Ngày 22.9, tại Hội nghị giao ban báo chí quý 3/2020 của Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, trả lời câu hỏi của Báo Thanh Niên về quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam trước kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước dừng gửi 29.000 tỉ đồng tài chính tích lũy vào ngân hàng lấy lãi, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó ban Tài chính (Tổng LĐLĐ Việt Nam), cho hay: “Việc dùng tài chính tích lũy của công đoàn để gửi các ngân hàng thương mại được thực hiện theo quy định tại điều 27 của luật Công đoàn. Mục đích là để tạo nguồn lực đủ mạnh cho tổ chức công đoàn hoạt động, bởi tổ chức công đoàn đang thực hiện theo nhiệm vụ chính trị của Đảng giao. Nguồn tài chính gần 29.000 tỉ gửi ngân hàng không phải của 1 năm mà là của toàn bộ hệ thống tổ chức công đoàn tích lũy suốt từ khi có luật Công đoàn về thu phí công đoàn và công đoàn phí”.
Cũng theo bà Lan, trong số tiền tích lũy trên, công đoàn cơ sở đã chi 7.600 tỉ đồng cho người lao động vào dịp Tết Nguyên đán. Số còn lại của các công đoàn cấp trên, tổ chức công đoàn cũng đã quán triệt chi tiêu tiết kiệm. Hiện nguồn tài chính này đang được gửi tại 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước là: VCB, VietinBank, Agribank, BIDV để lấy tiền lãi nâng cao năng lực tài chính cho tổ chức công đoàn.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, những kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước cũng giúp Tổng LĐLĐ Việt Nam hoàn thiện hệ thống tài chính tốt hơn. “Qua báo cáo kiểm toán, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã nhận thấy hệ thống tài chính phải có sự thay đổi mạnh mẽ. Chúng tôi đã thành lập các bộ phận nghiên cứu, mời các chuyên gia... cho ý kiến nhằm xúc tiến thay đổi một cách căn bản về tình hình tài chính công đoàn, làm sao để hệ thống chỉn chu, tốt hơn. Tới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hơn để các cấp công đoàn tập trung nguồn lực chi tiêu cho phù hợp”, ông Hải khẳng định.
Bình luận (0)