Nhiều nước Đông Nam Á thời gian qua đã xóa sổ hàng loạt đường dây tội phạm người Trung Quốc lừa đảo với thủ đoạn tinh vi.
Nghi phạm Trung Quốc bị trục xuất từ Indonesia và Campuchia về nước hồi tháng 10.2015 - Ảnh: Weibo |
Khoảng 1 - 2 năm trở lại đây, nhiều nước thành viên ASEAN đã trở thành địa bàn hoạt động chủ lực của các băng nhóm tội phạm Trung Quốc chuyên lừa đảo, tống tiền qua điện thoại internet nhằm vào người dân bản xứ hoặc đồng hương.
Dù cảnh sát Trung Quốc đã phối hợp với đồng nghiệp nhiều nước ra sức triệt phá nhưng đến nay vẫn chưa thể triệt tiêu hình thức tội phạm công nghệ này do quy mô quá khổng lồ. Trang tin Chinanews dẫn số liệu từ Bộ Công an Trung Quốc cho hay chỉ trong năm 2014, nhà chức trách đã phá được khoảng 6 triệu vụ lừa đảo qua mạng viễn thông, triệt phá hơn 3.100 băng nhóm và bắt giữ hơn 20.000 nghi phạm.
Sào huyệt khắp nơi
|
Trong cuộc bố ráp, cảnh sát cũng tịch thu nhiều điện thoại di động và máy tính xách tay. Ông Sieng Sen cho biết thêm các nghi phạm sẽ bị trục xuất về nước và đưa vào danh sách cấm nhập cảnh của Campuchia.
Đây không phải lần đầu tiên cảnh sát Campuchia triệt phá đường dây tội phạm mạng của người Trung Quốc. Trong vài năm qua, nhiều hoạt động gọi điện lừa gạt tiền tương tự đã bị phát hiện tại xứ Chùa Tháp. Hồi tháng 10.2015, cảnh sát Campuchia phối hợp đã bắt gần 170 người Trung Quốc trong một cuộc bố ráp tại vùng Sihanoukville. Nhóm này đang bị truy nã tại quê nhà vì liên quan tới nạn tống tiền hàng loạt nạn nhân ở Trung Quốc và nhiều nơi khác qua VoIP. Trong một cuộc đột kích tại tỉnh Svay Rieng khoảng hai tháng trước đó, cảnh sát Campuchia cũng đã tóm gọn 11 người Trung Quốc với hình thức phạm tội tương tự.
Campuchia không phải là sào huyệt duy nhất của các nhóm tội phạm công nghệ cao Trung Quốc. Lợi dụng internet giá rẻ và thủ tục nhập cảnh tương đối thông thoáng nhờ hợp tác ASEAN - Trung Quốc, tội phạm mạng Trung Quốc đưa người sang cài cắm tại Indonesia, Philippines, Malaysia, VN… thuê nhà, lắp đặt thiết bị để ra tay.
Hồi tháng 5.2015, Bộ Công an VN thông báo phá 2 nhóm tội phạm, bắt giữ tổng cộng 24 người Trung Quốc đại lục và Đài Loan thuê nhà tại tòa nhà Everrich (Q.Tân Bình, TP.HCM) và một chung cư tại Q.4, TP.HCM. Lực lượng chức năng đã thu giữ hàng chục điện thoại, máy tính, hàng trăm thẻ sim và nhiều thiết bị điện tử bị sử dụng làm công cụ lừa đảo.
Tại Indonesia, cảnh sát nước này vào cuối tháng 1.2016 bắt 9 nghi phạm Trung Quốc với cáo buộc lừa đảo tiền bạc của hàng loạt nạn nhân thông qua VoIP. Trước đó, cảnh sát đại lục, Hồng Kông và Đài Loan mở chiến dịch phối hợp truy quét tội phạm lừa đảo qua mạng và điện thoại quy mô lớn, bắt được 431 nghi phạm, đa số là người Đài Loan và Trung Quốc đại lục, hoạt động tại Campuchia và Indonesia.
Theo tờ South China Morning Post, băng nhóm ở Indonesia bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt gần 15,2 triệu USD của các nạn nhân là người Hồng Kông trong 431 vụ. Tương tự, hơn 100 người Trung Quốc và Đài Loan đã bị bắt tại Philippines và Malaysia với cùng thủ đoạn: thuê hàng chục phòng khách sạn để dựng lên các “đại bản doanh” lừa đảo xuyên quốc gia, hoạt động trong nhiều tháng trời mới bị phát hiện và chiếm đoạt hàng trăm ngàn đến cả triệu USD. Nạn nhân trải khắp các nước sở tại, đại lục, Hồng Kông, Macau, Đài Loan…
Biện pháp xử lý của các nước ASEAN sau khi bắt được các nghi phạm là trục xuất về nước. Đài Fox News dẫn nguồn từ Bộ Công an Trung Quốc cho biết chỉ trong 2 tháng cuối năm ngoái, có tới 254 nghi phạm người Trung Quốc dính líu đến lừa đảo viễn thông xuyên quốc gia đã bị trục xuất từ Indonesia và Campuchia về nước. Tất cả bị bắt trong 2 chiến dịch càn quét lớn tội phạm mạng nước ngoài ở Indonesia và Campuchia hồi tháng 10.2015. Những người này bị nghi liên quan đến hơn 4.000 vụ lừa đảo viễn thông tại hơn 20 tỉnh thành ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông cùng nhiều khu vực khác. Riêng trong đợt này, chính quyền Trung Quốc đã phải triển khai 300 cảnh sát đến Indonesia và Campuchia để dẫn độ các nghi phạm về nước, theo tờ Nhân Dân nhật báo.
Nhóm người Trung Quốc bị bắt tại Campuchia ngày 2.3.2016 - Ảnh: The Phnom Penh Post
|
Mạo danh thẩm phán và cảnh sát
|
Thủ phạm thường mạo danh là người của tòa án hoặc cảnh sát, giới chức chống rửa tiền và thông báo rằng tài khoản ngân hàng của nạn nhân đã bị xâm phạm nên họ phải chuyển tiền sang một tài khoản an toàn khác. Hoặc như tại Indonesia, các nghi phạm gọi cho nạn nhân thông báo họ đã thắng một vài giải thưởng có giá trị lớn nào đó. Tuy nhiên, để nhận thưởng, họ phải trả một khoản phí. Thế nhưng, sau khi chuyển tiền, các nạn nhân chờ “dài cổ” vẫn không thấy phần thưởng của mình đâu.
Một chiêu lừa không kém tinh vi khác là nghi phạm giả làm nhân viên ngân hàng hoặc quan chức Đài Loan gọi báo nạn nhân rằng họ bị nghi ngờ dính líu hoạt động rửa tiền và tài khoản ngân hàng sắp bị đóng băng theo lệnh của tòa án. Sau đó, các nghi phạm sẽ thuyết phục nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của bọn chúng để làm “phí bôi trơn” nhằm thoát điều tra.
Điều đáng nói là bằng cách sử dụng internet với máy chủ đặt tại nhiều nước khác nhau cùng nhiều thủ thuật công nghệ cao, bọn tội phạm có thể che giấu nguồn gốc, không để nạn nhân biết mình đang nhận cuộc gọi thông qua VoIP. Thậm chí, các băng nhóm này còn có thể ngụy trang để trên điện thoại của nạn nhân hiển thị số điện thoại thật của ngân hàng, cơ quan và văn phòng chính phủ nên rất nhiều người mắc bẫy, trang tin The Malaysia Insider dẫn lời giới chức chống tội phạm mạng và các chuyên gia công nghệ tại Malaysia cho biết.
Bình luận (0)