Tổng thống Philippines củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ

02/05/2023 07:57 GMT+7

Chuyến công du của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đến Mỹ lần này được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố quan hệ đồng minh giữa hai nước.


Ngày 1.5 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng. Cuộc gặp là tâm điểm trong chuyến công du của Tổng thống Marcos Jr. đến Mỹ trong 4 ngày bắt đầu từ ngày 30.4. Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Philippines từ tháng 6.2022, đây là lần thứ 2 Tổng thống Marcos Jr. gặp người đồng cấp Biden tại Mỹ. Vào tháng 9.2022, hai nhà lãnh đạo cũng đã có cuộc gặp tại New York (Mỹ).

Philippines: Cho phép Mỹ tiếp cận căn cứ quân sự, nhưng không phải cho ‘hành động tấn công’

Củng cố "liên minh quan trọng"

Ngay trước khi khởi hành, Reuters dẫn lời ông Marcos Jr. phát biểu ngày 30.4 cho hay cuộc gặp với Tổng thống Biden là cần thiết cho việc thúc đẩy lợi ích quốc gia của Philippines và củng cố "liên minh quan trọng" giữa Manila và Washington. Manila cũng chuyển đến thông điệp quyết tâm củng cố "quan hệ bền chặt hơn nữa" với Washington để "giải quyết các mối quan tâm của thời đại", bao gồm các vấn đề liên quan kinh tế.

Tổng thống Philippines củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ - Ảnh 1.

Tổng thống Biden tiếp Tổng thống Marcos Jr. tại New York vào tháng 9.2022

Reuters

"Trong chuyến thăm này, chúng tôi tái khẳng định cam kết thúc đẩy liên minh lâu đời của chúng tôi như một công cụ hòa bình và là chất xúc tác cho sự phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như đối với phần còn lại của thế giới", Tổng thống Marcos Jr. thông tin.

Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh hai nước đang tăng cường hợp tác, đặc biệt về an ninh quốc phòng. Hồi tháng 2, Manila đồng ý cho quân đội Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự của Philippines, nằm trong thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) mở rộng được hai bên công bố. Bên cạnh đó, Mỹ cùng với Philippines và Nhật Bản dự kiến triển khai lực lượng quân sự tuần tra chung ở Biển Đông.

Mỹ cam kết sát cánh bảo vệ Philippines trước hành động của Trung Quốc

Washington và Manila cũng đang xem xét triển khai lực lượng tuần duyên để tuần tra chung ở Biển Đông - một động thái được giới chuyên gia nhận định là nhằm đối phó chiến lược vùng xám mà Trung Quốc thực thi ở Biển Đông trong những năm qua. Liên quan vấn đề này, Đài ABS-CBN (Philippines) hôm qua (1.5) đưa tin một chỉ huy của tuần duyên Philippines cho biết lực lượng này ủng hộ kế hoạch tuần tra chung với tuần duyên Mỹ ở Biển Đông.

Nỗ lực từ cả hai phía

Trả lời Thanh Niên ngày 1.5, TS Chester B.Cabalza (Chủ tịch Tổ chức nghiên cứu phát triển quốc tế và hợp tác an ninh, Philippines) nhận định cuộc gặp của Tổng thống Marcos Jr. với người đồng cấp chủ nhà ở Washington có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ đồng minh giữa hai nước.

"Đối với Philippines, đây là thời điểm để Tổng thống Marcos Jr. đảo ngược chính sách đối ngoại của Philippines vốn có dấu hiệu xoay trục sang Trung Quốc dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte. Đây là cơ hội quan trọng để Tổng thống Marcos Jr. thúc đẩy hợp tác kinh tế và an ninh giữa Manila với Washington", vị chuyên gia phân tích và nhận định: "Các chi tiết của liên minh được củng cố chắc chắn sẽ tác động đến bối cảnh địa chính trị của khu vực. Hiện nay, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều muốn tranh thủ Philippines".

TS Cabalza đánh giá thêm: "Việc tiếp đón Tổng thống Marcos Jr. tại Mỹ lần này là hành động đáp lễ của Washington đối với Manila sau khi quân đội hai bên vừa có cuộc tập trận quy mô lớn thành công, và Manila cho phép quân đội Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự ở Philippines. Qua chuyến công du, Mỹ cũng sẽ hỗ trợ Philippines tăng cường khả năng phòng thủ linh hoạt ngay từ bên ngoài".

Cũng đánh giá về cuộc gặp, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) cho rằng: "Chính quyền của Tổng thống Biden tiếp tục tăng cường các sáng kiến ngoại giao ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua sự can dự tuần tự và có hệ thống với các đồng minh và đối tác trong khu vực. Chuyến thăm của Marcos Jr. tới Washington là một phần của quá trình xây dựng lại tổng thể các mối quan hệ đã bị thách thức dưới thời ông Donald Trump - tiền nhiệm của ông Biden".

Cũng vào ngày 1.5, tờ Nikkei Asia dẫn lời đô đốc Samuel Paparo, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương - Hải quân Mỹ, cho hay lực lượng này sẵn sàng hỗ trợ Manila trong việc tiếp tế cho một tàu Philippines ở Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc đang gây khó cho nỗ lực tiếp tế của phía Philippines.

"Sau chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đến Mỹ rồi hai nước đưa ra Tuyên bố Washington, chúng ta có thể thấy Washington đang đầu tư vào các đối tác như Manila để gửi tín hiệu tới khu vực rằng Mỹ cam kết tăng cường ngoại giao, kinh tế và an ninh đối với khu vực và các đối tác như Philippines", GS Nagy phân tích và dự báo: "Đáp lại các diễn biến này, Trung Quốc có thể sẽ chỉ trích Washington nuôi dưỡng tư duy Chiến tranh Lạnh, tìm cách lôi kéo các nước để đối phó Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại không thấy rằng chính các hành vi của Trung Quốc ở khu vực khiến nhiều bên quan ngại. Mối quan hệ với Manila được hoan nghênh tại Washington vì hai bên cùng chia sẻ nhiều giá trị chung".

Tương tự, PGS Kei Koga (Chương trình các vấn đề toàn cầu và chính sách công - Trường Khoa học xã hội - Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) phân tích: "Tổng thống Marcos Jr. đã và đang cố gắng thực hiện một chiến lược cân bằng để đảm bảo lợi ích quốc gia của Philippines. Một mặt, Philippines cần phối hợp chặt chẽ vai trò và nhiệm vụ phối hợp với Mỹ để ứng phó tình hình Biển Đông. Vấn đề Đài Loan cũng rất quan trọng với Manila, khi căng thẳng đang gia tăng ở eo biển Đài Loan có thể dẫn đến sự bất ổn ảnh hưởng Philippines".

"Vì thế, Manila cần liên tục thảo luận và đánh giá tình hình với Washington. Điều quan trọng đối với cả Philippines lẫn Mỹ là quyết bảo vệ lợi ích quốc gia, đồng thời cần tránh các hành động khiêu khích ngoại giao không cần thiết", ông Koga nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.