Reuters ngày 1.5 dẫn nguồn tin mô tả lại những sự kiện dẫn đến việc nhóm OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu mỏ hồi tháng 4. OPEC+ gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và nhóm một số nước khác ngoài OPEC do Nga dẫn đầu.
Theo Reuters, để gây sức ép buộc Ả Rập Xê Út giảm sản lượng, Tổng thống Donald Trump ngày 2.4 đã điện đàm cho thái tử Mohammed bin Salman và cảnh báo về khả năng Mỹ ngừng hỗ trợ quân sự cho Ả Rập Xê Út.
Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Trump nói sẽ không thể ngăn cản quốc hội Mỹ thông qua dự luật rút quân khỏi Ả Rập Xê Út nếu cuộc chiến giá dầu giữa Ả Rập Xê Út và Nga không chấm dứt.
|
Vào thời điểm đó, giá dầu thô lao dốc lịch sử do nhu cầu giảm vì đại dịch Covid-19 và do Ả Rập Xê Út và Nga không chịu cắt giảm sản lượng. Nhiều công ty dầu mỏ của Mỹ, nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, chịu thiệt hại nặng nề do giá dầu giảm.
Theo Reuters, thái tử Mohammed đã bất ngờ đến mức phải ra lệnh cho các trợ lý ra ngoài để ông có thể tiếp tục nói chuyện riêng với Tổng thống Trump. Sau cuộc gọi, Tổng thống Trump thông báo trên Twitter rằng mong các bên sẽ cắt giảm khoảng 10 hoặc 15 triệu thùng dầu.
Khoảng 10 ngày sau, OPEC+ đồng ý cắt giảm gần 10 triệu thùng dầu/ngày từ tháng 5 và đây được coi là chiến thắng ngoại giao của Nhà Trắng.
Khoảng một tuần trước cuộc gọi, hai thượng nghị sĩ Kevin Cramer và Dan Sullivan công bố dự luật rút toàn bộ binh lính và khí tài quân sự của Mỹ khỏi Ả Rập Xê Út nếu nước này không giảm sản lượng dầu mỏ.
Ả Rập Xê Út dựa vào vũ khí và sự hỗ trợ quân sự của Mỹ để đối phó với các đối thủ trong khu vực như Iran hay Houthi ở Yemen. Một nhà ngoại giao ở Trung Đông nói với Reuters rằng viễn cảnh mất đi sự bảo vệ quân sự, liên minh tồn tại trong suốt 75 năm, đã buộc giới cầm quyền Riyadh chịu nhún nhường trước yêu cầu của Tổng thống Trump.
Bình luận (0)