Tổng giám đốc đường sắt: 'Không đi thì không đến được'

Mai Hà
Mai Hà
10/08/2024 11:08 GMT+7

Theo ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, với sàn giao dịch vận tải hàng hóa chính thức vận hành, ngành đường sắt đặt mục tiêu 'phải làm, không đi thì không đến được'.

Hôm nay 10.8, sàn giao dịch vận tải hàng hóa đường sắt chính thức vận hành. Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), sàn giao dịch hàng hóa là trang web mở, các thông tin về vận chuyển hàng hóa bằng tàu hỏa công khai, minh bạch, khách hàng có nhu cầu vận chuyển sẽ dễ dàng tìm kiếm và chọn lựa hình thức vận chuyển phù hợp nhu cầu.

Tổng giám đốc đường sắt: 'Không đi thì không đến được'- Ảnh 1.

Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

M.H

Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc VNR, cho biết để triển khai phần mềm sàn giao dịch hàng hóa đường sắt, ngành đường sắt đã phối hợp với một số đối tác công nghệ để thực hiện đề án cả năm nay, nhằm đánh giá thị trường cũng như đưa tất cả thông tin lên sàn điện tử.

*Mục tiêu khi xây dựng sàn giao dịch hàng hóa điện tử của ngành đường sắt là gì, thưa ông?

- Ông Hoàng Gia Khánh: Mục tiêu lớn nhất khi đưa sàn giao dịch hàng hóa lên mạng là công khai, minh bạch, giúp khách hàng có nhu cầu dễ dàng tiếp cận hơn với việc gửi, nhận hàng hóa qua đường sắt. 

Trên sàn giao dịch công khai về giá, cung đường đi lại, nói một cách hình ảnh là mang "văn minh mới" của đường sắt để cho các khách hàng biết được thông tin và đăng ký vận chuyển.

*Trên thực tế, một số sàn giao dịch hàng hóa online trước đây không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. VNR có lường trước khó khăn này khi triển khai?

Mọi phương án đều phải có dự phòng, tại thời điểm ban đầu mục tiêu đưa lên sàn để tối ưu hóa, công khai, minh bạch. Nhưng còn những rủi ro khác hoặc hoạt động không hiệu quả, qua quá trình triển khai chúng tôi sẽ phải khắc phục, điều chỉnh. Nhưng cứ phải làm đã, không đi thì không đến được.

Hiện vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn của đường sắt có các khách hàng lớn và truyền thống. Các khách hàng lớn vẫn có thể làm theo phương thức truyền thống, hoặc có thể đăng ký trên sàn. 

Nói cách khác, đường sắt sẽ mở ra rất nhiều hướng lựa chọn cho khách hàng. Về nguyên tắc ưu tiên cho khách hàng truyền thống vì khi khó khăn, thuận lợi đều đồng hành cùng doanh nghiệp. Nhưng đường sắt công bố thông tin rộng rãi và công khai để các đối tác có nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam hoặc liên vận quốc tế đều được biết và cập nhật thông tin, được làm việc trực tiếp với tổng công ty mà không phải qua cầu trung gian.

Nhờ hệ thống phần mềm, hàng đi tới đâu đều sẽ được cập nhật, khách hàng biết được lộ trình và theo dõi luồng hàng.

*Vận tải hàng hóa đường sắt đang tăng trưởng khá tích cực nhưng tỷ trọng so với các lĩnh vực vận tải khác còn thấp. Ông có kỳ vọng sàn giao dịch sẽ tạo được cú hích gia tăng lượng hàng thời gian tới?

Công tác vận tải hàng hóa đã tăng trưởng rất tốt so với thời kỳ trước, đặc biệt liên vận quốc tế cũng phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, khi đưa ra sàn giao dịch, mong muốn lớn nhất là công khai minh bạch về giá, thời gian đi lại…

Tổng giám đốc đường sắt: 'Không đi thì không đến được'- Ảnh 2.

Tàu liên vận quốc tế chở hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc

VNR

Thứ hai, sẽ giảm các khâu trung gian, tổ chức triển khai thực hiện qua sàn, giúp lượng hàng vận chuyển bằng đường sắt tăng trưởng hơn, nhờ tăng lượng khách hàng mới, do sự tiện lợi.

Khách hàng ngồi nhà có thể giao dịch, chở bao nhiêu hàng qua ga nào, tuyến nào còn dư địa để chở. Cũng tương tự mua vé tàu online, trước đây khách hàng phải mua qua đại lý hoặc phải ra ga, nhưng ra đến nơi có khi lại hết vé. Nhưng vài năm trở lại đây sau khi áp dụng bán vé online, khách hàng có thể biết được toa nào, đoàn tàu nào còn trống, hạng ghế nào còn trống để đăng ký, giảm bớt thời gian và thủ tục, tăng tính minh bạch.

Đường sắt đang còn rất nhiều mục tiêu, dư địa có thể phát triển bằng nhiều hình thức khác nhau. Thời gian qua, chúng tôi đã nỗ lực cải tạo "mỗi khu ga là một điểm đến", cải tạo, nâng cao chất lượng đoàn tàu, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách trên tàu, dưới ga... nhờ đó thay đổi dần hình ảnh đường sắt trong mắt khách hàng theo hướng tích cực.

Về vận tải hàng hóa, ngành đường sắt tổ chức khai thác các luồng hàng mới nhằm gia tăng giá trị dịch vụ; thực hiện các giải pháp nâng cao sản lượng vận tải hàng liên vận quốc tế bằng đường sắt.

Nửa đầu năm, ngành đường sắt đã cải tạo, nâng cấp và đưa vào khai thác hoạt động liên vận quốc tế tại Cao Xá. Đồng thời, khai thác thêm các sản phẩm vận tải liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, quá cảnh qua Trung Quốc đi đến nước thứ 3 như Nga, châu Âu, Mông Cổ và các nước Trung Á.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.