Trung Quốc “cúm”, nhiều ngành “bệnh nặng”

01/02/2020 06:14 GMT+7

Không chỉ du lịch , việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc khiến nhiều ngành nghề tại Việt Nam được dự báo sẽ gặp khó khăn do dịch cúm bùng phát từ nước này.

Hôm qua, thanh long ở nhiều địa phương rớt giá thê thảm do thương lái không mua hoặc chỉ mua với giá hỗ trợ. Thanh long Việt Nam  chủ yếu xuất qua Trung Quốc, nhưng thị trường đang áp dụng một số biện pháp hạn chế giao thương nên chắc chắn việc xuất khẩu các loại nông sản như dưa hấu, thanh long bị ảnh hưởng. Cụ thể thì thị xã Bằng Tường (Trung Quốc) đã lùi thời gian mở các cửa khẩu với Việt Nam  và chẳng cần đợi lâu, hiệu ứng với thanh long đã tức thì. Nhưng đâu chỉ có thanh long, dưa hấu, Trung Quốc còn là thị trường chính của rất nhiều loại nông, thủy, hải sản của Việt Nam , nên các doanh nghiệp trong nước đang lo ngay ngáy. Bởi không chỉ hạn chế giao thương để kiểm soát dịch bệnh, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), hiện đã có thông tin từ phía Trung Quốc cho thấy nhu cầu tiêu thụ một số nông sản chững lại do diễn biến phức tạp của dịch cúm Corona tại nước này.
Thực tế việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc dẫn đến nhiều năm qua, cứ thị trường này hắt hơi là nhiều ngành trong nước ốm nặng. Mới giữa năm 2019, ngư dân miền Trung khốn đốn vì hàng ngàn tấn mực khô tồn kho do Trung Quốc ngưng thu mua. Thanh Long, dưa hấu thì cứ đến hẹn lại lên, hầu như năm nào cũng có một đợt rớt giá đổ cho bò ăn hay ùn ứ hàng ngàn xe ở cửa khẩu vì những thay đổi chính sách từ phía Trung Quốc. Năm 2019, việc Trung Quốc áp dụng các quy định mới trong nhập khẩu chính ngạch và siết chặt tiểu ngạch khiến nhiều mặt hàng nông thủy sản trở tay không kịp, lâm cảnh ùn ứ tại khu vực cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh).
Theo Bộ NN-PTNT, do chưa đáp ứng được yêu cầu về thủ tục, quy cách bao gói, nhãn mác..., nhiều lô hàng thủy sản Việt Nam  đã bị trả lại, ách tắc. Trong đó, tôm Khánh Hòa ùn tắc trên 129 tấn; mực, cá từ Vũng Tàu trên 34 tấn; cá chỉ vàng Tiền Giang gần 60 tấn; tép khô Phan Thiết 14 tấn...
Du lịch thì khỏi nói, đến giờ này nhiều doanh nghiệp lữ hành mà thị trường chính là Trung Quốc đã “ngồi chơi xơi nước”. Những ngành liên quan như hàng không, hệ thống cơ sở lưu trú, các nhà hàng, khu vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực... cũng ảnh hưởng nặng nề vì khách Trung Quốc sụt giảm.
Vấn đề giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đã được đặt ra rất nhiều lần vì cả nguyên nhân chủ quan, khách quan. Chủ quan thì đây là thị trường dễ tính, nhu cầu cao nhưng rủi ro quá lớn nên cần đa dạng hóa thị trường để bảo đảm việc kinh doanh hiệu quả, bền vững. Khách quan thì các hiệp định thương mại đều yêu cầu, muốn hưởng ưu đãi phải bảo đảm quy tắc xuất xứ. Thời gian qua chúng ta đã ký kết nhiều hiệp định quan trọng, nên việc giảm nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc để tận dụng tối đa lợi thế được bàn bạc rất nhiều... Thế nhưng, thực tế không đơn giản.
Vẫn phải khẳng định, Trung Quốc là thị trường lớn, quan trọng của Việt Nam , nhưng việc quá phụ thuộc vào thị trường này dẫn đến tình cảnh cứ nước này hắt hơi thì trong nước nhiều lĩnh vực ngành nghề lại bệnh nặng cứ lặp đi lặp lại hết năm này qua năm khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.