Tự động phát
Đoạn video quay lại cảnh này được đăng trên một kênh tin nhắn Telegram, được cho là nguồn tin thân cận với đội ngũ truyền thông của chính phủ Belarus.
Ông Lukashenko đến Dinh Độc lập sau khi nhiều người biểu tình tập trung gần khu vực cổng vào dinh. Khu vực dinh đã bị phong tỏa, có sự xuất hiện của vòi rồng, cảnh sát chống bạo động.
|
Sự việc diễn ra trong lúc hàng chục ngàn người biểu tình tràn ra thủ đô Minks kêu gọi Tổng thống Lukashenko từ chức. Bộ Quốc phòng Belarus nói binh sĩ sẽ bảo vệ các đài tưởng niệm, gọi người biểu tình là “những kẻ phát xít”, đe dọa nếu họ có hành vi vi phạm an ninh trật tự quanh các tượng đài thì “LỰC LƯỢNG QUÂN ĐỘI SẼ GIẢI QUYẾT CHỨ KHÔNG PHẢI CẢNH SÁT NỮA”.
Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra khắp Belarus từ sau kì bầu cử tổng thống hôm 9.8. Người biểu tình cho rằng kết quả đã bị gian lận.
|
Đối thủ của ông Lukashenko, bà Sviatlana Tsikhanouskaya, đã đến Lithuania lánh nạn vì lý do an ninh. Tuy nhiên, hôm 22.8, bà khẳng định sẽ không từ bỏ nhiệm vụ.
“Tôi hiểu rằng tôi được an toàn ở đây nhưng tất cả những người bỏ phiếu cho tôi, hiện ở Belarus và những người đang tiếp tục biểu tình, những người hiện đang đấu tranh, họ cần tôi là biểu tượng”, bà Sviatlana Tsikhanouskaya nói trong cuộc phỏng vấn với Reuters.
|
Ngày 23.8, Nga, một đồng minh quyền lực của Belarus, ra lời chỉ trích quyết liệt nhất với bà Tsikhanouskaya. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lên án bà cố tình gây bất ổn và cho rằng các tuyên bố của bà nhằm làm thỏa mãn phương Tây.
Ông nói không có cách nào để chứng minh ông Lukashenko đã không thắng cử, do không có nhà quan sát quốc tế nào hiện diện.
Trong khi đó, Tổng thống Lukashenko có vẻ lo lắng tìm chiến lược giải quyết tình trạng biểu tình. Ông liên tục chỉ trích phương Tây can thiệp, khẳng định các cuộc biểu tình được Mỹ hậu thuẫn và lên án NATO tăng cường triển khai quân đội ở Ba Lan và Lithuania gần biên giới phía tây của Belarus. NATO đã phủ nhận cáo buộc này.
Bình luận (0)