Bước vào nhiệm kỳ thứ hai đến nay đã 5 tháng, Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp muốn xây dựng di sản của mình, nhưng dường như không chắc nên đi theo con đường nào. Ông đã hứa hẹn về "một kỷ nguyên mới" khi tái đắc cử vào tháng 4, nhưng những giới hạn mới về quyền lực của ông và các cuộc khủng hoảng liên tiếp đã đẩy ông đi chệch khỏi chương trình nghị sự, theo The New York Times (NYT).
Ở tuổi 44, ông Macron vạch ra một chương trình nghị sự tham vọng: xây dựng một nước Pháp mới nằm ở trung tâm của một châu Âu mạnh mẽ và tự chủ, độc lập với Mỹ, không còn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, không còn sợ phe cực hữu lên nắm quyền - một quốc gia có thể tự định đoạt số phận của mình trong thế kỷ 21.
"Tôi bị ám ảnh bởi một điều. Tôi tin rằng bổn phận của chúng ta đối với con cái là để chúng có quyền tự do lựa chọn như chúng ta. Đó là quản trị tốt. Nếu lựa chọn của bạn ngày mai bị giới hạn bởi lựa chọn của bạn hôm nay, bạn đã thất bại", ông Macron nói trong cuộc trò chuyện với một số nhà báo tháng này.
Tuy nhiên, các mối đe dọa bên ngoài và bên trong đối với sự tự do đó ngày càng gia tăng. Nhà lãnh đạo tương lai của châu Âu phải đối mặt với một châu lục đang được thiết lập lại cấu hình. Trọng tâm của nó đã dịch chuyển về phía đông, và nó đang sống trong bóng tối của mối đe dọa chiến tranh hạt nhân, dù xa xôi.
"Chúng ta không muốn chiến tranh thế giới xảy ra", ông Macron nói trên Twitter mới đây, sau một cuộc phỏng vấn trên truyền hình kéo dài một giờ đồng hồ, trong đó ông nhấn mạnh rằng "bất cứ khi nào cần thiết, tôi sẽ nói chuyện với (Tổng thống Nga) Vladimir Putin".
Ông Macron tại triển lãm Paris Auto Show ngày 17.10 |
reuters |
Thách thức trong nước
Ở trong nước, mô hình chủ nghĩa phổ quát của Pháp - dựa trên ý tưởng rằng xã hội sẽ cung cấp cơ hội bình đẳng và bảo vệ phúc lợi cho mọi công dân, không phân biệt dân tộc hay tôn giáo - đã bị thách thức bởi những rạn nứt trong xã hội, đại dịch và khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Ông Macron đã nói về một "thời đại có nhiều biến động lớn lao".
"Ông ấy suy yếu, nhưng tôi không tin rằng tham vọng của ông ấy nhỏ đi. Ông ấy vẫn nghĩ mình là người duy nhất ở Pháp có những ý tưởng chiến lược và táo bạo", Alain Duhamel, nhà bình luận chính trị kiêm tác giả sách, nhận xét về tổng thống Pháp với NYT.
Song liệu đất nước có thể thay đổi được không? Ông Duhamel nói: "Nước Pháp có 150 sắc thái của sự bất mãn. Câu hỏi đặt ra là liệu sự u sầu bi quan hay sự giận dữ thiêu đốt sẽ chiếm ưu thế".
Phong trào đình công trong ngành lọc hóa dầu đã kết tinh sự bất bình trong nước vì những tác động nghiêm trọng: tình trạng thiếu xăng ảnh hưởng đến hơn 60% hộ gia đình Pháp, lạm phát gia tăng, lợi nhuận của công ty dầu tăng cao trong khi người dân phải chật vật xoay xở hằng ngày.
Phe đối lập đã chớp lấy thời cơ. Jean-Luc Mélenchon, nhà lãnh đạo cánh tả luôn muốn lật đổ ông Macron, đã dẫn đầu hàng chục nghìn người biểu tình vì "chi phí sinh hoạt tăng cao". Ông đã kêu gọi đám đông nhìn vào tấm gương là những phụ nữ vì bất bình trước việc giá bánh mì tăng cao mà đã tuần hành ở Versailles vào tháng 10.1789, dẫn đến cuộc cách mạng nổi tiếng trong lịch sử Pháp cũng như thế giới.
Một số chuyện đã nằm trong dự liệu vì nhiệm kỳ thứ hai đối với một tổng thống Pháp là rất hiếm - ông Macron người đầu tiên trong hai thập kỷ - và nói chung là không vui vẻ. Ông Macron muốn tránh đi vào vết xe đổ của những người tiền nhiệm như Jacques Chirac và François Mitterrand. Cơn ác mộng của ông là chính trị gia theo đường lối dân tộc chủ nghĩa Marine Le Pen sẽ trở thành người kế nhiệm ông. Đảng của bà Le Pen, National Rally, hiện nắm giữ 89 ghế trong quốc hội 577 ghế.
"Nếu bà Le Pen lên nắm quyền sau ông Macron, đó sẽ là một thất bại", Philippe Labro, nhà bình luận kiêm tác giả sách, bày tỏ quan điểm.
Dù vậy, điều gì định nghĩa thành công lại là một vấn đề khác.
"Không có một đường thẳng nào rõ ràng. Nhiệm kỳ thứ hai này vẫn chưa thể giải mã được. Ông Macron chưa tìm ra cách mà ông ấy muốn được nhớ đến", Chloé Morin, nhà khoa học chính trị, nói với NYT.
Tổng thống Pháp Macron nói sẽ không dùng vũ khí hạt nhân nếu Ukraine bị tấn công hạt nhân |
Dẫn dắt châu Âu
Có vẻ như cứ hai ngày một lần, ông Macron lại nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine, hứa hẹn về sự hỗ trợ của Pháp đồng thời cảnh báo không nên leo thang xung đột. Tháng trước, ông bay thẳng từ New York, nơi ông cảnh báo Liên Hiệp Quốc về việc lựa chọn giữa "chiến tranh và hòa bình", đến Saint-Nazaire trên bờ biển Đại Tây Dương của Pháp, nơi ông ca ngợi các tuabin điện gió.
Ông Macron đứng bên cạnh ông Zelensky tại Kyiv ngày 16.6 |
reuters |
"Nếu chúng ta vừa muốn tự chủ vừa muốn chống biến đổi khí hậu, chúng ta cần sản xuất nhiều điện hơn trên đất châu Âu. Vì vậy, chúng ta cần nhiều năng lượng hạt nhân hơn, nhiều năng lượng tái tạo hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn", ông Macron nói trong cuộc trò chuyện với các nhà báo.
Song Đức đã chọn loại bỏ dần điện hạt nhân, ngay cả khi Berlin vẫn còn do dự về số phận của một số lò phản ứng cuối cùng tại nước này. Dẫn dắt Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 quốc gia đang có nhiều rạn nứt chưa bao giờ là điều dễ dàng.
Kể từ khi bà Angela Merkel không còn là thủ tướng Đức, ông Macron dường như là ứng viên hàng đầu để đảm nhận vai trò dẫn dắt EU, nhấn mạnh rằng tập thể EU phải là một "cường quốc" trên thế giới, đi theo con đường riêng của mình bên cạnh Mỹ và Trung Quốc, trong khi vẫn là một đồng minh NATO.
Pháp bị thuộc địa cũ Mali tố cáo vi phạm chủ quyền |
Song ông Macron tin tưởng rằng cuối cùng Nga phải có được một vị trí trong cấu trúc chiến lược mới của châu Âu và điều này đã dẫn đến những nghi kị ở Washington. Các cuộc trò chuyện thường xuyên giữa ông với Tổng thống Putin khiến nhiều người nhướng mày. Nhà lãnh đạo Pháp cũng cho rằng Mỹ đang đối đầu quá mức với Trung Quốc, chính sách mà ông tin rằng đã đẩy Bắc Kinh về phía Moscow.
Một điều chắc chắn: Ông Macron sẽ vẫn là một "kẻ phá bĩnh", theo NYT. Đối với ông, "sự chấm dứt của tình trạng thừa mứa" giờ đây ảnh hưởng đến một thế giới đang mất ổn định bởi khoảng trống quyền lực hình thành sau sự rút lui của Mỹ. Sẽ là vô trách nhiệm nếu không nhìn nhận lại mọi thứ, từ trật tự chiến lược đến việc xây dựng một châu Âu phi carbon, theo tổng thống Pháp.
Bình luận (0)