Tổng thống Pháp Macron lại đề cập chuyện 'đảm bảo an ninh cho Nga'
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhắc lại niềm tin của ông rằng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ không tránh khỏi kết cục giải quyết trên bàn đàm phán. Do đó, ông cho rằng phương Tây hay cụ thể là NATO sẽ phải đưa ra các đảm bảo an ninh không chỉ cho Kyiv mà còn cho cả Moscow để đảm bảo được nền hoà bình lâu dài.
Tự động phát
Ông Macron nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh TF1 và LCI hôm 20.12 rằng: “Ngày hoà bình sẽ phải liên quan đến các cuộc thảo luận. Đầu tiên và quan trọng nhất là đảm bảo cho Ukraine việc toàn vẹn lãnh thổ, an ninh lâu dài. Nhưng cũng phải quan tâm đến Nga với tư cách là một bên tham gia hiệp ước đình chiến và tái thiết lập hoà bình”.
Ông Macron lần đầu tiên lên tiếng về ý tưởng “đảm bảo an ninh” cho Nga vào đầu tháng 12.
Ông cho rằng một trong những “điểm cốt yếu” mà NATO phải giải quyết là mối lo ngại của Nga rằng khối quân sự này “đến ngay trước cửa và triển khai những vũ khí có thể đe dọa Nga”.
Những bình luận của ông đã gây ra một loạt chỉ trích không chỉ từ Kyiv mà còn từ các thành viên EU như Ba Lan, Slovakia và các quốc gia vùng Baltic.
Các nhà ngoại giao Pháp đã cố gắng giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng bằng cách nhấn mạnh rằng các bình luận phải được hiểu trong ngữ cảnh, còn chính ông Macron kêu gọi các đồng minh châu Âu không "tạo ra tranh cãi từ chỗ không có".
Trong cuộc phỏng vấn mới nhất, ông Macron kêu gọi những người chỉ trích ông nên giải thích xem họ có những lựa chọn nào để thay thế phương án đàm phán với Nga.
Ông Macron nói rằng: “Những người đang từ chối chuẩn bị cho khả năng đàm phán với Nga, thì điều mà họ đang đề xuất là chiến tranh toàn diện. Nó sẽ bao gồm toàn bộ lục địa này”.
Tháng 12 năm ngoái, Nga đã đưa ra danh sách các yêu cầu an ninh với Mỹ và NATO, yêu cầu phương Tây áp đặt lệnh cấm Ukraine gia nhập khối quân sự, đồng thời nhấn mạnh rằng NATO nên rút lui về biên giới năm 1997 trước khi bắt đầu mở rộng.
Vào tháng 1, Mỹ và NATO đã từ chối đề nghị này, và nói rằng sẽ chỉ quan tâm đến các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí chiến lược.
Kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine leo thang vào tháng 2, NATO cũng đang chào đón Thụy Điển và Phần Lan vào liên minh quân sự, mặc dù việc mở rộng vẫn chưa được hoàn tất.
Bình luận (0)