luận của dự án báo cáo ra quốc tế hàm nghĩa đã được sự cho phép của Chính phủ VN và gián tiếp có thể được hiểu là VN đồng tình với việc xây dựng cả 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. Vì vậy, Bộ Tài nguyên - Môi trường cần thiết phải xem xét lại các kết quả của báo cáo này thật cẩn trọng, tránh những hậu quả đáng tiếc về sau.
Vũ Thị Thu Vân (TP.Long Xuyên, An Giang)
Phải thuyết phục
Các kết luận của báo cáo MDS có ý nghĩa đặc biệt, nó là cơ sở khoa học để VN có phản biện chính thức đối với việc xây dựng các công trình thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông. Do vậy, việc nghiên cứu cần được tiến hành kỹ lưỡng, các kết luận phải rõ ràng, thuyết phục, nên được góp ý bởi các nhà khoa học trong nước trước khi công bố ra quốc tế. Nếu bản báo cáo MDS vẫn chưa thuyết phục được đông đảo giới khoa học có chuyên môn và tâm huyết như bài báo nêu thì tốt nhất chưa công bố vì công bố như thế chẳng khác nào mình đang hại chính mình.
Trần Minh Phú (P.Cô Giang, Q.1, TP.HCM)
       
Tôi cho rằng trước những lập luận, số liệu cũng như phản biện rất thuyết phục từ những nhà khoa học trong bài báo thì Bộ Tài nguyên - Môi trường; Ủy ban Sông Mê Kông VN nên xem xét lại kết quả nghiên cứu trên tinh thần cầu thị. Động cơ, mục đích mà các nhà khoa học đưa ra không gì khác ngoài việc mong muốn báo cáo phải sát với thực tế hiện nay.
Bùi Vũ Minh Trị (Dĩ An, Bình Dương)
       
Kết quả nghiên cứu của báo cáo MDS đang gây tranh cãi này sẽ giúp cho người dân nếu quả thực nó chính xác, bằng ngược lại, đây sẽ là thảm họa cho người dân, đặc biệt là người miền Tây. Vì vậy, đây không chỉ là câu chuyện của các nhà khoa học mà là sự sống còn của hàng triệu người. Hãy thật cẩn thận, cân nhắc trong từng kết quả nghiên cứu.
Nguyễn Văn Tươi (TP.Mỹ Tho, Tiền Giang)
T.T - Duy Khang (thực hiện)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.