Nhà văn Hoàng Công Danh:

'Tôi là người thích tết, thèm tết và cũng thường tiếc nuối khi… hết tết'

Tuấn Duy
Tuấn Duy
07/02/2024 14:00 GMT+7

Tết là thời gian mọi người rộng lòng với nhau và với cuộc đời, điều này có thể cảm thấy từ tác phẩm mới của nhà văn Hoàng Công Danh - 'Bán một cành mai ăn tết'.

Dịp này, Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện quanh Bán một cành mai ăn tết cũng như tết nơi quê hương nhà văn Hoàng Công Danh.

* Anh có thể chia sẻ cảm hứng và quá trình cho ra mắt tập sách 'Bán một cành mai ăn tết'?

- Nhà văn Hoàng Công Danh: Tập truyện này gồm 20 truyện ngắn chủ đề ngày tết mùa xuân, được tôi viết trong 5 năm gần đây. Gom những mẩu chuyện ấy vào một tập sách, tôi hy vọng bạn đọc sẽ có những phút giây thư giãn với bao nhiêu bi hài ngày tết của những nhân vật rất bình thường. Và biết đâu, nhờ đó bạn đọc càng thêm yêu tết Việt.

'Tôi là người thích tết, thèm tết và cũng thường tiếc nuối khi… hết tết'- Ảnh 1.

Tập truyện Bán một cành mai ăn tết của Hoàng Công Danh

NXB Trẻ

* Ngày tết chiếm vị trí thế nào trong anh?

- Quả thực cứ mỗi lần tết đến tôi lại có rất nhiều cảm xúc và đều gìn giữ những cảm xúc ấy lâu dài để chuyển thành cảm hứng sáng tác. Tôi là người thích tết, thèm tết, và cũng thường tiếc nuối khi… hết tết. Vì thế, tầm giữa tháng chạp đến rằm tháng giêng là tôi "ăn tết" rất kỹ. Tranh thủ khoảng thời gian đó để cảm nhận sự thay đổi của cảnh sắc, quan sát mọi người xung quanh, lượn lờ mấy cái chợ xem người ta buôn bán… Nhờ đó, tôi biết một vài điều xung quanh mình, thấy người bán buôn trăn trở chuyện lãi lỗ, biết người dân quê nghèo khó rất lo lắng bạc tiền để trang trải một cái tết...

* Trong tập truyện này, đâu là câu chuyện bắt nguồn từ các quan sát mà anh tâm đắc nhất?

- Nếu chọn một truyện để giới thiệu thì chính là Bán một cành mai ăn tết. Có lần ở một chợ hoa cuối năm, tôi uống cà phê nơi quán cóc và nhìn thấy một bà cụ mang cành mai đến ngồi bán. Suốt buổi chẳng thấy ai đến hỏi han cành mai của cụ. Đấy chắc chắn là cành mai cụ vừa cắt trong vườn nhà mang đi bán để có tiền đón tết.

Hình ảnh ấy khiến ai cũng cảm thương, và gợi nhớ lại những năm về trước, rất nhiều nhà ở nông thôn phải cắt cành mai đem lên thành phố bán mới có tiền sắm sửa cuối năm. Truyện này, cá nhân tôi thấy có nhiều yếu tố cảm xúc vui buồn ngày tết, nên chọn luôn làm tên sách.

'Tôi là người thích tết, thèm tết và cũng thường tiếc nuối khi… hết tết'- Ảnh 2.

Chân dung tự họa của Hoàng Công Danh

NVCC

* Thường nhắc đến tết người ta sẽ nghĩ ngay đến các câu chuyện vui tươi, nhiều năng lượng, kết thúc có hậu. Nhưng truyện của anh cũng có những nốt trầm sâu lắng. Vì sao anh lại chọn kết cấu như thế?

- Ngày tết trong văn hóa của người Việt là khoảng thời gian thiêng liêng, nhiều cảm xúc khác ngày thường. Chính vì thế mà văn chương viết về tết tất nhiên cũng phải khác. Nếu lấy một câu chuyện ngày thường gắn thêm hoa lá, khung cảnh mùa xuân, thì không thể ra một chuyện tết đúng nghĩa. Như vậy, truyện tết, nó phải là những câu chuyện xảy ra trong khoảng thời gian đặc biệt ấy, với những nhân vật và hành động mà ngày thường ta không bắt gặp.

Và cũng vì thế nên đời thường có những buồn vui, tất nhiên ngày tết cũng sẽ có những vui buồn, chẳng tránh được. Tuy nhiên, với người viết, nếu chọn kết thúc quá buồn sẽ khiến bạn đọc… mệt. Nên đúng như bạn cảm nhận, nỗi buồn ấy chỉ là những nốt trầm sâu lắng. Tôi nghĩ bạn đọc cũng chia sẻ được điều này, bởi ngày thường có gì thì tết có đó.

* Thông qua những câu chuyện này, có phải sẻ chia và đồng cảm là thông điệp mà anh muốn gửi gắm?

- Cũng có thể như thế. Tết là dịp người ta mở lòng với nhau mà. Chia sẻ, đồng cảm với cuộc đời, với phận người - đấy chắc chắn là thông điệp chung mà bất cứ nhà văn nào cũng muốn. Ngoài ra, tôi hy vọng qua tập truyện này bạn đọc sẽ có thêm những "trải nghiệm" thú vị về ngày tết ở miền Trung. Và biết đâu, bạn đọc sẽ yêu hơn tết Việt.

'Tôi là người thích tết, thèm tết và cũng thường tiếc nuối khi… hết tết'- Ảnh 3.

Dựng nêu đón tết

NVCC

* Đối với riêng anh, tết xưa – tết nay có nhiều khác biệt không?

- Tất nhiên là khác nhau nhiều chứ. Có người nói tết xưa đậm đà, tết nay nhạt nhòa. Tôi thì nghĩ khác, có thể bởi cảm nhận của mình theo thời gian, theo độ tuổi là khác nhau mà thôi. Ví dụ tại thời điểm này, một đứa trẻ 10 tuổi sẽ thấy Tết Giáp Thìn 2024 này rất đẹp, rất đậm đà. Chung quy là bởi con người mình hay có tính so sánh. Cứ tận hưởng đi thì thấy mỗi ngày bình thường hôm nay cũng rất dễ thương, và tết nay cũng rất đẹp chứ chẳng kém tết xưa đâu. Tự lòng mình phải phấn chấn hoan hỉ đã, thì tết mới vui.

* Tết ở Quảng Trị quê anh có đặc trưng nào mà vùng miền khác không có?

- Ở quê tôi, tết thì có món bánh khô, nó na ná bánh khảo ở miền Bắc, ở vài nơi thì gọi bánh nổ… Hạt nếp bung nổ rồi trộn với mật đường, cho vào khuôn đóng thật chặt để đãi khách uống trà mấy ngày xuân. Nay cũng hiếm nhà còn làm bánh khô, nhưng cứ nói đến món bánh của quê mình thì tôi nhớ đến nó.

'Tôi là người thích tết, thèm tết và cũng thường tiếc nuối khi… hết tết'- Ảnh 4.

Bánh nổ giòn thơm từ bao đời là thức quà quê thân thuộc gắn với tuổi thơ của những người con xứ Quảng

Ánh Hà

Ở làng tôi có lệ sáng mùng 1 tất cả mọi người đều đến ngôi chùa làng lễ Phật cầu an. Sau đó các cụ lớn tuổi đi lễ làng, lễ nhà thờ họ tộc. Rồi tất cả đàn ông, trai tráng lập thành một đoàn từ nhà thờ họ tộc đi chúc tết từng nhà. Nói chung, cả buổi sáng đầu năm ở làng tôi là dành cho việc hành lễ, ấy cũng là nét đẹp.

Hầu hết mọi gia đình trong làng hiện nay vẫn gói bánh chưng, bánh tét, nổi lửa củi nấu bánh và ngồi canh lửa qua đêm. Nhà tôi thì năm nào cũng có một nồi bánh như thế, cảm giác ngày tết ấm áp và đầy đặn ý nghĩa hơn.

Tôi nghĩ mình may mắn khi được sinh ra và nay vẫn sống ở một làng quê như thế.

* Đây là cuốn sách thứ 7 của anh. Anh có chia sẻ gì về kinh nghiệm sáng tác đối với những bạn trẻ đang bước đầu đi theo con đường này?

- Tôi không nghĩ mình là người viết già. Nhưng chắc chắn cũng không còn là người viết trẻ. Vậy thì coi như mình là người đi trước những người đang còn trẻ một chút. Từ trải nghiệm bản thân trong nghề viết, tôi mong các bạn viết trẻ hãy kiên nhẫn với nghề, và cũng đừng quá gò ép mình, cứ viết thật tự nhiên, thật thoải mái. Văn chương âu cũng chỉ là cuộc chơi, nhưng chơi cho đáng mặt thì không dễ chút nào.

Nhà văn Hoàng Công Danh sinh năm 1987, hiện sống và làm việc tại Quảng Trị. Anh đã xuất bản 6 tập sách ở NXB Trẻ, bao gồm các tập truyện ngắn Cõng nhau trong một cõi người, Chuyến tàu vé ngắn, Trong cơn say níu sợi dây đứt, Con tin Stockholm; tập tùy bút Khói sẽ làm mắt tôi cay; truyện dài Bảy bảy bốn chín. Với lối văn dung dị và kết thúc bất ngờ, những truyện ngắn của Hoàng Công Danh khiến bạn đọc ấn tượng, thích thú.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.