Tôi muốn các em thấy bài toán trong đời sống chứ không phải trong phiếu bài tập

14/11/2022 19:27 GMT+7

Thực sự không khó để giúp học sinh cảm nhận được vẻ đẹp của toán học nếu chúng ta cho các em tìm thấy bài toán ở trong đời sống của mình, chứ không phải trong phiếu bài tập tôi giao.

Chứng sợ toán làm tuổi dậy thì thêm khủng hoảng

Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn nói đến “bệnh sợ toán của các em học sinh THCS”. Lúc bước vào tuổi dậy thì, cùng với chứng sợ toán, nhiều em đã khủng hoảng và kéo theo sự khủng hoảng cho người thân.

Lúc bước vào tuổi dậy thì, cùng với chứng sợ toán, nhiều em đã khủng hoảng (ảnh minh họa)

đào ngọc thạch

Trước đây, ở tiểu học, nền móng kiến thức của nhiều em đến từ “học thuộc, làm theo”, không được trải nghiệm khám phá để kiến tạo được kiến thức một cách thú vị. Giờ đây, các em được yêu cầu bằng suy luận để học toán, vì thế các em chắc chắn gặp nhiều khó khăn.

Các trò chơi có thể không tác động trực tiếp đến việc khám phá một kiến thức toán học cụ thể nào nhưng có thể giúp các em có tâm thế hứng thú, và khởi động não bộ tư duy. Tất nhiên, trò chơi được lựa chọn phải là trò chơi trí tuệ, và đòi hỏi các em tìm ra “thuật toán”, như thế mới có vẻ có hữu ích.

Chẳng hạn, với những viên sỏi, tôi có thể tạo ra trò chơi: “Đường đến 45” như sau: “Cho 45 viện sỏi. Hai người chơi. Luật chơi: mỗi người lần lượt bốc từ 1 đến 3 viên sỏi. Ai bốc được viên sỏi cuối cùng thì người đó chiến thắng”.

Sau quá trình chơi, tôi yêu cầu các em tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi “người chơi trước, người chơi sau, ai có cơ hội chiến thắng nhiều hơn? Làm thế nào để chiến thắng?”. Rồi các em cũng được yêu cầu để sáng tác trò chơi mới, thay vì 45 viên sỏi các em có thể chọn con số khác, thay vì bốc từ 1 đến 3 viên sỏi, các em có thể chọn “2 đến 5 viên, 1 đến 11 viên…”, và các viên sỏi có thể nhiều màu… các trò chơi lại được phát triển phong phú.

Bằng trò chơi này, việc tạo hứng thú cho các bài toán số học, giải phương trình đã được nâng cao. Tôi cũng đã có những học trò tự chơi với máy tính bằng cách các em lập trình được trò chơi.

Tôi muốn các em tìm thấy bài toán ở trong đời sống

Việc khuyến khích các em tìm bài toán thực tiễn để đưa vào bài học được tôi sử dụng thường xuyên. Tôi muốn các em tìm thấy bài toán ở trong đời sống của mình, chứ không phải trong phiếu bài tập tôi giao. Chẳng hạn, rất nhiều học sinh gặp khó khăn trong giải toán tỷ lệ thức, trong bài toán năng suất, trong bài toán phần trăm…

Nhưng các em đã thoải mái và dễ dàng giải được những bài toán được các em đặt ra dựa trên thông tin quảng cáo mà các em thu thập được từ tờ rơi, từ quảng cáo trên internet.

“Lập kế hoạch kinh doanh” là một dự án cho học sinh lớp 7. Các em có thể gặp khó khăn trong học chủ đề “đại lượng tỷ lệ thuận, đại lượng tỷ lệ nghịch”; với dữ liệu kiểu sách giáo khoa, các em cũng khó khăn khi thực hiện và lý giải được việc thu thập, phân loại dữ liệu theo các tiêu chí cho trước từ những nguồn: văn bản, bảng biểu, kiến thức trong các môn học khác và trong thực tiễn.

Nhưng qua dự án này, các em đều có thể: thực hiện và lý giải được việc thu thập, phân loại dữ liệu theo các tiêu chí cho trước từ những nguồn: văn bản, bảng biểu, internet…

Giải thích được tính hợp lý của dữ liệu theo các tiêu chí toán học đơn giản (ví dụ: tính hợp lý, tính đại diện của một kết luận...); lựa chọn và biểu diễn được dữ liệu vào bảng, biểu đồ thích hợp; nhận biết được những dạng biểu diễn khác nhau cho một tập dữ liệu;

Nhận biết được các đại lượng tỷ lệ thuận, đại lượng tỷ lệ nghịch trong bài toán dự báo chi phí, doanh thu; vận dụng được tính chất của đại lượng tỷ lệ thuận và đại lượng tỷ lệ nghịch trong bài toán dự báo chi phí; sử dụng công cụ phù hợp để tính toán và xử lý số liệu.

Ngoài ra, các em còn biết thiết kế tờ rơi quảng cáo, tranh biện để tìm ra phương án hợp lý, và thực tiễn triển khai dự án này. Trong những dự án học tập này, các em đều thấy toán học gần gũi, không dễ, nhưng các em làm được.

Một nhu cầu của học sinh THCS là được thấy toán học có ý nghĩa, có thể lý giải và không bị áp đặt. Người ta thường nói rằng, các em học sinh THCS cần học để giải quyết vấn đề, chứ không thể học theo khuôn mẫu, học những gì chỉ có một đáp án. Các em cần được khuyến khích để nghĩ đến “hợp lý, hiệu quả” của tình huống.

Ngày nay, giáo dục toán học để nhằm phát triển năng lực cho các em, bao gồm mô hình hóa toán học, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Nếu như các em bị bắt buộc giải nhiều phương trình bậc 2, phương trình quy về bậc 2, chắc chắn các em sẽ chán và sẽ lẩn tránh, làm cho qua những phiếu bài tập dài hàng chục phương trình. Thế nhưng, nếu chỉ làm như thế, các em sẽ không bao giờ tìm thấy “tình huống thực tiễn nào đi đến cần phương trình bậc hai để giải quyết”.

Chúng ta nên đưa vào trong bài học những tình huống có chứa bài toán mở, có nhiều đáp án để giải quyết. Các em chọn đáp án nào sẽ thể hiện sự hiểu biết và kỹ năng áp dụng của các em. Trong thực nghiệm của chúng tôi, các em học sinh rất hứng thú với những bài toán như vậy.

Các em học chưa tốt thoát ly được tâm lý nghe ngóng đáp án từ bạn giỏi hơn. Em nào cũng có đáp án của mình. Khi trao đổi, thảo luận, các em tìm thấy điểm hợp lý, sự chặt chẽ trong các đáp án khác, từ đó, tìm được phương án tối ưu. Khuyến khích phản biện bằng các bài toán mở - có nhiều đáp án cũng là một cách chữa bệnh sợ toán của của các em.

Tôi muốn các em tìm thấy bài toán ở trong đời sống của mình, chứ không phải trong phiếu bài tập tôi giao.

Chúng ta nên đưa vào trong bài học những tình huống có chứa bài toán mở, có nhiều đáp án để giải quyết. Các em chọn đáp án nào sẽ thể hiện sự hiểu biết và kỹ năng áp dụng của các em. Trong thực nghiệm của chúng tôi, các em học sinh rất hứng thú với những bài toán như vậy.

PGS Chu Cẩm Thơ

Để các em thấy được vẻ đẹp của toán học

Thực tế, các bài học toán ở nhà trường hiện nay đã không đưa được nhiều thông tin biểu lộ cái hay, cái đẹp. Việc học toán nhằm tới “thi”, tập trung vào giải toán có thể tăng kỹ năng và sự chịu áp lực của các em, nhưng có thể làm mất đi niềm tin vào toán học, vào những ứng dụng tuyệt vời của toán học trong công việc và trong cuộc sống, khiến các em học toán mà sợ toán.

Tôi cho rằng, đây là điều mà GS Ngô Bảo Châu đã nhắc tới: “Sợ toán là thiệt thòi rất lớn trong cuộc đời”.

Trong những bài giảng và những lần tiếp xúc với các em học sinh, khi tôi cho các em xem các video ngắn về những bức tranh được sáng tạo nhờ vào bài toán “lát mặt phẳng”, những vẻ đẹp của thiên nhiên, của khoa học kỹ thuật mà ở đó tìm thấy “tỷ số vàng”… các em đã đều bị thu hút, các em “ồ, à”… tôi cảm nhận ngay được sự hứng thú, say mê, và than phục “toán học” ở các em.

Thật tiếc, khi cách học mà các em được rèn thành do thói quen: được giao đọc tài liệu gì, giao bài gì thì cố gắng để hoàn thành, không tự mình khám phá, đọc thêm tài liệu khác, đặc biệt là các em không tra cứu, không liên hệ với thực tế trong đời sống, trong nghệ thuật, trong khoa học kỹ thuật.

Chẳng hạn, trong sách giáo khoa có bài đọc thêm về hình học fractal, nhưng hầu hết giáo viên không chú ý đến, không giới thiệu, không khuyến khích các em tìm hiểu, vì thế các em sẽ không cảm nhận được, không biết tìm đến để ứng dụng.

Thế nhưng, khi các em được tiếp xúc với các phần mềm dạy vẽ ảnh, các em được sử dụng những ứng dụng của hình học này trong công việc, các em đều thấy “em cần học thêm về loại toán này”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.