Trách nhiệm của ngành thuế

Nguyên Hằng
Nguyên Hằng
01/03/2018 05:06 GMT+7

Sau hơn 10 năm, hàng trăm người “góp vốn” để nhận đất nền, xây nhà tại khu dân cư Tân An Huy (H.Nhà Bè, TP.HCM) vẫn khốn khổ chưa được giao đất; hoặc được giao đất, xây nhà xong thì không làm được giấy chủ quyền nhà, đất.

Nguyên nhân chính do chủ đầu tư còn nợ nhà nước, nợ đối tác...; trong đó, nghiêm trọng nhất là nợ thuế thu nhập doanh nghiệp (DN).
Sự việc càng trở nên phức tạp hơn khi đầu năm 2017, chủ đầu tư đột ngột qua đời, khách hàng bơ vơ, đối mặt với rất nhiều thủ tục phức tạp dù họ đã nộp gần như toàn bộ số tiền mua đất nhiều năm trước. Muốn giải quyết các vấn đề, muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), thì việc đầu tiên phải hoàn thành nghĩa vụ thuế với nhà nước nhưng đây là trách nhiệm của chủ đầu tư.
Thực tế, mọi việc sẽ không rối ren kéo theo rất nhiều hệ lụy nếu ngành thuế làm tròn trách nhiệm thu thuế của mình.
Câu chuyện của Tân An Huy chỉ là một trong số rất nhiều các dự án chủ đầu tư đã chuyển nhượng đất, bán nhà, thu tiền của khách hàng đầy đủ nhưng nợ thuế rồi sử dụng số tiền đó vào mục đích khác dẫn tới những khiếu kiện, những dự án dở dang, những cảnh đời khốn khổ ở TP.HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh thành... Vậy trách nhiệm của ngành thuế với những trường hợp này như thế nào?
Từ thực tế này, trở lại với đề xuất xóa nợ thuế lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng của Bộ Tài chính hồi cuối năm 2017 và nhiều lần trước đó bị dư luận phản đối. Khoan nói tới chuyện xóa nợ thuế cho DN này là thiếu công bằng với DN khác, là tạo ra tiền lệ xấu cho các DN cố tình chây ì thuế để rồi đến một ngày sẽ được xóa nợ…, vấn đề cần phải đặt ra là trách nhiệm của ngành thuế trong việc thu thuế, thực hiện các giải pháp để hạn chế tối đa thất thu thuế.
Bởi như nói trên, có rất nhiều trường hợp DN nợ thuế không phải vì không có tiền đóng thuế mà vì “nợ được tội gì chẳng nợ” hay vì các lý do gì đó đằng sau để sử dụng số tiền đó vào mục đích khác. Ngay trong đề xuất sửa đổi quy định về xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt trong luật Quản lý thuế hồi cuối năm 2017, cơ quan thuế cũng thừa nhận, tính đến thời điểm hiện tại chưa có trường hợp nào đủ điều kiện được xóa nợ thuế.
Thậm chí có những khoản nợ thuế trên 10 năm, nhưng không thể xóa được do không đáp ứng điều kiện đã “áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế”. Cũng có nghĩa là ngành thuế chưa làm hết trách nhiệm.
Thay vì nghĩ tăng thuế nọ, phí kia... lên người dân, DN, ngành thuế nên tập trung làm hết trách nhiệm của mình trong việc thu thuế. Và cũng đến lúc, phải tính đến trách nhiệm của ngành thuế trong việc để xảy ra thất thu trong chính lĩnh vực mình phụ trách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.