'Tôi tiếc mình không thông minh, mạnh mẽ hơn để làm được nhiều việc cho Đoàn'

23/03/2021 07:44 GMT+7

"Đến bây giờ nghĩ lại, tôi thấy mình vẫn tiếc, tại sao lúc đương nhiệm, mình không thông minh, mạnh mẽ hơn để làm được nhiều việc cho Đoàn ".

Đó là những chia sẻ chân thành của nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Hà Quang Dự tại cuộc giao lưu trong chương trình tiếp lửa truyền thống “Sáng mãi lửa nhiệt huyết” và trao giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2021 do T.Ư Đoàn tổ chức tại Vĩnh Phúc tối qua, 22.3, nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
 
90-nam-thanh-lap-doan

Chương trình giao lưu có nhiều cán bộ nguyên là bí thư thứ nhất, bí thư T.Ư Đoàn qua các thời kỳ. Trong ảnh là 2 nguyên bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng (bên phải) và Ủy viên T.Ư Đảng, Phó chánh Văn phòng T.Ư Đảng Nguyễn Đắc Vinh (bên trái)

Ảnh Hoàng Phan

Trong giai đoạn ông Hà Quang Dự làm Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn từ năm 1987 - 1992, T.Ư Đoàn đã triển khai cuộc vận động: Xây dựng chi đoàn mạnh vào năm 1988 với 2 mục tiêu: nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở, đặc biệt là chi đoàn và nâng cao chất lượng đoàn viên; làm tốt công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên và công tác phát triển đoàn viên mới.
Chỉ sau 3 năm triển khai, tỷ lệ chi đoàn khá và mạnh tăng 51,7% so với năm 1988. Giai đoạn 1989 - 1991, Đoàn kết nạp được trên 1,1 triệu viên mới; tỷ lệ đoàn viên xuất sắc tăng hơn 50% so với năm 1988. Cũng trong nhiệm kỳ ông Hà Quang Dự làm Bí thư thứ nhất T.Ư đã loại bỏ tiêu chí muốn thi vào đại học phải là đoàn viên, ở thời điểm ấy đây được xem là quyết định mang tính chất đột phá, tạo hiệu ứng xã hội.
“Nhưng với tôi, việc bỏ tiêu chí là đoàn viên với được thi đại học, còn nhiều việc lớn lúc ấy, đáng ra có thể làm tốt hơn”, ông Dự mở đầu phần chia sẻ.

“Tôi không dám làm”

Ông Hà Quang Dự kể lại, bối cảnh giữa những năm 80, đất nước vô cùng thiếu ngoại tệ, hàng hoá. Cả nước chỉ có Hải Phòng là tương đối đầy đủ, vì có cơ chế riêng.
Trong khi T.Ư Đoàn có nhiều thế mạnh, có lực lượng lao động làm việc ở nước ngoài, có cán bộ đoàn ở các ban cán sự đoàn ở nước ngoài. Khi ấy đã có người đề đạt ý kiến rất hay về việc chuyển đổi đoàn phí thành dòng chảy tiền ngoại tệ, hàng hoá vào Việt Nam.
Khẳng định đây là một ý tưởng hay và thiết thực với đất nước nhưng ông Dự thừa nhận: “Tôi không dám làm vì lúc đó, chỉ riêng phát động phong trào thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi ở nông thôn thôi, thì đã có người đặt câu hỏi: T.Ư Đoàn làm thế là có mục đích gì, hình như T.Ư Đoàn có ý định xây dựng một tầng lớp địa chủ trẻ. Họ hỏi chính thức chứ không phải hỏi qua qua đâu”, ông Dự kể lại.
Mãi đến cuối nhiệm kỳ đến năm 1989 - 1990, T.Ư Đoàn mới rón rén ký thành lập Câu lạc bộ Doanh nghiệp trẻ tiền thân của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam ngày nay. “Đến bây giờ mình vẫn nuối tiếc, sao ngày ấy khi đương nhiệm, mình thông minh, dũng cảm hơn thì đã làm được nhiều việc cho Đoàn, cho Đảng”, ông Dự nói.

Bàn cãi căng thẳng để bỏ tiêu chí “thi đại học phải là đoàn viên”

Liên quan đến việc đề xuất loại bỏ tiêu chí “thi đại học phải là đoàn viên” trong nhiệm kỳ của mình, ông Hà Quang Dự chia sẻ: “Tôi không hiểu đưa tiêu chuẩn này vào thi đại học từ bao giờ. Chúng tôi thì rất tôn trọng quyết định của những người đi trước”.
Ông Hà Quang Dự bày tỏ, việc đưa tiêu chuẩn đoàn viên mới được thi đại học thật ra cũng là mong muốn của Đảng và Nhà nước muốn tuổi trẻ phấn đấu rèn luyện tốt hơn để cống hiến cho đất nước. Đó là việc tốt, không xấu.
Nhưng giữa những năm 80 thì tình hình có nhiều thay đổi. Đất nước đã thống nhất, cơ cấu xã hội của Việt Nam cũng khác trước nhiều, tình hình thế giới biến động mạnh. Chủ trương của Đảng, đường lối của đất nước là huy động mọi sức mạnh tiềm tàng trong người dân Việt Nam, đặc biệt là trong thanh niên để phục vụ công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, phát triển nền kinh tế, bảo vệ Tổ quốc.
giai-thuong-Ly-Tu-Trong

Cán bộ Đoàn được tuyên dương và trao giải thưởng Lý Tự Trọng lắng nghe chia sẻ từ cán bộ Đoàn đi trước

Ảnh Hoàng Phan

Chia sẻ trước khi đưa ra quyết định táo bạo này, ông Dự cho rằng, những người làm cán bộ Đoàn khi đó cũng phải suy nghĩ phải tạo điều kiện cho tất cả những người trẻ tài năng có thể phát triển tài năng của mình để phụng sự đất nước. “Tôi cũng giở Hiến pháp ra thì quyền đi học là quyền cơ bản của công dân Việt Nam nhưng để bỏ được tiêu chí này thì ngay trong Ban Thường vụ T.Ư Đoàn đã có một cuộc họp rất căng thẳng".
Cuộc họp ấy diễn ra vào một ngày trời đẹp nhưng bàn cãi đến 4 giờ chiều chưa ngã ngũ. "Tôi dừng họp rồi chia Ban Thường vụ T.Ư Đoàn làm 2 đội bóng, đá bóng với nhau cốt để xả stress. Cho đến khi ăn cơm tối xong, tôi mời Ban Thường vụ T.Ư Đoàn ngồi lại họp tiếp, thảo luận mãi, sau đó 100% nhất trí đề xuất Nhà nước bỏ tiêu chí “thi đại học phải là đoàn viên”, ông Hà Quang Dự kể. 
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.