Tôi là nhà giáo hạnh phúc: Thắp ngọn lửa cho sinh viên

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
19/11/2019 08:00 GMT+7

Niềm hạnh phúc của nhiều giảng viên đơn giản là giúp các sinh viên ban đầu chán học, nhưng sau một thời gian biết mình cần gì, muốn gì rồi tốt nghiệp loại giỏi, đi làm thành đạt ...

Truyền đam mê

Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Trinh, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, kể lại: “Cách đây mấy năm, tôi có cố vấn học tập cho lớp trưởng của một lớp tôi dạy. Trước khi quyết định vào học tại Trường ĐH Ngân hàng, em ấy từng học một trường khác 2 năm nhưng cảm thấy không yêu thích ngành học. Không hiểu sao em ấy vẫn cảm thấy chán nản khi học ở trường mới. Khi biết được tình trạng này, rôi đã chia sẻ với em rất nhiều, đặt ra những câu hỏi để em trả lời về bản thân, về ngành học, về những điều em mong muốn trong tương lai… Thời gian trôi qua. Thật bất ngờ, một hôm tôi nhận được mail của em ấy. Em nói em rất biết ơn vì từ khi gặp tôi, học tôi, em đã biết mình thích gì, muốn làm gì và phải làm gì để chuẩn bị cho tương lai của mình. Và hiện em đang rất thành công. Tôi chưa từng nghĩ mình lại có sức ảnh hưởng lớn lao tới một ai khác đến vậy, cho tới khi tôi nhận được những lá thư như thế. Nó đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi theo đuổi nghề này”.
Tiếp tục câu chuyện, tiến sĩ Trinh kể về một sinh viên (SV) khác được cô hướng dẫn làm khóa luận. Đang làm giữa chừng thì SV này muốn bỏ cuộc vì thấy khó quá. Thế nhưng, cô Trinh đã tìm cách động viên, truyền cảm hứng và hỗ trợ để SV tháo gỡ những vướng mắc. Cuối cùng, khóa luận này đạt điểm xuất sắc, được trường cử làm đại diện tham dự giải Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka và đã mang về được giải thưởng.
“Đôi khi công việc bộn bề, chúng ta, những giảng viên, chỉ cần một chút lắng nghe, một chút quan tâm và giành ra một chút thời gian là có thể giúp được các em điều gì đó, thậm chí có thể làm thay đổi tương lai của các em”, tiến sĩ Tuyết Trinh nhìn nhận.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoàn, giảng viên Khoa Kế toán - Kiểm toán Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng bồi hồi chia sẻ: “Tôi dạy môn kế toán tài chính. Thường những môn học về những con số này được xem là rất khô khan. Vì thế, giảng viên phải luôn tìm cách làm mềm nó, khiến nó sinh động hấp dẫn để thu hút SV. Mới đây, tôi nhận được thư của một SV. Em nói rằng ngày ấy, lúc đầu em rất ghét môn học tôi dạy vì thấy nó khô khan quá. Nhưng khi nghe tôi say sưa kể những câu chuyện thực tế tại doanh nghiệp, nói về vai trò của môn học đối với công việc sau này…, em cảm thấy môn học rất hay và niềm đam mê được khơi gợi từ đó”.

Thái độ học tập tích cực của sinh viên

Theo tiến sĩ Trinh, bản thân cô và rất nhiều giảng viên lên lớp mang theo nhiệt huyết lớn với kỳ vọng nhận được sự tương tác và thái độ học tập tích cực của SV, nhưng không phải lúc nào điều đó cũng xảy ra. “Nếu bắt gặp những ánh mắt SV chăm chú lắng nghe với tâm thế sẵn sàng đón nhận kiến thức, thì tôi cũng như được truyền cảm hứng, giảng như rút ruột và lúc nào cũng có động lực để nghiên cứu, tìm tòi kiến thức nhằm đáp ứng sự mong đợi của các em. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của một giảng viên. Nhưng ngược lại, nếu thấy SV vừa học vừa bấm điện thoại lướt Facebook, không quan tâm, thái độ chán nản, không muốn học, thì mọi nhiệt huyết trong người giảng viên cũng như tắt lịm”, tiến sĩ Trinh bày tỏ.
Với tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoàn, điều khiến cô hạnh phúc nhất là biết nghề nghiệp của mình có thể thắp lên ngọn lửa nhỏ trong mỗi SV, để từ ngọn lửa nhỏ đó, những SV có đủ năng lực và đam mê sẽ tỏa sáng trong nghề nghiệp mình đã chọn. “Các em thành đạt, nhớ tới những người từng dạy mình và truyền cảm hứng cho mình, rồi trở về trường tiếp tục hỗ trợ các thế hệ đàn em… Điều đó thật tuyệt vời”, tiến sĩ Thu Hoàn xúc động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.