Đây là nhận định của tờ Internationl Business Times. Tổng thống Barack Obama đến thăm chỉ vài tháng sau khi Việt Nam cùng các quốc gia khác ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - hiệp ước thương mại quốc tế lớn được thiết kế một phần để giúp các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận sâu hơn vào thị trường châu Á - Thái Bình Dương.
Thời gian qua, quan hệ Việt Nam và Mỹ, hai nước từng đứng hai đầu chiến tuyến, thắt chặt đáng kể khi ông Obama đã và đang cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây nhờ sản xuất và xây dựng mở rộng nhanh chóng, nhu cầu nội địa và đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tăng mạnh. GDP quốc gia Đông Nam Á tăng 6,7% trong năm 2015 và đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong vòng bảy năm qua, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức vào tháng 4, ông được giao nhiệm vụ duy trì tăng trưởng kinh tế trong 5 năm kế tiếp. Theo kế hoạch mới của Đảng cho giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế cả nước sẽ mở rộng trung bình khoảng 7% mỗi năm.
Nông dân ở ngoại thành Hà Nội đang thu hoạch - Ảnh: AFP
|
Nguyen Xuan Thanh, học giả tại Kennedy School of Government của Đại học Harvard kiêm giám đốc chương trình Chính sách Công tại trường Fulbright ở TP. HCM cho hay trên Bloomberg: “Việt Nam cần thể hiện rằng đất nước hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại và là nền kinh tế ổn định trong khu vực. Họ cần duy trì tăng trưởng và tạo ra việc làm. Mức tăng trưởng dưới 7% sẽ là rất thất vọng”.
Chỉ vài năm nữa, TPP sẽ tạo ra một cú hích bền vững cho kinh tế Việt Nam bằng cách giảm đáng kể thuế để xuất khẩu điện thoại, hàng may mặc và hàng tiêu dùng. Viện Peterson ở Washington (Mỹ) gần đây ước tính TPP có thể thúc đẩy GDP Việt Nam tăng đến 8,1% vào năm 2030, biến đất nước thành người hưởng lợi lớn nhất từ thỏa thuận thương mại.
Nhân viên làm việc trong văn phòng Lozi, hãng startup công nghệ ở Hà Nội. Khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ hiện nổi bật tại Việt Nam. Nhiều quỹ đầu tư tư nhân nước ngoài đang đặt cược vào tiềm năng khối óc những người trẻ Việt tài năng - Ảnh: Reuters
|
Hiện tại, các nước tham gia TPP vẫn cần hoàn thiện và phê chuẩn các thỏa thuận thương mại tự do - một quá trình có thể tốn nhiều năm đàm phán khó khăn. Tuy vậy, chính quyền ông Obama cho hay thỏa thuận nếu hoàn tất sẽ thiết lập tiêu chuẩn cao hơn cho thương mại toàn cầu. Các nhà quan sát khác thì xem TPP như một chiến thuật địa chính trị rộng lớn, thúc đẩy liên kết kinh tế giữa Mỹ và châu Á khi Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh hơn trong khu vực.
Thời điểm Tổng thống Mỹ đến Việt Nam sắp tới cũng mang nhiều ý nghĩa: Chiến tranh Việt Nam kết thúc cách đây 41 năm vào cuối tháng 5. Hai nước bình thường hóa quan hệ 20 năm sau đó, vào cuối năm 1995 dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton - Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam. Năm 2006, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush cũng từng đến thăm nước ta.
Chuyến thăm Việt Nam là một phần của lịch trình thăm châu Á lớn của ông Obama, kéo dài từ ngày 21 đến 28.5. Tổng thống Mỹ sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản và gặp gỡ song phương với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Bình luận (0)