Việt Nam sẽ không được như hiện nay nếu không có bờ biển. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng đó khi đi cùng với việc lập kế hoạch kém và tình trạng biến đổi khí hậu lại đang bắt đầu bộc lộ khả năng dễ bị tổn thương của mối quan hệ từng vững mạnh này.
Năm 2019, sau một thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định, Việt Nam đã lập kỷ lục khi đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa, số lượng du khách cũng tăng ba lần. “Du lịch biển” chiếm tỷ trọng lớn, mang lại gần 70% tổng thu nhập từ khách du lịch và đóng góp 8% GDP cả nước.
Chính phủ quyết tâm duy trì sự bùng nổ này, như Tổng cục Du lịch đã vạch ra trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”. Theo đó, kỳ vọng là đến năm 2025, Việt Nam sẽ đón tổng cộng 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa và đến năm 2030, những con số này dự kiến sẽ tăng lên lần lượt là 50 triệu và 160 triệu.
Sự gia tăng số lượng khách như vậy đòi hỏi nhiều chỗ ở và cơ sở hạ tầng đáng kể - hầu hết trong số đó có khả năng sẽ được xây dựng ra sát hết mức có thể phía bờ biển vốn đã đông đúc và đang bị đe dọa. Viễn cảnh đó hiện vẫn chưa chắc chắn hoặc ít nhất còn chờ cho đến khi du lịch quốc tế bắt đầu trở lại.
Những bờ biển kiên cường của Việt Nam
Sự phát triển và đô thị hóa ở Việt Nam vẫn diễn ra chủ yếu dọc theo bờ biển, một đường bao trải dài 3.200km đã bị tác động bởi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và bất thường, xảy ra thường xuyên hơn. Chỉ trong hơn hai tháng cuối năm vừa qua, chín cơn bão và hai đợt áp thấp nhiệt đới đã tàn phá bờ biển miền Trung Việt Nam, làm chết gần 200 người và gây thiệt hại 1,3 tỷ USD - gấp 5 lần tổng thiệt hại của năm trước đó.
|
Một báo cáo được công bố vào tháng 10 năm 2020, có tiêu đề “Những bờ biển kiên cường”, đã tóm tắt hiện trạng và đánh giá những mối đe dọa trực tiếp nhất đối với 28 tỉnh ven biển của Việt Nam. Báo cáo này được thực hiện dưới sự cộng tác giữa Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Việt Nam và Tổ chức Toàn cầu về Giảm nhẹ Thiên tai và Phục hồi, ghi nhận những tiến bộ đáng kinh ngạc đã đạt được, nhưng cho biết sự phát triển nhanh chóng đi kèm với việc dự báo và lập kế hoạch không đầy đủ đang làm gia tăng rủi ro cho sự phát triển bền vững.
Gần đây tôi có cơ hội trò chuyện với ông Nguyễn Huy Dũng, chuyên gia cao cấp về quản trị rủi ro thiên tai của Ngân hàng Thế giới và cũng là đồng tác giả của báo cáo. Ông nói rằng mặc dù "một số vùng ven biển dễ bị tổn thương hơn những vùng khác, thảm họa xảy ra ở bất cứ vùng nào cũng có thể ảnh hưởng và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả nước"
Báo cáo tập trung vào những thiệt hại và tổn thất có thể xảy ra đối với các ngành kinh tế ven biển chủ chốt của Việt Nam như nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch và sản xuất công nghiệp, với sự tập trung đặc biệt vào mức độ ảnh hưởng của lũ lụt ven biển và ven sông.
Trong khi tất cả các ngành đều sẽ bị ảnh hưởng, thì du lịch là ngành dễ bị tổn thương nhất xét theo “giá trị sản xuất chịu rủi ro bình quân hàng năm”. Tổng rủi ro đối với ngành du lịch biển do lũ lụt vùng ven biển và ven sông là khoảng 500 triệu đô la. Để thấy ngành du lịch biển dễ bị tổn thương như thế nào, có thể so sánh với ngành dễ bị tổn thương kế tiếp là nuôi trồng thủy sản, với giá trị thiệt hại hàng năm thấp hơn nhiều, ở mức 137 triệu đô la.
Khu vực dễ bị tổn thương nhất là các tỉnh ven biển miền Trung của Việt Nam như Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Bình Thuận, mỗi tỉnh đều ghi nhận mức thiệt hại có khả năng lên tới hơn 50 triệu đô la mỗi năm.
Một điểm tích cực được ghi nhận là sự phát triển về cơ sở hạ tầng đã khiến số người chết vì bão giảm đáng kể trong vài thập kỷ qua. Tuy nhiên, khi mực nước biển tăng lên mức dự đoán là 30 cm vào năm 2030 và có khả năng lên tới 70 cm vào năm 2100, các cơn bão trở nên thường xuyên và thực tế đang dịch chuyển nhiều hơn về phía Nam, những tổn thất này sẽ tiếp tục tăng nhiều.
Báo cáo cũng khuyến nghị các lĩnh vực chủ chốt để chính phủ Việt Nam có thể tiến hành một sự can thiệp mang tính chiến lược, nhằm tăng cường khả năng phục hồi của vùng ven biển: củng cố dữ liệu và công cụ giúp ra quyết định, thực thi việc lập kế hoạch có tính đến rủi ro, củng cố khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công, sử dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên và nâng cao khả năng sẵn sàng và ứng phó với thiên tai.
Nếu những biện pháp này không được thực thi trong vòng 5 năm tới, báo cáo cho biết nền kinh tế sẽ suy giảm tăng trưởng với mức thiệt hại có khả năng lên tới 4,3 tỷ USD, chắc chắn sẽ làm cho sự phục hồi nền kinh tế và môi trường khó khăn hơn đáng kể.
Ông Dũng nói: “Bất kỳ giải pháp bền vững nào cũng phải tính đến tất cả các yếu tố của một tình huống cụ thể, do đó, tất cả các khuyến nghị trong báo cáo của chúng tôi phải được sử dụng kết hợp với nhau. Nếu có những yếu tố nào đó bị bỏ qua hoặc không được xem xét đầy đủ thì các quyết định sai lầm và việc lập kế hoạch không hợp lý sẽ dẫn đến những hành động không phù hợp với khả năng phục hồi trong dài hạn, và nền kinh tế ven biển không được bảo vệ.
Với những dự đoán về khả năng các đường biên giới bắt đầu từ từ được mở lại vào cuối năm nay, những người trong ngành đang kêu gọi một sự thay đổi cấp thiết về mặt tư duy để chuyển sang một mô hình du lịch bền vững hơn cho tương lai Việt Nam.
Ngành du lịch bền vững bằng cách giảm lượng khách đến
Ngành du lịch của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong 20 năm qua thông qua một mô hình dựa chủ yếu vào đầu tư, tập trung vào các khu nghỉ dưỡng khổng lồ và các dự án phát triển liên quan. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng số lượng khách du lịch và các tour du lịch trọn gói “không đô la”, tập trung vào các kỳ nghỉ ngắn ngày và các thị trường khách chi tiêu ít, và thường không đóng góp về mặt kinh tế cho cộng đồng rộng lớn hơn nơi khách lưu trú. Các khu nghỉ dưỡng quốc tế sang trọng và sát biển thường không đóng góp nhiều cho khu vực bên ngoài ranh giới, như tiềm năng của chúng.
|
Ngoài ra, trong khi lĩnh vực xây dựng đã tạo nên sự bùng nổ việc làm cho Việt Nam, vô số báo cáo cho thấy nhiều thách thức mà ngành du lịch được hoạch định kém nhưng lại đang phát triển nhanh chóng có thể gặp phải, khi cố gắng gia tăng lượt khách. Những câu chuyện về các công trình dở dang và bị hư hại, việc phá hủy các tòa nhà lịch sử, chất lượng nước và không khí kém, rác thải nhựa quá nhiều và việc thương mại hóa quá mức các địa điểm du lịch là tình trạng chung và đang đe dọa trải nghiệm của du khách.
Cả hai yếu tố này rõ ràng góp phần vào tỷ lệ du khách quay trở lại vốn nổi tiếng là thấp của Việt Nam. Theo báo cáo của Hiệp hội Lữ hành Châu Á Thái Bình Dương tỉ lệ này thấp tới mức 6%. Nếu không được để ý tới, cách tiếp cận hiện tại đối với tăng trưởng sẽ chỉ làm trầm trọng thêm những vấn đề này và có nguy cơ làm mất đi tất cả những lợi ích mà sự tăng trưởng gần đây đã mang lại.
Bà Alexandra Michat là Giám đốc Phát triển Bền vững của EXO Travel và là Quản lý của Tổ chức EXO. Năm 1993, EXO Travel trở thành công ty nước ngoài đầu tiên được cấp giấy phép hoạt động du lịch tại Việt Nam và kể từ đó, họ đã cung cấp các tour và trải nghiệm có trách nhiệm, nhằm giới thiệu với thế giới nền văn hóa và phong cảnh đa dạng, phong phú của Việt Nam và Đông Nam Á.
Alexandra nói: “Để xây dựng một ngành du lịch bền vững thì việc gia tăng số lượng du khách không thôi không có tác dụng. Việc đó chỉ làm tăng thêm áp lực lên cơ sở hạ tầng và môi trường, đe dọa đến nét quyến rũ - đặc điểm đầu tiên lôi cuốn du khách đến với một nơi như Việt Nam".
Các điểm đến phổ biến nhất của Việt Nam, đôi khi được gộp lại thành 5H - Hà Nội, Hạ Long, Huế, Hội An và Thành phố Hồ Chí Minh - đều nổi tiếng với bề dày văn hóa, lịch sử và vẻ đẹp tự nhiên vốn có. Alexandria nói: “Chính môi trường và di sản của những nơi này đã tạo nên sự khác biệt của Việt Nam và là những gì mà đại đa số khách hàng của chúng tôi muốn trải nghiệm”.
Bà tin rằng để bảo vệ những điểm đến này, Việt Nam nên từ bỏ mô hình dựa trên kết quả định lượng chỉ làm tăng các con số tuyệt đối, và thay vào đó bằng các thước đo định tính hơn, có tính đến các yếu tố khác, như sự hài lòng và ý kiến của du khách, bên cạnh các quan điểm quan trọng của người dân địa phương.
Alexandria nói: “Chúng tôi [EXO Travel] làm những gì có thể làm để khuyến khích một mô hình tăng trưởng hữu cơ và bền vững hơn, bằng cách hợp tác với các cơ sở lưu trú có trách nhiệm và các doanh nghiệp cũng coi trọng những điều tương tự - bảo vệ môi trường, sản phẩm có nguồn gốc địa phương và văn hóa”.
Bà nói thêm rằng đó không phải là con đường dễ dàng nhất nhưng điều quan trọng là phải hỗ trợ những người đang làm phần việc của họ trong việc bảo tồn bờ biển Việt Nam và tránh những nơi được xem là không bền vững. EXO Travel nghiên cứu và thiết kế các tour du lịch đáp ứng trực tiếp nhu cầu của khách, không chỉ về điểm đến và trải nghiệm mà còn theo hướng tận dụng vẻ đẹp độc đáo và vốn có của Việt Nam, tăng thêm giá trị cho các chuyến đi. Sự tập trung này thường làm tăng thời gian lưu trú và sự phân tán trên nhiều điểm đến, tự nhiên dẫn đến việc khách chi tiêu nhiều hơn.
Việc tăng cường tập trung vào những hoạt động liên quan đến động vật hoang dã, các chuyến đi xe đạp và đi bộ khám phá, cùng với sự hiện diện của văn hóa đích thực đã làm tăng giá trị cho kỳ nghỉ, và cho phép các quốc gia như Malaysia, Nepal và Ấn Độ chứng minh rằng bất kỳ sự sụt giảm nào về lượng khách du lịch đều có thể được bù đắp bằng lợi nhuận cao hơn. Việc hỗ trợ các ngành nghề khác cũng giúp xây dựng một nền kinh tế khỏe mạnh, tránh cho môi trường khỏi những nhu cầu không thể biện hộ được mà việc gia tăng các cơn số đơn thuần đòi hỏi.
Đại dịch COVID-19 đã nhấn nút khởi động lại du lịch toàn cầu và trong nước – và nếu có thể, cũng sẽ mất nhiều thời gian để mọi thứ trở lại với những con số tăng trưởng trước đây. Có lẽ bây giờ là lúc để thay đổi quỹ đạo và đón nhận sự thay đổi vì cơ hội cho một tương lai tốt đẹp và thịnh vượng hơn cho các vùng ven biển của Việt Nam.
Bình luận (0)