Triển khai hàng ngàn binh sĩ
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm qua (2.6), Tổng thống Trump cho hay ông đang triển khai “hàng ngàn binh sĩ được vũ trang hạng nặng, quân nhân và nhân viên công lực để ngăn chặn tình trạng bạo động, hôi của, phá hoại và tấn công” ở thủ đô Washington D.C.
CNN dẫn lời một số quan chức quốc phòng Mỹ cho hay chính quyền Tổng thống Trump đã triển khai một tiểu đoàn quân cảnh ở Washington D.C và dự kiến có thêm 200 - 250 quân nhân từ căn cứ quân sự Fort Bragg (bang Bắc Carolina) đến hỗ trợ an ninh. Trong mấy đêm trước đó, nhiều tòa nhà và tượng đài gần Nhà Trắng bị những người biểu tình quá khích đập phá.
“Những gì xảy ra trong thành phố này (Washington D.C) là sự nhục nhã”, Tổng thống Trump nhấn mạnh và cho biết thêm lệnh giới nghiêm từ 19 giờ sẽ được áp dụng nghiêm ngặt ở Washington D.C. Đã có hơn 40 thành phố ở Mỹ áp đặt lệnh giới nghiêm kể từ khi các cuộc biểu tình bạo lực bùng phát hồi tuần trước sau vụ cảnh sát ở TP.Minneapolis (bang Minnesota) dùng vũ lực quá mức khiến người đàn ông da màu George Floyd (46 tuổi) tử vong hôm 25.5.
Cũng tại cuộc họp báo nói trên, Tổng thống Trump yêu cầu các thống đốc triển khai thêm vệ binh quốc gia để “kiểm soát” các cuộc biểu tình. “Các thị trưởng và thống đốc phải thiết lập sự hiện diện của giới công lực một cách áp đảo cho đến khi bạo lực bị dập tắt. Nếu một thành phố hay bang từ chối thực hiện những hành động cần thiết để bảo vệ sinh mạng và tài sản của người dân, tôi sẽ triển khai quân đội Mỹ và nhanh chóng giải quyết vấn đề cho họ”, Tổng thống Trump cảnh báo, theo báo The Hill.
Phản ứng mạnh mẽ
Trong cuộc họp trực tuyến trước đó, ông Trump nói với các thống đốc rằng họ “trông như kẻ ngốc” và “yếu đuối” vì không triển khai thêm vệ binh quốc gia để ngăn chặn biểu tình. Tuyên bố trên của ông Trump lập tức gây ra phản ứng dữ dội.
“Ông ấy (Tổng thống Trump) đang dùng quân đội Mỹ để chống lại người Mỹ... Vì trẻ em và đất nước của mình, chúng ta phải đánh bại ông ấy”, cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden, ứng viên sáng giá đại diện cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, viết trên Twitter.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thì chỉ trích việc Tổng thống Trump dùng “quân đội bắn đạn cao su và xịt hơi cay vào người biểu tình hòa bình” ở Washington D.C là “sử dụng quyền lực của tổng thống một cách khủng khiếp chống lại công dân của chúng ta”, theo CNN. Nhiều thống đốc thuộc đảng Dân chủ cũng đã đồng loạt chỉ trích việc Tổng thống Trump kêu gọi các bang mạnh tay đối với những cuộc biểu tình bạo lực. Trong khi đó, các thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa hầu như không có phản ứng.
Theo hiến pháp Mỹ, các thống đốc nói chung có quyền duy trì trật tự trong bang. Tuy nhiên, Đạo luật Nổi dậy năm 1807 cho phép tổng thống điều lực lượng trấn áp một cuộc nổi loạn trong nước cản trở việc thực thi luật liên bang. Đạo luật Nổi dậy đã được kích hoạt nhiều lần trong lịch sử Mỹ, với lần được sử dụng gần nhất là vào năm 1992, khi 4 cảnh sát Los Angeles được tuyên xử trắng án trong vụ đánh người đàn ông da màu Rodney King, dẫn tới các vụ bạo động gây chết người, theo Reuters.
Covid-19 ám ảnh kinh tế Mỹ đến năm 2030
Ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 sẽ đeo bám Mỹ suốt cả thập niên, dự kiến sẽ thổi bay khoảng 7.900 tỉ USD khỏi nền kinh tế từ nay đến năm 2030. Đó là cảnh báo của Văn phòng Ngân sách quốc hội Mỹ (CBO) hôm 1.6, theo Đài CNBC. Trong thư gửi cho các nghị sĩ, Giám đốc CBO Phillip Swagel dự báo dịch Covid-19 sẽ khiến sản lượng kinh tế Mỹ sụt giảm nghiêm trọng.
“Quyết định ngừng hoạt động kinh doanh và áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng, trong khi giá dầu gần đây giảm mạnh được dự kiến sẽ gây ảnh hưởng nặng nề cho đầu tư Mỹ trong lĩnh vực năng lượng”, theo ông Swagel.
Dựa trên báo cáo của CBO, thượng nghị sĩ Chuck Schumer, thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ, kêu gọi cần phải nhanh chóng thông qua gói ứng cứu tiếp theo nếu muốn ngăn chặn nguy cơ nền kinh tế rơi vào Đại suy thoái.
H.G
|
Bình luận (0)