Học chương trình nào thi theo kiến thức chương trình đó
Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được một số câu hỏi của thí sinh liên quan đến việc đã tốt nghiệp THPT chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) cũ nhưng muốn thi lại để xét tuyển ĐH.
Chẳng hạn, một bạn đọc thắc mắc: "Em đã tốt nghiệp THPT năm 2023 theo chương trình GDPT 2006, nhưng năm 2025 em muốn thi lại để dùng điểm mới này xét tuyển vào ĐH. Vậy em sẽ thi theo chương trình GDPT 2006 hay 2018? Kết quả bài thi sẽ được xét tuyển ĐH giống như các bạn của năm 2025 hay xét riêng?".
Trả lời về vấn đề này, GS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, cho biết: "Căn cứ vào Quyết định số 4068 của Bộ GD-ĐT về phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT thì từ năm 2025, đối tượng dự thi tốt nghiệp bao gồm cả những thí sinh chưa đậu tốt nghiệp có nguyện vọng dự thi để được công nhận tốt nghiệp THPT hoặc người học đã có bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp trung cấp có nguyện vọng dự thi để lấy kết quả làm cơ sở xét tuyển sinh giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp”.
Theo GS-TS Huỳnh Văn Chương, nếu có thí sinh tự do đã tốt nghiệp chương trình GDPT 2006 đăng ký dự thi vào năm 2025 để xét tuyển ĐH, thì Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thi theo đề thi của chương trình 2006. Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cũng sẽ quy định cụ thể về vấn đề này.
"Bên cạnh đó, thí sinh học theo chương trình GDPT 2006 đã tốt nghiệp THPT và có nguyện vọng xét tuyển phải căn cứ vào Đề án tuyển sinh của các trường ĐH để đăng ký cho phù hợp", GS-TS Chương thông tin thêm.
Trường ĐH giữ ổn định cao nhất để tạo thuận lợi cho thí sinh
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho hay năm 2025 các trường ĐH có thể sẽ vẫn giữ phương án tuyển sinh ổn định ở mức cao nhất để tạo điều kiện cho thí sinh.
Tiến sĩ Hải nhận định: "Hiện nay, Bộ GD-ĐT mới chỉ ban hành môn thi và hình thức thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 chứ chưa có Quy chế xét tuyển vào ĐH từ năm 2025. Các trường cũng chưa có thông tin chính thức về phương thức xét tuyển năm 2025. Tuy nhiên, về cơ bản có thể sẽ có những thay đổi như: tổ hợp môn theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp sẽ ít lại, thêm các tổ hợp môn mới (tin học); các phương thức xét tuyển riêng như kỳ thi đánh giá năng lực, xét học bạ, xét học bạ kết hợp... sẽ cơ bản giữ ổn định cho thí sinh".
Theo tiến sĩ Hải, một số tổ hợp môn truyền thống như A, A1, B, D, C dự kiến sẽ vẫn được sử dụng. Vì thế, thí sinh tự do nên theo dõi đề án xét tuyển của các trường để đăng ký môn thi phù hợp. "Những thay đổi chính thức của xét tuyển ĐH năm 2025 sẽ được các trường công bố chậm nhất vào cuối năm 2024", tiến sĩ Hải chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng cho biết về vấn đề xét tuyển ĐH năm 2025, bên cạnh việc cập nhật các tổ hợp môn mới phù hợp với chương trình GDPT 2018, thì các trường chắc chắn vẫn giữ lại các tổ hợp môn truyền thống như toán, văn, Anh; toán, lý, hóa; toán, hóa, sinh...
"Các trường sẽ công bố đề án tuyển sinh sớm để thí sinh thi tốt nghiệp năm 2025 và thí sinh tự do tham khảo. Thí sinh cần theo dõi và đọc kỹ đề án của các trường mà mình quan tâm để lựa chọn môn thi phù hợp", tiến sĩ Trung Nhân lưu ý.
Bình luận (0)