Tốn 14.000 tỉ đồng vì kiểm tra chuyên ngành

21/09/2017 09:09 GMT+7

Việc kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cần sớm cải thiện bởi vẫn đang tiến hành chung chung, còn doanh nghiệp mất 30 triệu ngày công, 14.000 tỉ đồng mỗi năm.

Ngày 20.9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với Bộ Y tế về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Khác với các cuộc làm việc trước đây, buổi làm việc tại Bộ Y tế còn có sự tham gia của các hiệp hội ngành hàng, chuyên gia độc lập.
Mất 30 triệu ngày công
Sau khi nghe báo cáo ban đầu của Bộ Y tế với nhiều cụm từ sẽ quyết liệt, cố gắng... Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: “Tổ công tác muốn Bộ Y tế báo cáo rõ các con số chứ không nói chung chung kiểu sẽ làm, sẽ quyết liệt”.
“Ví dụ trong hơn 258.000 tờ khai thì tới đây Bộ Y tế sẽ giảm được bao nhiêu. Hay trong tổng chi phí 14.000 tỉ đồng mà doanh nghiệp (DN) phải bỏ ra mỗi năm để kiểm tra chuyên ngành thì việc giảm thủ tục của Bộ sẽ giúp DN tiết kiệm được bao nhiêu?”, ông Mai Tiến Dũng nêu dẫn chứng, đồng thời nhấn mạnh: “Nếu công bố được số liệu thì hãy nói, không thì thôi”.
Người đứng đầu công tác cũng truyền đạt, tinh thần của Thủ tướng với kiểm tra hàng hóa chuyên ngành là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cắt giảm thủ tục không cần thiết để giảm phiền hà cho DN. Theo thống kê, mỗi năm DN mất 30 triệu ngày công và hơn 14.000 tỉ đồng cho công tác này mà lượng phát hiện vi phạm chỉ chiếm 0,03% thì không hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết thêm trong năm 2016 có 300.000 lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành, thì con số thuộc ngành y tế là 128.000 lô. Nhưng trong số 0,03% lô hàng phát hiện vi phạm thì chỉ 20% buộc phải tái xuất hoặc tiêu hủy.
Ông nào có tâm tư thì doanh nghiệp lãnh đủ
Một bất cập khác được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ ra sau chuyến thị sát tại TP.Hải Phòng ngày 19.9 là việc kiểm tra chỉ diễn ra trên giấy tờ chứ không phải kiểm tra hàng hóa thật. “Vì container hải quan chưa mở thì sao kiểm tra được. DN thì bảo cán bộ chỉ xem hồ sơ và thu hơn 1 triệu đồng/bộ, còn hàng thật thì họ mang về Núi Trúc (Hà Nội) xét nghiệm và không rõ hàng xách tay hay lấy từ đâu. Như thế có cần thiết không? Đó là chưa kể kiểm tra bằng mắt thường, bằng cảm quan thì hôm nào mà ông có tâm tư gì là DN lãnh đủ”, ông Mai Tiến Dũng đặt vấn đề.
Minh họa thêm cho thực tế này, bà Nguyễn Thị Hồng Minh đến từ Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, cho biết để được kiểm tra hồ sơ, DN rất khó tiếp cận với cơ quan quản lý, thường mất khoảng hàng chục ngày và có khi không được trả lời. Nhưng nếu bỏ ra từ 5 - 10 triệu đồng/ bộ hồ sơ thông qua công ty dịch vụ thì rút ngắn còn 5 - 10 ngày.
Sẽ giảm từ 90 - 98% kiểm tra chuyên ngành
Trước thực tế trên, ông Mai Tiến Dũng cũng gợi ý nếu mặt hàng nào kiểm tra 3 lần mà không phát hiện thì không nên kiểm tra nữa, mà có thể chuyển qua hậu kiểm hoặc cho đi luồng xanh như hải quan đang áp dụng. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu các cục, vụ chuyên ngành khi giải trình phải đi thẳng vào vấn đề.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 5 nhóm hàng phải kiểm tra chuyên ngành mà Bộ Y tế đang thực hiện thì nhóm sản phẩm sữa công thức cho trẻ em là vẫn phải kiểm tra. “Nếu mặt hàng nào kiểm tra 3 lần trong năm mà không phát hiện thì sẽ không kiểm tra nữa. Chỉ kiểm tra với các lô hàng nghi vấn hoặc đến từ vùng đang có dịch. Với cách làm này, Bộ Y tế sẽ giảm khoảng 90% số lô hàng phải kiểm tra thủ tục chuyên ngành”, ông Phong khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng theo hướng này thì số lô hàng giảm kiểm tra có thể lên đến 98%. Tuy nhiên, theo ông Long, luật An toàn thực phẩm đang quy định với thực phẩm nhập khẩu thì 100% lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành, nên phải bỏ quy định này hoặc sửa luật. “Nói ra thì phải làm đúng nhé”, ông Mai Tiến Dũng lưu ý.
Góp ý cho việc giảm kiểm tra hàng hóa chuyên ngành, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư, nêu vấn đề trong một thủ tục có thể có mười mấy thủ tục “con”, thậm chí cả thủ tục “cháu”. Chỉ cần khác 1 dấu phẩy, 1 chữ viết hoa thì DN cũng có thể bị trả hồ sơ. Vì thế, cần quy định mẫu hồ sơ hợp lệ, hoặc quy định 1 - 3 ngày mà cán bộ không trả lời thì hồ sơ đương nhiên hợp lệ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.