TP.HCM: Chồng cũ 'giành' lại con dù tòa tuyên giao quyền nuôi con cho mẹ

16/06/2021 12:58 GMT+7

Bà N.H.N đến Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM gửi đơn nhờ giúp đỡ về việc chồng cũ không giao con, dù tòa đã tuyên giao quyền nuôi con cho bà.

Trước đó, ngày 25.5, bà N.H.N đến trình báo Công an xã Tân Kiên (H.Bình Chánh) về việc sau khi bà nhận lại con, rời khỏi Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) H.Bình Chánh, TP.HCM, thì bị một nhóm người chặn xe, giật lấy con trên tay bà.
Sau đó, vào chiều 28.5, bà N.H.N đã đến Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM làm đơn nhờ giúp đỡ về vụ việc trên.

Tòa tuyên giao quyền nuôi con cho mẹ

Theo hồ sơ, bà N.H.N (42 tuổi, ngụ Cà Mau) và ông T. (43 tuổi, ngụ Bạc Liêu) kết hôn năm 2016 và có con chung là bé L.D (6 tuổi). Quá trình chung sống xảy ra mâu thuẫn, đến tháng 2.2018 cả hai ly hôn theo quyết định của TAND Q.8, TP.HCM (nơi hai người sống). Tòa tuyên giao quyền bà N. trực tiếp nuôi con.
Không đồng ý với phán quyết của tòa, năm 2019, ông T. khởi kiện ra TAND H.Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau, nơi bà N. thường trú) để thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Do bà N. thời gian này đang tạm trú ở Q.8, TP.HCM nên hồ sơ được chuyển cho TAND Q.8 thụ lý.
Xét xử sơ thẩm vào tháng 1.2020, TAND Q.8 nhận định bản án ly hôn tháng 2.2018 đã có hiệu lực, tuyên giao con cho bà N. chăm sóc nhưng ông T. đã không thi hành án. Trên thực tế, ông T. không đủ điều kiện nuôi con vì đi làm xa nhà và hiện gửi con về cho ông bà nội ở Bạc Liêu nhờ trông nom. Bà N. nhiều lần đến thăm con đều bị gia đình ông T. ngăn cấm, có lần tranh giành bé L.D dẫn đến xô xát phải báo chính quyền địa phương.
HĐXX nhận định bà N. là chuyên viên trang điểm, thời gian làm việc phù hợp để đưa bé L.D đi học và chăm sóc bé. Bé L.D là bé gái nên mẹ trực tiếp nuôi dưỡng sẽ phù hợp hơn. Vì vậy, TAND Q.8 bác đơn khởi kiện của ông T. Sau đó, ông T. tiếp tục kháng cáo nhưng TAND TP.HCM tuyên y án sơ thẩm.

Người mẹ không được giao con 

Trong thời gian ông T. nộp đơn kiện ta tòa để thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn thì cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu, nơi ông T. mang bé L.D về gửi) và cơ quan THADS H.Bình Chánh, TP.HCM - nơi ông T. đang ở) đã ra các thông báo thi hành án và cưỡng chế thi hành án buộc ông T. giao con cho bà N. Tuy nhiên, khi nhận các quyết định này, ông T. vẫn không thi hành án. Vì không thi hành án nên vào tháng 6.2020, ông T. bị cơ quan THADS H.Bình Chánh xử phạt hành chính 3 triệu đồng.
Đến 25.5.2021, ông T. đã đồng ý giao lại con gái cho bà N. tại Cơ quan THADS H.Bình Chánh (thị trấn Tân Túc, H.Bình Chánh). Trong biên bản thi hành án có nêu rõ “bà N. sẽ đưa con gái về quê ngoại ở Cà Mau và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ông T. đến thăm”.

Nhóm người chặn xe chở bà N. và bé L.D sau đó dùng đá đập phá xe.

ẢNH: Cắt từ clip nạn nhân cung cấp.

Theo lời kể của bà N., ngay sau khi cơ quan THADS đã lập biên bản giao nhận con từ ông T. cho bà N. (hôm 25.5), bà N. đã đưa con lên xe ô tô để về quê ngoại ở tỉnh Cà Mau. Do thấy nhóm người, trong đó có ông T. ở phía ngoài cổng Cơ quan THADS nên bà N. đã nhờ công an khu vực hỗ trợ. 
"Khi đến đoạn đường gần cầu Bình Điền, thuộc xã Tân Kiên (H.Bình Chánh), công an khu không còn hỗ trợ phía sau, tôi bị nhóm người này chặn lại, đập vỡ kính xe. Lúc đó anh chị họ tôi quay video lại rồi gọi báo công an, còn tôi ôm chặt con gái nhưng vẫn bị họ bế đi mất. Sau đó, tôi đã đến cơ quan công an xã Tân Kiên, H.Bình Chánh trình báo sự việc", bà N. kể. 
Theo lời kể của anh D. (tài xế xe), anh lái xe chở bà N. lên đón con gái tại Chi cục THADS H.Bình Chánh. Sau khi bà N. nhận con và lên xe ra về thì thấy có một nhóm khoảng 10 người đứng đợi trước cổng. Khi đến đoạn đường gần cầu Bình Điền thuộc xã Tân Kiên, H.Bình Chánh nhóm người này xông tới chặn xe yêu cầu anh D. phải mở cửa.
“Lúc này ở trên xe thì bé L.D với chị N. khóc quá nên tôi thấy lo không mở cửa. Được một lúc thì nhóm người này lấy đá đập bể kính xe, rồi lôi tôi ra ngoài, tôi thấy một người phụ nữ xông vào xe giựt bé mang đi...".
Liên quan đến nội dung mà bà N. trình bày, ngày 14.6, trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, ông T. nói rằng ông đã nuôi bé L.D từ khi bé mới 14 tháng tuổi và con ông thì ông có quyền nuôi. 

Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM vào cuộc  

Luật sư (LS) Trần Thị Ngọc Nữ (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) cho biết sau khi tiếp nhận thông tin từ bà N., ngay chiều 28.5, bà đã cùng LS Đỗ Ngọc Thanh tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà N. và bé L.D. Theo LS Nữ, hành vi của nhóm người đập vỡ kính xe, hành hung bà N. để giành lại bé L.D là xem thường pháp luật.

Kính xe bị vỡ do nhóm người đập phá

ẢNH: Nạn nhân cung cấp.

"Bé L.D chỉ mới 6 tuổi, điều này ảnh hưởng đến tâm sinh lý và sự phát triển bình thường của bé. Bất kỳ người làm cha, mẹ nào cũng đều thương yêu con, muốn con có cuộc sống tốt, nhưng nếu để con chứng kiến đập phá xe, giành giật bé như vậy thì đã gây ra sự ám ảnh rất lớn trong tâm trí của trẻ”, LS Nữ cho biết thêm.
Theo LS Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) căn cứ theo hồ sơ vụ án thì quyền nuôi dưỡng, giáo dục con của bà N. là hợp pháp vì bà N. đã được cơ quan THADS H.Bình Chánh giao quyền trực tiếp nuôi dưỡng con theo bản án phúc thẩm đã có hiệu lực của TAND TP.HCM. Nếu những người tham gia trong vụ việc trên có hành vi dùng vũ lực để chiếm đoạt cháu bé 6 tuổi trên tay người mẹ, thì đã đủ yếu tố cấu thành tội “chiếm đoạt người dưới 16 tuổi”, quy định tại điều 153 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
“Tại điều 153, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 3 – 7 năm tù. Trong trường hợp phạm tội có tổ chức, đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng… có thể bị phạt tù lên đến 10 năm tù”, LS Tuấn thông tin.
Theo nguồn tin của Thanh Niên, cơ quan Công an xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, TP.HCM đã tiếp nhận vụ việc bà N.H.N trình báo và đã chuyển hồ sơ lên công an H.Bình Chánh giải quyết. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.