Đây là chia sẻ của ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐVN, tại Hội nghị giao ban báo chí quý 3/2020 của cơ quan này chiều 22.9.
Trả lời câu hỏi về các khoản thu, chi tài chính công đoàn được phân bổ như thế nào, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó ban Tài chính (Tổng LĐLĐVN), cho biết qua tổng hợp báo cáo quyết toán từ năm 2013 đến nay (sau khi có luật Công đoàn), số chi tại các cấp công đoàn gần 77.000 tỉ đồng.
Trong đó, số chi nhiều nhất là tại công đoàn cơ sở với trên 56.300 tỉ đồng, chiếm 73,2%. Số chi tại cấp quận, huyện và đơn vị sự nghiệp là gần 11.700 tỉ đồng, chiếm 15,2%; gần 8.400 tỉ đồng chi cho công đoàn cấp tỉnh, thành phố, chiếm 10,9%; và chi tại cấp Tổng LĐLĐVN là 576 tỉ đồng, chiếm 0,7%.
“Sau khi có luật Công đoàn, Tổng LĐLĐVN đã điều chỉnh giảm chi tại các cấp trên để tập trung chi cho cấp dưới, đặc biệt là cấp công đoàn cơ sở chiếm 81,5%. Các khoản chi tập trung cho chăm lo, bảo vệ lợi ích cho đoàn viên, người lao động (NLĐ), còn lại là chi lương, phụ cấp, quản lý hành chính. Ngoài ra, công đoàn cấp trên vẫn thực hiện chi gián tiếp cho NLĐ thông qua các hoạt động đào tạo bồi dưỡng NLĐ ưu tú, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch cho NLĐ; động viên khen thưởng NLĐ và con NLĐ có thành tích xuất sắc trong học tập và công tác", bà Lan thông tin thêm.
Hàng chục nghìn tỉ kết dư đang gửi tại 4 ngân hàng
Đáng chú ý, liên quan đến khoản tiền 29.000 tỉ đồng tài chính tích lũy vào ngân hàng lấy lãi, bà Lan giải thích: “Việc dùng tài chính tích lũy của công đoàn để gửi các ngân hàng thương mại được thực hiện theo quy định. Mục đích là để tạo nguồn lực đủ mạnh cho tổ chức công đoàn hoạt động, bởi tổ chức công đoàn đang thực hiện theo nhiệm vụ chính trị của đảng giao. Nguồn tài chính tích lũy gần 29.000 tỉ, tuy nhiên, nguồn tài chính tích lũy này không phải của 1 năm mà là của toàn bộ hệ thống tổ chức công đoàn suốt từ khi có luật Công đoàn về thu phí công đoàn”.
Cũng theo bà Lan, trong số tiền tích lũy trên, công đoàn cơ sở đã chi 7.600 tỉ đồng cho NLĐ vào dịp tết Nguyên đán. Số còn lại của các công đoàn cấp trên, tổ chức công đoàn cũng đã quán triệt chi tiêu tiết kiệm.
“Nếu năm nay số chi không dùng hết sẽ được tích lũy để sang năm tiếp tục chi. Bên cạnh đó, đầu năm, khi chưa thu được phí công đoàn và đoàn phí công đoàn, thì công đoàn tiền tích lũy để chi cho hoạt động công đoàn, số còn lại sẽ được Tổng LĐLĐVN phát huy để gửi tiền tiết kiệm để lấy tiền lãi nâng cao năng lực tài chính cho tổ chức công đoàn”, bà Lan nói, và cho biết nguồn tài chính này đang được gửi tại 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước là: VCB, Vietinbank, Agribank, BIDV.
Riêng khoản thu 11,3 tỉ đồng chương trình Tết sum vầy, bà Lan thừa nhận khoản tiền này có huy động từ nguồn xã hội hóa để thêm vào nguồn tài chính chi cho NLĐ vào dịp tết. Theo kết luận của kiểm toán về việc phải thanh tra, Tổng LĐLĐVN đã tổ chức đoàn thanh tra và có kết luận về nội dung này.
Thành lập bộ phận nghiên cứu thay đổi căn bản về tài chính công đoàn
Ông Trần Thanh Hải cũng nhìn nhận: “Qua quá trình kiểm toán giúp Tổng LĐLĐVN hoàn thiện hệ thống tài chính tốt hơn. Việc công khai, minh bạch các khoản thu, chi là hết sức cần thiết và chúng tôi sẽ làm tốt hơn nữa trong thời gian tới. Công đoàn không thể đứng trên, đứng ngoài quy định pháp luật. Có thể những quy định đó chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được thì sẽ hoàn thiện để đáp ứng”.
Ngoài những kiến nghị mà đoàn kiểm toán đã nêu, ông Hải cho biết, Tổng LĐLĐVN cũng đã nhận thấy hệ thống tài chính phải có sự thay đổi mạnh mẽ.
“Không có chuyện tổ chức công đoàn mong muốn ở dưới cơ sở chi ít, cấp trên chi nhiều. Chúng tôi đã thành lập các bộ phận nghiên cứu, mời các chuyên gia,... cho ý kiến nhằm xúc tiến thay đổi một cách căn bản về tình hình tài chính công đoàn, làm sao để hệ thống chỉnh chu tốt hơn. Tới đây, Tổng LĐLĐVN tiếp tục hoàn thiện hơn để các cấp công đoàn tập trung nguồn lực chi tiêu cho phù hợp”, ông Hải khẳng định.
Bình luận (0)