Tồn kho không đến nỗi bi đát

16/10/2012 14:40 GMT+7

(TNO) Đó là khẳng định của ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công thương tại phiên thảo luận chiều nay 16.10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách 2012-2013.

>> Kiến nghị Chính phủ giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu
>> Bán tinh quặng sắt tồn kho để phục hồi môi trường
>> Tồn kho trên 8,5 triệu tấn than

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Công thương, tỷ lệ hàng tồn kho của các doanh nghiệp (DN) 9 tháng qua vẫn ở mức cao: lượng than tồn kho khoảng 8,9 triệu tấn; sắt, thép và gang tăng 40,6% so với cùng kỳ năm trước, nhiều nhà máy sản xuất cầm chừng với công suất từ 30 đến 45%.

Còn các nhóm hàng may trang phục, phân bón và hợp chất ni-tơ, sản phẩm khác từ nhựa, pin ắc-quy, dây điện và cáp điện, mô-tô, xe máy, sản xuất xe  có động cơ... tỷ lệ tồn kho tăng hơn 20%. Ðiều này gây khó khăn cho DN, ảnh hưởng tiêu cực tới việc phát triển sản xuất, kinh doanh, thu nhập của người lao động.

Tuy nhiên trước phiên thảo luận, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, quan điểm của Bộ Công thương không lạc quan tếu, nhưng tồn kho cũng không đến nỗi ách tắc. Xu thế các tháng cuối năm đã khởi sắc hơn, phần lớn các mặt hàng công nghiệp chế biến, đường sữa, phân bón, hóa chất, giấy… đến 9.2012 tồn kho tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, nằm trong khoảng an toàn tồn kho cho phép (tuy nhiên con số này đã được loại trừ sắt thép, xi măng).

Cụ thể, theo ông Tuấn, lượng phôi thép còn tồn kho 250.000 tấn, tương tự cán nguội 300.000 tấn, thép xây dựng 500.000 tấn - với mức tiêu thụ của thị trường hiện nay, và mức giải ngân xây dựng cơ bản cuối năm cũng không đến nỗi bi đát.

Ông Tuấn cho biết, hiện Bộ Công thương đang xây dựng giải pháp hành chính như rào cản để hạn chế nhập khẩu thép Trung Quốc, khi mặt hàng này phải trải qua kiểm nghiệm khắt khe, nhưng cơ bản để tháo gỡ cho DN trong nước thì các DN phải tiếp cận thị trường đổi mới công nghệ…

Cần kích hoạt thị trường bất động sản

Đó là khẳng định của ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết, khi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội 2012-2013 và ngân sách của Ủy ban thường vụ Quốc hội vào chiều nay 16.10.

Dự báo về tình hình kinh tế xã hội 2013, ông Hiển khẳng định nền kinh tế chỉ nhích lên, không đột biến do sức mua và thị trường chưa thể cải thiện, bên cạnh đó DN sau giai đoạn đình đốn, đổ vỡ chưa thể hồi phục ngay được. Vấn đề quan trọng sắp tới cần làm gì để giải quyết khó khăn, khi mà dư địa chính sách không còn nhiều như: việc miễn giảm, giãn thuế gặp phải áp lực thu ngân sách, bội chi giữ 2012...

Theo ông Hiển, hiện có ba nút thắt lớn gồm tồn kho, nợ xấu ngân hàng, và sức mua của thị trường thấp. Trong đó, điểm mấu chốt nhất phải mở rộng thị trường, cởi trói được thì sức mua khi đó sẽ giải phóng tồn kho, xử lý được nợ xấu.

“Phải kích hoạt thị trường ở điểm nào, thì cần tìm khâu quan trọng nhất, đó là thị trường bất động sản và việc đầu tư giao thông, thuỷ lợi. Vì nó liên quan rất nhiều ngành nghề khác”, ông Hiển nói.

Cũng theo lãnh đạo Ủy ban Tài chính ngân sách, ngoài kích bất động sản, đầu tư thì tiêu dùng của nhân dân khó khăn cũng là rào cản lớn vì vậy có thể tính tới tăng lương là cách để kích hoạt tiêu dùng.

Ngoài ra, bản thân ngân hàng cần thấy rằng cần tập trung cứu DN cũng là cứu mình, NH chỉ đưa ra giải pháp hạ lãi suất không đủ và không tối ưu mà phải thực hiện: Thứ nhất là khoanh nợ, nợ nào cho vay rồi do khó khăn thì khoanh cả gốc và lãi - tạo niềm tin cho DN; thứ hai là giãn nợ - không nên dồn vào cùng một lúc; thứ ba là mua lại nợ xấu, giải pháp này đòi hỏi phải có nguồn lực tài chính để mua nhưng phải mua hợp lý, tránh như mô hình một số công ty mua bán nợ đổ vỡ vì lợi dụng, tham nhũng, tiêu cực.

Ngoài ra, đưa thêm giải pháp về thuế, có thể giãn, giảm nhưng không phải trên diện rộng, mà lựa chọn địa chỉ có thể hồi phục, có điều kiện, có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiền. “Bằng các giải pháp tổng thể này, điểm đúng huyệt bất động sản có thể tạo điều kiện phát triển, để 2013 có sức phát triển mới”, ông Hiển nói.

Đồng tình quan điểm trên, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, cần phải sớm giải phóng hàng tồn kho, nợ xấu thông qua kích hoạt, giúp thị trường bất động sản hồi phục trở lại.

“Sáng nay Báo Thanh Niên đưa kiến nghị của nhiều chuyên gia, nếu cứ để tình trạng tồn đọng, dự án dang dở thì sẽ vô cùng nguy hiểm”, ông nói.

Anh Vũ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.