Nhiều người cho rằng khi đi ngủ vào ban đêm, mở máy lạnh 26oC là phù hợp vì không quá lạnh cũng không tốn quá nhiều năng lượng điện tiêu thụ. Nhưng đây hẳn đã là mức nhiệt tối ưu cho giấc ngủ sâu chưa?
Theo các nghiên cứu, thân nhiệt con người thường cao trước khi đi ngủ. Ở thời điểm này, mở máy lạnh 26oC sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Nhưng đến 2 - 3 giờ sáng - thời điểm bước vào giấc ngủ sâu thì thân nhiệt chúng ta hạ xuống mức thấp nhất. Do vậy, nếu máy lạnh vẫn ở 26oC thì rất dễ bị cảm lạnh, nghẹt mũi nếu không đắp thêm mền.
Chuyên gia điện máy Đỗ Long cho biết, bạn có thể tham khảo cách sử dụng chế độ sleep trên điều khiển máy lạnh để tối ưu khi ngủ vào ban đêm.
Với chế độ này, nhiệt độ phòng sẽ tự động thay đổi theo thời gian để phù hợp với môi trường, giúp người sử dụng không bị cảm lạnh. Khi nhấn nút sleep, thông thường sau từ 30 phút – 60 phút, nhiệt độ sẽ tăng lên 1oC, sau đó tiếp tục tăng lên 2oC và duy trì nhiệt độ đó cả đêm.
Ví dụ trước khi đi ngủ bạn để nhiệt độ máy lạnh là 26oC thì nửa tiếng hoặc 1 tiếng sau máy lạnh sẽ tăng lên 27oC, 2 tiếng nữa tăng lên 29oC cân bằng với nhiệt độ bên ngoài. Đây là nhiệt độ an toàn giúp bạn ngủ sâu nhất, nhất là khi nhà có trẻ nhỏ.
Ngoài ra theo một số nghiên cứu, khi giảm 1oC của điều hòa công suất tiêu thụ điện sẽ tăng 7 - 10%, vì vậy việc đặt chế độ sleep với mức nhiệt độ sleep giúp giảm đáng kể tiền điện trong gia đình bạn.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham khảo cách để chế độ của máy lạnh theo độ tuổi của người sử dụng hay theo mùa.
Ví dụ, với gia đình có người già hoặc trẻ nhỏ thì bạn không nên để mức nhiệt máy lạnh quá thấp, mà nên để dao động 27 – 29oC để đảm bảo không bị cảm lạnh, phù hợp sức khỏe. Bên cạnh đó, người lớn có thể mang thêm bao tay, tất chân hoặc đắp mền để giữ ấm cho con trẻ.
Vào mùa hè, bạn có thể tham khảo thêm chế độ cool hay chế độ quạt (fan speed) của máy lạnh để điều hòa lượng gió trong phòng. Cẩn thận hơn, bạn có thể sử dụng tính năng hẹn giờ để cài đặt máy lạnh tự tắt trong lúc bạn vẫn đang ngủ sâu.
Bình luận (0)