Nhân dịp này, để đánh giá các chính sách của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) trong năm qua, Thanh Niên đã phỏng vấn TS Timothy R.Heath (chuyên gia nghiên cứu cấp cao, Tổ chức RAND, Mỹ) và ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy tại Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử).
Chưa đủ hiệu quả ?
Ông đánh giá thế nào về chính sách của Mỹ đối với Indo-Pacific trong năm đầu tiên Tổng thống Joe Biden tại nhiệm?
TS Timothy R.Heath: Chính sách của Tổng thống Biden đối với Indo-Pacific nhấn mạnh nhiều hơn vào các liên minh và quan hệ đối tác để giải quyết các mối đe dọa như Covid-19 và để cân bằng quyền lực của Trung Quốc. Ông cũng đã giảm bớt những luận điệu mang tính kích động thường thấy dưới thời người tiền nhiệm, đồng thời đề nghị hợp tác để giải quyết một số mối đe dọa chung. Cách tiếp cận này đã củng cố vị thế của Mỹ ở Indo-Pacific, đồng thời giảm căng thẳng trực tiếp với Trung Quốc. Tuy nhiên, Tổng thống Biden không nhận được sự ủng hộ của dư luận Mỹ khiến chính sách của ông có thể bị thay đổi.
Chiến hạm Mỹ trong một lần hoạt động ở Biển Đông vào tháng 10.2021 |
US Navy |
Ông Carl O.Schuster: Các chính sách của Tổng thống Biden ở Indo-Pacific có chủ đích tốt nhưng thiếu sự phối hợp và không nhất quán, dù một số chính sách đã thể hiện sự mạnh mẽ. Ví dụ, sau vụ tàu Trung Quốc giữa tháng 11.2021 đã dùng vòi rồng tấn công tàu công vụ Philippines ở Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo Bắc Kinh rằng việc tấn công vào một tàu công vụ của Philippines sẽ có thể được viện dẫn theo Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Washington với Manila. Cảnh báo của Ngoại trưởng Blinken đã ngăn Trung Quốc lấn tới. Tuy nhiên, cũng trong năm qua, Washington đã quyết định không bán máy bay chiến đấu hiện đại cho Manila.
Ngoài ra, chính sách của Washington dưới thời ông Biden gần như tập trung vào các hoạt động quân sự. Trong khi đó, ngoài vấn đề quân sự, Trung Quốc còn sử dụng viện trợ, đầu tư và thương mại để tạo dựng ảnh hưởng ngoại giao và đòn bẩy kinh tế tại Đông Nam Á. Mỹ đã chưa hiệu quả trong các chính sách hỗ trợ thương mại các nước châu Á nhằm thay thế vai trò của Trung Quốc. Nhìn chung, Nhà Trắng cần phát triển một chương trình toàn diện và nỗ lực nhất quán để đổi mới và tăng cường quan hệ với châu Á.
Không có nhiều thay đổi
Vậy ông nghĩ các chính sách sắp tới của Mỹ đối với Indo-Pacific sẽ như thế nào?
TS Timothy R.Heath: Sắp tới, chính quyền của Tổng thống Biden có thể sẽ tiếp tục tập trung vào cách tiếp cận cân bằng như trên, bao gồm hợp tác với các đồng minh, đối tác và “cạnh tranh có trách nhiệm” với Bắc Kinh như xây dựng quân đội và hỗ trợ nghiên cứu, phát triển để thúc đẩy lợi thế công nghệ của Mỹ. Cách tiếp cận này mang lại sự ổn định và giảm nguy cơ xảy ra khủng hoảng liên quan Trung Quốc, điều mà tôi nghĩ là có lợi cho lợi ích của Mỹ.
Ông Carl O.Schuster: Năm 2022 diễn ra bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, nên Nhà Trắng sẽ không khởi động bất kỳ chương trình hoặc sáng kiến lớn mới nào. Tuy nhiên, Nhà Trắng sẽ cố gắng tăng cường các chuyến thăm ngoại giao tới châu Á. Washington có thể sẽ tăng cường hợp tác với Đài Loan, nhưng theo cách rất thận trọng và có tính toán. Có thể không có thêm quan chức cấp cao Mỹ đến thăm Đài Loan trong năm 2022, nhưng việc cung cấp vũ khí của Washington cho Đài Bắc sẽ tăng lên.
Các hoạt động và chính sách quân sự của Mỹ phần lớn sẽ không thay đổi. Washington sẽ mở rộng việc huấn luyện cho lực lượng quân sự của Đài Loan, thậm chí việc huấn luyện có thể diễn ra trên đất Mỹ.
Về mặt kinh tế, năm 2022, Mỹ không dành nhiều công sức để đàm phán các hiệp định thương mại song phương hay đa phương, vì là năm có bầu cử giữa kỳ nên chính quyền thận trọng trong việc thương thảo các hiệp định thương mại vốn dễ gây phản ứng.
Tổng thống Biden khẳng định thành tựu dù tỉ lệ tín nhiệm giảm |
Trung Quốc không chú trọng vượt Mỹ về kinh tế ?
Tờ South China Morning Post ngày 19.1 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành nhấn mạnh Trung Quốc nên chú trọng hơn vào việc vượt qua Mỹ về cải thiện cuộc sống của người dân, đóng góp tích cực cho thế giới, thay vì theo đuổi mục tiêu trở thành nền kinh tế số 1 của thế giới.
“Vượt Mỹ về GDP, chúng ta không quan tâm và đó không phải điều chúng ta đang theo đuổi. Điều đảng Cộng sản Trung Quốc hướng đến là đáp ứng khát vọng của người dân về một cuộc sống tốt hơn”, ông Lạc phát biểu tại một diễn đàn ở Bắc Kinh ngày 18.1.
Một số chuyên gia dự đoán Trung Quốc có thể vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030.
Minh Trung
Bình luận (0)