Tôi đi ...đẻ: Hậu sinh nở

24/03/2020 07:00 GMT+7

Sinh nở xong, cơ thể phụ nữ yếu như con cua lột. Đã vậy, họ lại tiếp tục đối mặt với bao chuyện: vắt sữa, cho con bú, chăm con... Trầm cảm cùng những hệ lụy đau lòng xảy đến gần như tất yếu.

Sau khi đón đứa trẻ ra đời, cơ thể phụ nữ bị “tàn phá” nghiêm trọng, tầng sinh môn gần như tan nát. “Muốn nhanh hồi phục phải chịu khó vận động” nên dù mệt, đau tôi cũng cố bò dậy tập đứng, tập đi. Do khi sinh thường tôi phải rạch một vết dài nên khi về nhà cả tuần vẫn không thể ngồi.

Mắt mờ, tóc rụng và như... mất trí

Mỗi lần cho con bú, với tôi là cả một cuộc chiến. Vì uống nhiều kháng sinh nên tôi lâu có sữa. Con tôi bú lâu không có sữa thì chán, mỗi lần cho bú là khóc. Tôi phải gồng hết sức để giữ con trong tư thế ngồi nhưng chỉ được 5 - 7 phút vì quá đau nên chuyển qua quỳ rồi đứng. Cũng được vài phút, chân, hông mỏi nhừ lại phải nằm. Một ngày mấy chục lần đánh vật với việc cho con bú trong đủ tư thế, cộng với việc con quấy, cứ khóc mãi khiến tôi gần như kiệt sức.

Sau khi sinh con, nhiều sản phụ bị trầm cảm vì không thống nhất được cách chăm con với gia đình

Ảnh: Trung Du

Để có sữa, mỗi ngày tôi phải ăn cả ký giò heo hầm với đủ thứ từ sung, đậu đen, đu đủ...; tuy nhiên nguồn sữa vẫn khan hiếm. Mỗi hai tiếng tôi phải miệt mài dùng máy hút sữa để gọi sữa về... Dù theo hướng dẫn mỗi lần vắt không quá 10 phút nhưng 10 phút chẳng được đến 30 ml nên tôi cứ cố. Ngồi vắt đau quá thì đứng vắt, đứng một lúc đau không chịu nổi thì quỳ...
Người ta thường ví phụ nữ khi sinh sẽ đau như gãy mấy chiếc xương sườn. Việc chịu đau, mất máu khi sinh, thay đổi nội tiết và nhiều đêm thức trắng để chăm con khiến hầu hết mẹ bỉm đều bị rụng tóc khủng khiếp. Chị Nguyễn Thị Hằng (33 tuổi, Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho hay: “Sau khi sinh con, mỗi lần gội đầu, chải tóc rụng một nùi cả trăm sợi”. Giờ đây, từ mái tóc dày, bóng thời xuân sắc, chị đã phải sáng tạo thêm những chiếc khăn để che đi những chỗ tóc thưa...
Tôi cũng không khá hơn chị Hằng mà còn bị suy giảm trí nhớ nghiêm trọng. Sau mấy tháng tập tành làm mẹ, tôi như người mất trí. Đôi khi, tôi cầm cặp bao tay của con đi ra đi vào mấy lượt rồi la toáng lên là tìm không thấy. Cũng có khi tôi định bụng lấy nước nóng tắm cho con nhưng lấy nước xong thì quên béng cho đến khi nước nguội rồi thắc mắc không biết ai xả nước rồi đổ bỏ. Có lần tôi bước vào nhà vệ sinh đứng khoảng 10 phút nhưng tôi không thể nhớ ra mình định vào để làm gì... Việc suy giảm trí nhớ nghiêm trọng khiến tôi nghĩ mình có vấn đề về thần kinh. Một số chuyên gia chia sẻ: “Việc giảm trí nhớ hầu như phụ nữ nào sau sinh cũng gặp phải, tùy theo mức độ và cơ địa của mỗi người mà mức độ nghiêm trọng sẽ khác nhau. Trải qua thời gian 1 - 2 năm, việc chăm - nuôi con đi vào quỹ đạo thì trí nhớ sẽ được cải thiện...

Vì tuyến sữa khan hiếm nên sau khi sinh, sản phụ đã tìm đủ mọi cách từ việc ăn uống cho tới dùng máy hút sữa, nhưng nguồn sữa vẫn không được cải thiện

 

Trầm cảm sau sinh

Không có nổi một giấc ngủ tròn, cả ngày ngập trong bỉm, sữa và phải tập chăm sóc con khiến chị Phạm Hồng Tơ (26 tuổi, khu dân cư Trung Sơn, H.Bình Chánh, TP.HCM) kiệt sức. Suốt mấy tuần đầu chị Tơ miệt mài dùng máy vắt sữa, đồng thời quay cuồng với hàng loạt cách kích sữa do mọi người chỉ dẫn để con đủ sữa mẹ, không phải bú thêm sữa ngoài như mong muốn của gia đình chồng.

Ngân hàng tế bào gốc

BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM hiện có hơn 10 trường hợp được điều trị thành công các bệnh nhờ ghép tế bào gốc từ nguồn lưu trữ máu cuống rốn được gửi vào ngân hàng tế bào gốc của BV. Chi phí thu thập, xử lý máu cuống rốn và lưu trữ năm đầu khoảng hơn 20 triệu đồng. Sau đó, phí lưu trữ khoảng hơn 2 triệu đồng/năm.
Hiện tại, các đơn vị có ngân hàng lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn là: BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM, BV Nhi Trung ương, Viện Huyết học truyền máu trung ương, Ngân hàng Tế bào gốc MekoStem và BV Vinmec Hà Nội.
Do ở trọ, phòng của chị Tơ chung vách nhà hàng xóm nên mỗi ngày chị phải đối mặt với tiếng la hét của ba đứa trẻ con nhà hàng xóm. Từ đó, chị đâm sợ tiếng trẻ khóc. Đứa trẻ khát sữa, khóc đòi là chị cáu.
“Mỗi lần con khóc, tôi cố gắng dỗ, nhưng càng dỗ càng khóc. Lúc đó, tôi lấy khăn quấn chặt con lại rồi đặt góc nhà; còn mình thì bịt tai ngồi ở góc khác”, chị Tơ tâm sự. Thời gian đó, chị Tơ thường xuyên mất kiểm soát bản thân, chị trách chồng không phụ giúp việc nhà và chăm con (dù anh lo làm việc kiếm tiền nuôi gia đình).
Mâu thuẫn kéo dài hàng tháng trời khiến chị nghĩ: “Bây giờ mình chết chắc chắn chồng sẽ hối hận và hiểu ra giá trị của mình”. Chị Tơ mua năm chai cồn trắng và thuốc ngủ rồi uống sau khi nhắn cho chồng cái tin: “Có không giữ, mất đừng tìm”. Anh chồng vội về nhà đã thấy vợ nằm thoi thóp trong nhà tắm, may mà chở đi cấp cứu kịp thời.
Sau lần chết hụt đó, mặc dù có sự quan tâm hơn từ chồng nhưng chị Tơ vẫn không thoát khỏi nỗi ám ảnh tiếng khóc trẻ con. Nghe lời chồng, chị gửi con về quê, đi gặp bác sĩ tâm lý, tích cực gặp gỡ mọi người. Gần hai tháng sau, sức khỏe được cải thiện, chị bắt đầu làm quen với tiếng khóc của trẻ con từ những clip trên internet rồi dần hồi phục.
Không may mắn như chị Tơ, mùng 3 tết năm 2017, người dân xã D.Y (Hà Nội) bàng hoàng khi nghe chị Đ.T.T (27 tuổi, Hà Nội) tự tay giết chết con mình. Chuyện buồn xảy ra khi chị T. sinh con được hơn một tháng. Suốt thời gian này chị bị trầm cảm nặng. Người thân của chị T. còn nhớ rõ hôm đó, sau bữa cơm, khi mọi người đang cùng nhau trò chuyện thì T. bế con trai hơn một tháng tuổi ra sau nhà giết hại. Sau đó, T. uống thuốc trừ sâu tự tử. Sự việc khiến cả gia đình bàng hoàng trong thời gian dài.
Tới giờ, khi nhắc lại, người thân của chị vẫn không hết ân hận. “Nếu như ngày đó chúng tôi để ý tới cảm giác của con, giúp con vượt qua những ngày bỡ ngỡ với vai trò làm mẹ thì giờ đây đã không mất cả con lẫn cháu”, mẹ của T. ngậm ngùi.

Trữ máu cuống rốn

Nhiều người nói sau khi con rụng rốn, đem treo cuống rốn lên bóng đèn thì con sẽ sáng dạ, thông minh và học giỏi. Quan niệm này không chỉ ở VN mà Nhật cũng tương tự.
Sáu ngày sau sinh, tôi cởi đồ con định “thăm” cuống rốn của con đã khô chưa thì... không thấy. Bố tôi đáp: “Bố thấy rụng rốn nên đem ra sông trước nhà ném ra giữa dòng rồi. Người ta bảo làm như vậy trẻ con sẽ nhanh lớn, không bệnh tật”.
Đó là cách dân gian, hiện nay nhiều gia đình có điều kiện chọn cách lưu lại máu cuống rốn như một hình thức bảo hiểm sinh học cho con.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Truyền máu - Huyết học TP.HCM cho biết, máu cuống rốn (còn gọi là máu dây rốn hay máu bánh nhau) chảy trong tuần hoàn thai nhi và cung cấp chất bổ cho bào thai. Đây là phần còn lại trong dây rốn và bánh nhau khi sản phụ sinh em bé. Máu cuống rốn được ứng dụng trong ghép tế bào gốc tạo máu. Hiện nay, tế bào gốc máu cuống rốn được ứng dụng điều trị cho các bệnh lý về máu ác tính (như ung thư máu) hay di truyền (như thiếu máu, tan máu bẩm sinh); hoặc các bệnh lý tự miễn (như tiểu đường). Ngoài ra, từ nguồn tế bào gốc máu cuống rốn có thể nghiên cứu ứng dụng điều trị tổn thương não, tim mạch và tổn thương tủy sống.
Máu cuống rốn được lấy ngay khi sản phụ vừa sinh, được xử lý, đông lạnh và lưu trữ được hơn 20 năm. Nguồn tế bào gốc máu cuống rốn có thể để ghép, điều trị cho bé, ba mẹ, anh chị em hoặc hiến tặng cộng đồng. Tế bào gốc máu cuống rốn có tính sinh miễn dịch thấp nên dễ được cơ thể khác gien chấp nhận khi ghép khác gien. Thường anh chị em ruột trong gia đình, tỷ lệ tương đồng khoảng 25% nên tối ưu vẫn là lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn cho từng người”, bác sĩ Dũng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.