Đánh hội đồng nữ nghi can trộm chó: Họ đang phủ định văn minh hay sao?

15/10/2016 10:41 GMT+7

Xem xong đoạn video hàng chục người đàn ông vạm vỡ lao vào đánh một phụ nữ (nghi can trong một vụ trộm chó) xảy ra tại một địa phương thuộc tỉnh Hải Dương, tôi không biết có phải mình đang sống nhầm thời đại không nữa.

Tôi không có ý định bênh kẻ cắp. Tuy nhiên, hình như đã từ rất lâu rồi người ta không còn ném những kẻ mang tội vào vạc dầu. Một xã hội văn minh đảm bảo rằng những người mang tội trộm cắp được an toàn về thân thể cho đến khi một vị quan tòa đáng kính ban cho họ một bản án đủ nghiêm minh.

Nhưng dường như ngày 14.10.2016 pháp luật đã ngủ quên, hay đúng hơn là đã bị chà đạp thô bạo, khi hàng chục người đàn ông vạm vỡ giật tóc, tát vào mặt, sút vào bụng, khoác con chó lên cổ... người đàn bà nghi can trộm chó. Thật tàn ác, các cú ra đòn dường như đã cố gắng xóa sạch đi những đạo đức tối thiểu hay nỗ lực phủ định văn minh.

Video đánh hội đồng nữ nghi can trộm chó

Tôi đã cố gắng định danh lại hành động của hàng chục con người trong clip kia. Một cách lịch sự, có thể tạm gọi những cú ra đòn ấy là nỗ lực xã hội hóa tư pháp khi họ tạm cất những giá trị nhân bản đi để dùng cú đấm, cú đá để thay mặt cho luật pháp. Một cách khoa học, nên gọi những cú ra đòn ấy là hiện tượng lại tổ về hành vi; hoặc cũng có thể gọi là Trung cổ hóa các hình thức ứng xử giữa người với người trong xã hội hiện đại.

Nhưng thôi, tôi thật không còn bút mực nào có thể mô tả được hết sự nhẫn tâm trong hành vi của họ.

Nữ nghi can trộm chó được khoác tang vật lên cổ sau khi bị đánh hội đồng Ảnh chụp màn hình

Đã có rất nhiều nghi can trộm chó đã phải thiệt mạng khi chưa có bất cứ một tòa án nào kết tội họ. Một xã hội có luật pháp nhưng họ ứng xử với nhau như thể đang sống trong một thế giới chưa bao giờ có những nguyên tắc đạo đức tối thiểu. Tôi không thể lý giải nổi tại sao họ lại làm như vậy. Là trong một phút giây nào đó cái ác đã được đẩy lên đến cùng cực; hay vì tôi đang sống trong một thế giới mà mạng chó quý hơn mạng người?

Tôi không nghĩ rằng pháp luật nên dung thứ cho sự tàn bạo của những hành vi như cách mà những người dân ở Hải Dương đã làm. Đó không phải là sự bức xúc, đó chắc chắn chỉ là sự xúc phạm những giá trị tốt đẹp mà chúng ta đeo đuổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.