Tôm càng lóng - lá me non, cặp đôi không hẹn mà gặp, rồi “bén duyên”, do ý trời hay lòng người?
>> Mái tơ bỏ ngải chạy theo nghệ
>> Mùa cá heo trốn trăng...
>> 'Ru' cháo cắn không... la!
|
1. “Em tìm về chân đê, chút hương thầm lá cỏ. Cánh diều bay chấm nhỏ, chổ xa kia gọi về... Con kênh vài vạt cỏ, như đọng vào bát canh...” (Ánh mắt quê hương, Hoàng Phương). Chất giọng rặt Huế của ca sĩ Bảo Yến, như thủ thỉ kể về bao kênh rạch, sông nước Gò Công “chao nghiêng”, rồi gối đầu lên “cánh cò đồng mẹ”...
Và những cơn gió sông hiu hiu thổi, làm rung nhẹ chùm lá bần xòe bóng ven sông Vàm Cỏ, sát vách vựa cá chị Tẻ, cạnh bến đò Mỹ Điền băng ngang qua cù lao Long Hựu (huyện Cần Đước, tỉnh Long An). Chợt vài ngư dân áo vá chằng, da đen nhẻm hối hả mang từng túi tôm càng lóng vào vựa, thả lên cân. Họ lặn hụp bao chà (chất chà thành đóng lớn dưới bãi sông, dụ tôm cá vào trú ẩn rồi vây bắt khi thuỷ triều rút) hoặc thả lưới “mười hai cửa ngục” để bắt tôm. Cầm năm - bảy trăm ngàn đồng trong tay, ánh mắt cậu Nguyễn Văn Tám, ở xã Gia Thuận (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) vụt sáng - nẩy nở nhiều dự tính “sắm sửa” ngư cụ. Chợt cậu vỗ đùi ca thán: “Chết cha! Tao quên lửng! Bà già với con nhỏ út, khoái tô canh chua tôm càng lóng nấu lá me! Chia lại tao nửa ký tôm, tiện thể “cho mượn” nắm lá me Tẻ ơi!”
|
2. Trời Gò Công vẫn còn “nắng bể đầu”, dẫu “ổng” có rắc vài đợt mưa cỡ... nước cúng. Thế mà, những gốc me tơ, cao không quá tầm với người lớn, vẫn lún phún đọt non. “Giá một ký lá me non tới 30.000 - 40.000 đồng/mùa nghịch, nên nhiều người chịu khó tưới nước, dưỡng gốc me, bứt đọt bán suốt mùa lá đổ”, một chị phụ quán ở đây cho cho hay.
Nghĩ cũng lạ, một loại đọt vắt vẻo ở... lưng chừng trời, còn một giống giáp xác ưa chui rúc trong lùm - hốc, lại đẹp đôi tuyệt vời!
Có thể, mùi vị chua thơm thanh tân, hậu chan chát của “chàng” đọt me khiến những “nàng” tôm lóng đang khệ nệ ôm trứng, cứ nhớ đến là rung rung đôi râu dài, lim dim cặp lồi xanh đen... tương tư chăng?
Vả lại, lại tôm sông ưa bươn chải, nên thịt luôn chắc ngọt hơn so với tôm nuôi cùng loại. Khi còn búng tanh tách, mình tôm rắn rỏi, vỏ có màu xanh đậm hoặc nâu phèn. Còn đám tôm nuôi mình trắng nhạt và trông có vẻ yếu ớt hơn.
|
3. Lúc luộc lên, mình sông tôm nổi màu đỏ son thật đẹp mắt. Thịt tôm ngọt đậm, chắc dẻo, chấm thêm ít muối ớt hoặc nước mắm nhỉ thì còn gì bằng! Và cũng chẳng hiểu sao, cùng hàng tôm sông, nhưng thịt tụi càng lóng dưới dòng Cổ Chiên (nước ngọt), ở hai địa phận Vĩnh Long, Trà Vinh lại không ngọt đậm bằng tôm nước lợ (nước xà - hai) ở khúc sông Vàm Cỏ - Soài Rạp (huyện Cần Đước - Gò Công Đông). Có thể, do thổ nhưỡng và thức ăn tự nhiên của tôm ở mỗi nơi, quyết định chất lượng thịt tôm. Thế nên, nói “em” càng lóng nước “xà - hai” rất “môn đăng hổ đối” cùng “anh” lá me non là vậy.
Chợt: “Kịp... kịp... kịp!” Tiếng đôi chim bìm bịp hòa điệu vang vọng, từ khóm dừa nước cạnh quán, như nhắc nhở khách nhàn du: phút vui qua mau! Ngoài kia, từng lượt sóng trắng đục phù sa nhảy chồm chồm, nối đuôi nhau “bò” lên bãi cạn. Con nước lớn về, đẩy đưa gió ùa tới nhiều hơn! Mát rượi!
Húp thêm chén nước canh chan bún + nếm tí muối ớt, nghe thật khoan khoái. Mùi thơm chân nguyên của lá me, một lần nữa dịu dàng nâng đỡ mấy sợi ngọc trắng trong (bún) - trên những cánh đồng ướt mùi gió biển.
Cầu cho mùa mưa rớt nhanh, để đám càng lóng mẹ tranh thủ gieo trứng - nở con. Và những dáng me quê vụt thay áo mới. Để, giới mộ điệu bao món ngon dân dã, có cớ phóng về thăm!
|
Tấn Tri (thực hiện)
Bình luận (0)