Bộ Công an:

Tội phạm dùng vũ khí ngày càng phức tạp, điển hình là vụ khủng bố tại Đắk Lắk

31/07/2023 13:53 GMT+7

Bộ Công an nhận định tình hình tội phạm sử dụng vũ khí diễn biến ngày càng phức tạp, điển hình là vụ khủng bố xảy ra tại Đắk Lắk.

Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu thẩm định về đề nghị xây dựng luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Dự án luật này do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Tội phạm sử dụng vũ khí thô sơ diễn biến phức tạp

Bộ Công an cho biết, sau 5 năm triển khai, luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 dần phát sinh bất cập, chưa đáp ứng công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Tội phạm dùng vũ khí ngày càng phức tạp, điển hình là vụ khủng bố tại Đắk Lắk - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng bắt giữ các đối tượng trong vụ khủng bố xảy ra tại Đắk Lắk

KIẾN TRẦN

Thống kê trong khoảng thời gian trên, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 19.384 vụ, 31.013 đối tượng vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Con số này cho thấy tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ (dao, kiếm…), mua bán, vận chuyển trái phép linh kiện vũ khí và sử dụng các loại dao gây án diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, xảy ra nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Bộ Công an dẫn chứng vụ khủng bố xảy ra ngày 11.6 tại H.Cư Kuin (Đắk Lắk). Hàng trăm đối tượng đã sử dụng súng, dao, bom xăng tấn công 2 trụ sở UBND xã (Ea Tiêu và Ea Ktur), làm 9 người chết, 2 người bị thương. Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt giữ, khởi tố 84 đối tượng, thu 20 khẩu súng các loại (8 súng quân dụng, 12 súng tự chế); 2 lựu đạn; 1.199 viên đạn; 15 kíp nổ; 1,2 kg vật liệu nổ và 32 dao, kiếm các loại.

Thực tế phức tạp là vậy, nhưng việc xử lý hình sự đối với các hành vi chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại vũ khí lại gặp rất nhiều khó khăn.

Lý do, luật hiện hành quy định các khái niệm về vũ khí chưa khái quát, còn tách bạch giữa vũ khí quân dụng với các loại vũ khí khác. Bộ luật Hình sự cũng chỉ quy định chế tài xử lý hình sự đối với các hành vi chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng.

Lợi dụng kẽ hở trên, nhiều đối tượng chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại súng tự chế (súng bắn đạn ghém, súng săn, súng nén ga, súng nén hơi…); vũ khí thô sơ (dao, lưỡi lê, đao, kiếm, giáo, mác, thương, mã tấu…) và linh kiện để lắp ráp vũ khí.

Thêm vào đó, việc phát triển của khoa học - công nghệ thường xuyên nghiên cứu, chế tạo ra các loại vật liệu nổ công nghiệp mới nhưng không nằm trong danh mục vật liệu nổ công nghiệp, dẫn tới quản lý gặp nhiều khó khăn, nhất là trong công tác đấu tranh, bắt giữ không có căn cứ để xác định loại vật liệu nổ công nghiệp này.

Bắt thêm 3 bị can bị truy nã đặc biệt trong vụ khủng bố ở Đắk Lắk

Sẽ không còn khái niệm vũ khí thô sơ

Từ những hạn chế đã chỉ ra, Bộ Công an cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các khái niệm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cũng như một số quy định về hành vi bị nghiêm cấm và công tác quản lý.

Bộ Công an: Tội phạm dùng vũ khí ngày càng phức tạp, điển hình vụ Đắk Lắk - Ảnh 2.

Người dân trên địa bàn TP.HCM mang dao tự chế đến giao nộp cho cơ quan công an

TRẦN TIẾN

Trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất quy định vũ khí bao gồm 2 loại là vũ khí quân dụng và vũ khí thể thao; bãi bỏ các khái niệm súng săn, vũ khí thô sơ tại luật hiện hành; bổ sung khái niệm linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ công nghiệp mới; bổ sung khái niệm phương tiện sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt.

Đồng thời, bổ sung quy định về quản lý, sử dụng các loại phương tiện và dao sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt nhằm quản lý chặt chẽ các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu các loại phương tiện và dao để phục vụ công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật.

Theo đề xuất của Bộ Công an, vũ khí quân dụng bao gồm: vũ khí cầm tay, vác vai, hạng nhẹ, hạng nặng; bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; súng bắn đạn ghém, súng nén ga, súng nén hơi; các loại dao, lưỡi lê, đao, kiếm, giáo, mác, thương, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu được trang bị cho các đối tượng theo quy định của luật này để thi hành công vụ hoặc không thuộc đối tượng được trang bị theo quy định của luật này nhưng sử dụng với công năng, tác dụng như vũ khí…

Phương tiện sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt là công cụ được chế tạo có cấu tạo đơn giản được sử dụng phục vụ lao động, sản xuất, sinh hoạt, nhưng khi sử dụng vào mục đích trái pháp luật có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người, phá hủy kết cấu vật chất.

Như vậy, với đề xuất của Bộ Công an, tới đây sẽ có thêm nhiều loại vũ khí được bổ sung vào diện vũ khí quân dụng, kéo theo những thay đổi trong việc xử lý hành vi vi phạm có liên quan. Ví dụ, hành vi tàng trữ súng bắn đạn ghém, kiếm, mã tấu hoặc tương tự như trong dự thảo nêu hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.