Tại toạ đàm "Hàng không Việt Nam: thách thức và cơ hội" do Bộ GTVT tổ chức sáng nay, 11.12, Tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA) Dương Trí Thành nêu ví dụ, cứ mỗi chặng Hà Nội - TP.HCM dài thêm 5 phút vì hạ tầng quá tải, ảnh hưởng tới chất lượng và chi phí.
Đáng chú ý, dù chào mừng các hãng hàng không mới gia nhập thị trường, song lãnh đạo VNA cho rằng, “có những nguồn lực hàng không thuộc loại hiếm và thiếu, xã hội chưa sẵn sàng, chẳng hạn như phi công, những thông tin tranh giành phi công diễn ra cả năm vừa rồi. Việc một hãng lấy phi công của hãng khác không tạo ra cái gì mới trong xã hội mà chỉ làm đổ vỡ những kế hoạch có trước”.
Một câu hỏi đặt ra là tại sao thường xuyên bị kêu thị trường hàng không đang tăng trưởng nóng, nhưng cơ quan quản lý tiếp tục xem xét cấp phép cho các hãng bay mới ra đời?
Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, việc ra đời hãng hàng không mới là rất tốt, cho thấy thị trường Việt Nam có tiềm năng rất lớn và điều kiện phát triển. “Buồn nhất là không ai muốn thành lập hãng mới”, ông Thắng nói.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nêu ví dụ như Mỹ, dân số trên 300 triệu người, trong khi thị trường hàng không khoảng hơn 800 triệu hành khách/năm. Việt Nam có 87 triệu dân số, nhưng thị trường hàng không mới có 78 triệu khách/năm, tiềm năng còn rất lớn.
Dự báo đến 2025, thị trường hàng không của Việt Nam sẽ rơi vào khoảng 150 - 180 triệu hành khách. Với thị trường tiềm năng như thế, việc ra đời hãng hàng không mới là xu thế tất yếu.
“Chỉ xét về hãng hàng không vận tải hành khách và hàng hoá, không tính hàng không chung, Thái Lan hiện có 16 hãng, Singapore có 1 thành phố, 1 điểm mà có 6 hãng; Malaysia 10 hãng; Indonesia 20 hãng; Philippines 12 hãng, trong khi Việt Nam mới có 5 hãng, số lượng là rất khiêm tốn”, ông Thắng nói, và cho rằng tính cả 3 doanh nghiệp đang đề xuất thành lập hãng hàng không, gồm: Vinpearl Air, Kite Air và Vietravel Airlines, thì số lượng hãng hàng không của Việt Nam vẫn chưa bằng các nước xung quanh.
"Không hãng nào đói nếu làm ăn lành mạnh"
Tuy nhiên, ông Thắng cũng nhấn mạnh, có hãng hàng không mới nhưng phải “đảm bảo miếng bánh thị trường cho tất cả hãng đầy đủ. Miếng bánh thiếu, cạnh tranh sẽ không lành mạnh ngay. Tôi đảm bảo không hãng hàng không nào đói, nếu làm ăn lành mạnh”.
Những nút thắt về hạ tầng như quá tải tại Tân Sơn Nhất, thiếu nguồn nhân lực, theo ông Thắng, đang được giải quyết dần với các đề án xây dựng nhà ga T3, sân bay Long Thành hay việc thành lập các học viện hàng không của các hãng.
Nhìn từ khía cạnh kinh nghiệm các nước, theo GS Nawal Taneja, chuyên gia hàng không, tại nước Mỹ, sau khi không còn kiểm soát hàng không từ năm 1978, toàn bộ hãng giá rẻ ồ ạt ra đời. Tuy nhiên, tới nay, không một hãng bay giá rẻ nào tại Mỹ có thể tồn tại.
Vậy vấn đề đặt ra là thành lập hãng hàng không giá rẻ có đúng không? Liệu có phải hãng hàng không giá rẻ có thể dẫn dắt thị trường, muốn loại bỏ đối thủ, hay chỉ là hình thức cạnh tranh không lành mạnh mang tính phá hủy?, GS Nawal Taneja nêu câu hỏi và cảnh báo, hãy tới đất nước đã từng xảy ra thảm họa hàng không xem có chuyện gì xảy ra đằng sau câu chuyện bay giá rẻ.
Nhấn mạnh tới thị trường cạnh tranh lành mạnh, chuyên gia này cho rằng, để duy trì lợi ích tốt nhất giữa khách hàng, hãng hàng không và nền kinh tế, thì chính sách của Chính phủ phải cân nhắc các yếu tố về tài chính, hạ tầng và nhân lực.
Bình luận (0)