Tour du xuân, lễ hội đắt khách

Thu Hằng
Thu Hằng
21/02/2024 09:06 GMT+7

Phong phú điểm đến, giá cả hợp lý, thời tiết ấm áp là những yếu tố khiến du lịch lễ hội sau tết Giáp Thìn tại miền Bắc khởi sắc. Không chỉ thăm thú cảnh đẹp, đông đảo du khách thập phương còn đi du xuân để cầu bình an, may mắn trong năm mới.

Du lịch lễ hội gắn với bảo tồn văn hóa

Sau tết Nguyên đán Giáp Thìn, miền Bắc bước vào mùa lễ hội lớn nhất trong năm. Theo thông lệ, sau tết du khách thường tìm đến các điểm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh.

Tour du xuân, lễ hội đắt khách- Ảnh 1.

Chùa Địa tạng Phi Lai là điểm được nhiều du khách lựa chọn du xuân đầu năm mới

T.HẰNG

Tại Bắc Giang, từ ngày 20 - 25.2 (tức từ 11 - 16 tháng giêng) diễn ra Tuần văn hóa du lịch 2024 chủ đề "Linh thiêng Tây Yên Tử" với hàng chục lễ hội và sự kiện văn hóa, tín ngưỡng, thể thao trải dài dưới không gian phía tây dãy núi Yên Tử.

Theo ông Mai Sơn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, tuần văn hóa được tổ chức quy mô cấp tỉnh với mục tiêu xây dựng hình ảnh nhận diện đặc trưng về du lịch Bắc Giang. Điểm nhấn của sự kiện là lễ khai hội xuân Tây Yên Tử. Trọng tâm là du lịch văn hóa tâm linh gắn với con đường Hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông và các vị Trúc Lâm Tam Tổ, tạo dấu ấn đặc biệt.

Tour du xuân đắt khách

Để tăng thêm trải nghiệm cho du khách, UBND tỉnh Bắc Giang còn phối hợp với một số công ty lữ hành khởi động lại tour du lịch "Theo dấu chân Phật hoàng". Du khách không chỉ hành hương, đi lễ mà còn được trải nghiệm in mộc bản bằng phương pháp cổ truyền. Các tư liệu này là kết quả của quá trình khảo cổ học theo nội dung phục dựng con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị Tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử; đồng thời tìm hiểu các tư liệu về sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm khu vực phía tây của dãy Yên Tử.

Với mong muốn tạo ra một lễ hội độc đáo, mang đậm dấu ấn của quê hương quan họ Bắc Ninh, năm nay, lễ hội vùng Lim xuân Giáp Thìn năm 2024 được tổ chức trong 2 ngày từ 21 - 22.2 (tức ngày 12 và 13 tháng giêng) tại TT.Lim (H.Tiên Du); trong đó, trung tâm lễ hội là núi Hồng Vân (núi Lim).

Ông Ngô Xuân Tính, Trưởng phòng Văn hóa thông tin thể thao (H.Tiên Du), cho biết ngay từ những ngày đầu năm mới, công tác chuẩn bị cho lễ hội Lim đã được các cơ quan chức năng triển khai tích cực. Song song với phần lễ, phần hội và nhiều trò chơi dân gian cũng được tổ chức như: hát đối đáp quan họ, hát canh quan họ, đu tiên, vật truyền thống, bịt mắt bắt dê, đập niêu, múa rồng, múa lân…

Nhằm bảo tồn, phát huy tối đa những giá trị văn hóa truyền thống, ban tổ chức lễ hội đã nghiêm cấm các trò chơi điện tử, các trò chơi dân gian để tổ chức cờ bạc trá hình như chọi gà, đá gà và các trò chơi dùng loa nén, sử dụng âm thanh loa máy có công suất lớn gây ảnh hưởng đến không gian lễ hội. Tại các điểm hát quan họ được khuyến khích dùng nhạc cụ dân tộc và không hát nhạc mới, hát văn nhảy đồng hoặc các loại nhạc khác không phù hợp. Đặc biệt, ban tổ chức gỡ bỏ lệnh cấm tất cả các hình thức hát quan họ "ngửa nón nhận tiền".

Một điểm đến mới nổi thu hút nhiều du khách đi du xuân là Hà Nam. Năm nay, bên cạnh chùa Tam Chúc, du khách còn đến các cơ sở tôn giáo và tâm linh khá đông ở Hà Nam như: chùa Cây Thị, chùa Địa tạng Phi Lai, chùa Ninh Tảo, đền Lảnh Giang, chùa Bà Đanh…

Ông Lê Thanh Sơn, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở VH-TT-DL Hà Nam), cho hay riêng chùa Cây Thị có ngày thu hút 20.000 lượt khách đến tham quan, chiêm bái, lễ chùa. Đây là ngôi chùa cổ có lịch sử hàng trăm năm, mới được tôn tạo, được người dân địa phương sùng bái bởi các giá trị tâm linh sâu sắc.

Tour du xuân không tăng giá

Khảo sát các công ty du lịch tại Hà Nội cho thấy, các tour du xuân đến các điểm du lịch tâm linh trong ngày đang rất đắt hàng. Đơn cử như tour chùa Cây Thị - Địa tạng Phi Lai (Hà Nam) giá 599.000 đồng/ngày/người; du xuân Tây Thiên (Vĩnh Phúc) giá 699.000 đồng/ngày/người; chùa Hương (Hà Nội) giá 825.000 đồng/ngày/người; Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình) giá 750.000 đồng/ngày/người…

Ngoài ra, các tour ngắn ngày du khách thường chọn kết hợp thăm thú đền chùa và danh lam thắng cảnh tại các tỉnh miền núi phía bắc như: tour Hà Giang (3 ngày, 2 đêm) giá 2,6 triệu đồng/người; tour Bắc Hà (2 ngày, 1 đêm) giá 1,8 triệu đồng/người; tour Mộc Châu (2 ngày, 1 đêm) giá 1,68 triệu đồng/người…

Nhận định về tình hình tour du lịch đầu năm, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Công ty Flamingo Redtours, cho biết giá tour du xuân năm nay hầu như không tăng. Nếu như trước đây du lịch lễ hội đầu năm thường tập trung vào chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh) thì năm nay các tuyến được phân tán nhiều điểm các nhau. Năm nay, tuyến tour có yếu tố mới là Hà Nam với các điểm đến "hot trend" như chùa Cây Thị, chùa Địa tạng Phi Lai…

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Công Hoan, năm nay, lượng khách du lịch trẻ từ miền Trung, miền Nam đi các điểm du lịch miền núi phía bắc cũng tăng vọt. "Các điểm đến được du khách lựa chọn hàng đầu là vùng Đông Bắc và Tây Bắc, nơi tràn ngập các loài hoa mùa xuân như đào, mơ, mận, lê, cải… Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Sơn La… là những điểm đắt khách", ông Hoan cho biết.

Còn theo ông Hoàng Hậu Dương, Giám đốc Công ty du lịch Đại Lục, thời tiết đẹp những ngày đầu năm là yếu tố quan trọng góp phần khiến du lịch lễ hội sau tết trở nên sôi động. "Các năm trước, dịch bệnh, cộng thêm thời tiết sau tết thường rét đậm, mưa phùn ít người lựa chọn đi xa. Năm nay, thời tiết sau tết khô ráo, nắng ấm rất lý tưởng để mọi người đi du xuân. Nhìn chung, kể từ sau dịch bệnh, đây là thời điểm du lịch có dấu hiệu hồi phục khá tích cực, đặc biệt là nhóm khách đoàn", ông Dương nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.