(TNO) Nếu đúng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã đánh bom máy bay Nga, điều này sẽ khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin can thiệp mạnh hơn ở Syria, The New York Times nhận định.
Báo Mỹ The New York Times cho rằng Tổng thống Putin sẽ hành động quyết liệt hơn ở Syria nếu IS đúng là những kẻ đứng sau vụ khủng bố làm rơi máy Nga vừa qua - Ảnh: AFP |
Nguyên nhân gây ra thảm họa chuyến bay Nga rơi tại bán đảo Sinai (Ai Cập) hôm 31.10 làm chết 224 người vừa qua vẫn là chủ đề thu hút dư luận quốc tế. Các nước như Anh và Mỹ vẫn cho rằng gần như chắc chắn IS đã đánh bom chiếc Airbus A321 kể trên.
Tuy vậy, câu chuyện ở đây là tại sao Anh và Mỹ cứ khăng khăng đổ lỗi cho IS? Và nếu đúng IS là thủ phạm vụ khủng bố trên, liệu hai nước trên có lường được phản ứng của Tổng thống Nga Vladimir Putin?
Thêm lý do để can thiệp mạnh hơn vào Syria
Bất chấp từ chối bình luận về nguyên nhân vụ việc cũng như những nghi vấn về IS, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có động thái đáng chú ý: Cấm tất cả các chuyến bay Nga sang Ai Cập và ra lệnh đưa hết khoảng 80.000 du khách Nga ở đây về nước.
Vụ thảm họa của máy bay Nga vừa qua gây khó cho các chiến lược của Tổng thống Putin, nhưng cũng là thời cơ để ông đẩy mạnh tính toán của mình - Ảnh: AFP
|
Đó là chi tiết cho thấy Tổng thống Putin và chính quyền Nga đã tính tới phương án đối phó với những cuộc khủng bố thực sự quanh khu vực này. Và nếu đúng là IS đứng sau vụ đánh bom, nó sẽ thôi thúc thêm quyết tâm can thiệp sâu hơn nữa của ông Putin tại Trung Đông, The New York Times dẫn ý kiến các chuyên gia trong bài viết ngày 9.11.
Trước đây phương Tây đã chỉ trích việc Nga không kích tại Syria. Họ cho rằng ông Putin không nhắm đến IS như tuyên bố, mà chỉ nhằm tiêu diệt tất cả các tay súng nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Thế nhưng, nếu IS đã chạm đến Nga, đây là lúc Moscow thực sự không thể “nhẹ tay” với tổ chức này như những gì diễn ra hơn một tháng nay.
Báo chí Anh và Mỹ vài ngày qua liên tục giật thông tin nhấn mạnh khả năng IS đã “trả thù” Nga vì hành động không kích ở Syria. Họ dường như muốn tô đậm thế khó của Tổng thống Putin trong việc giữ vững an ninh trong nước và việc không kích tại Syria.
Thế nhưng đây cũng là một điểm cho thấy Tổng thống Putin lúc này có thể quy cả hai vấn đề thành một: Tiêu diệt IS ở Syria là để ngăn chặn những nguy cơ gây mất an ninh cho người Nga, vì IS đã đụng chạm tới tính mệnh và lợi ích của người Nga. Nói cách khác, việc IS thực sự đứng sau vụ này chỉ là chi tiết “hợp thức hóa” những hoạt động quân sự mạnh mẽ hơn của ông Putin, qua đó không còn khiến người Nga thắc mắc họ đang đóng góp tiền của vì cái gì, The New York Times phân tích.
Trung Đông thẳng tiến
Nếu Anh và Mỹ cố chứng minh IS là thủ phạm để tạo ra những điều gọi là “cái giá phải trả của Nga vì chủ nghĩa phiêu lưu của ông Putin”, theo một bài viết ngày 6.11 của The Guardian (Anh), có vẻ ông Putin vẫn nắm cơ sở để lật ngược thế cờ.
Thứ nhất, Syria lúc này đang là đồng minh Ả Rập duy nhất của Nga trong nhiều thập kỷ, nhưng sau vụ thảm họa này Moscow sẽ có thể mở rộng ảnh hưởng. The New York Times cho rằng Tổng thống Putin không giấu ý định kết nối mạnh mẽ hơn với Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi của Ai Cập. Và như vậy, một cuộc tấn công khủng bố của IS nếu có, sẽ tạo ra một kẻ thù chung để hai bên tăng cường hợp tác.
Việc máy bay Nga gặp nạn ở Ai Cập cũng khiến nước này thiệt hại uy tín nặng nề về kinh tế và an ninh. Điều này cũng có thể khiến Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi trở nên gần gũi với Tổng thống Putin hơn, nếu IS thực sự đánh bom máy bay Nga và là "kẻ thù chung" của họ - Ảnh: AFP
|
Thứ hai, như đã nói, thảm họa này có thể khiến chính quyền Nga phải có trách nhiệm giải thích với công dân của mình, nhưng cũng là điểm mấu chốt cho việc can thiệp mạnh hơn vào Syria, từ đó củng cố sức ảnh hưởng tại Trung Đông.
Ông Putin có khuynh hướng phản ứng mạnh mẽ gấp bội mỗi khi đối mặt với một vụ tấn công khủng bố, The New York Times dẫn lời các chuyên gia phân tích. Và nếu viễn cảnh Nga triển khai bộ binh tại Syria còn hơi xa vời vì đa phần người Nga còn lo ngại, thì đây cũng lại là cái cớ để nó diễn ra suôn sẻ hơn.
“Nếu đó là hành động khủng bố, nó sẽ đẩy chi phí ‘canh bạc’ này cao hơn và khiến các hoạt động ở Syria trở nên đắt đỏ hơn. Nhưng điều này cũng chứng tỏ các nhóm khủng bố phải bị hủy diệt trước khi nó thực sự trở thành mối họa hiển hiện trên đất nước chúng tôi”, Vladimir Frovov, một nhà phân tích chính trị người Nga nói.
Tóm lại, nếu IS là kẻ đứng sau, hoặc nó sẽ khiến người Nga tức giận với các hoạt động của Điện Kremlin ở Syria, hoặc nó sẽ là động lực khiến ông Putin mạnh tay hơn nữa ở Syria.
Trong hoàn cảnh này, ông Putin có một lợi thế vô cùng quan trọng là sự ủng hộ của công dân Nga dành cho ông. Và vài ngày nay, đã xuất hiện một số nghi vấn cho rằng các tay súng Anh đã gây ra thảm họa máy bay vừa qua, cũng như IS lâu nay vẫn bị cho là lực lượng vốn do Mỹ tạo ra. Ông Putin có cơ sở để người Nga một lần nữa tin vào quyết định tăng cường tầm ảnh hưởng ở Syria, và tất nhiên là Trung Đông nói chung.
Bình luận (0)