Ngày 1.3, tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM với UBND TP.Thủ Đức về việc thực hiện pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân trên địa bàn từ ngày 1.7.2016 - 1.7.2021, đại diện UBND TP.Thủ Đức cho biết thời gian vừa qua tỷ lệ đơn khiếu nại, tố cáo từng lĩnh vực giảm đi đáng kể. Đồng thời, đơn vị này cũng thông tin tiến độ giải quyết bồi thường bổ sung liên quan đến 4,3 ha của Thủ Thiêm.
Căn nhà còn sót lại trong diện tích 4,3 ha ngoài ranh Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Ảnh chụp năm 2019) |
NGỌC DƯƠNG |
Hơn nữa, nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu tập trung vào lĩnh vực tranh chấp đất đai, nhà cửa, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại: khu đô thị Thủ Thiêm mới, khu Công nghệ cao, dự án chỉnh trang phát triển đô thị Long Bình, Đại học Quốc gia, dự án mở rộng đường Lê Văn Việt, xa lộ Hà Nội, các tranh chấp đất đai…
Về khiếu nại, tố cáo liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Đỗ Quốc Doanh, Phó trưởng Ban bồi thường - Giải phóng mặt bằng TP.Thủ Đức cho biết, trong giai đoạn cao điểm từ 2015 - 2018, người dân Thủ Thiêm đi khiếu nại rất nhiều và thường xuyên đi Hà Nội. Đến năm 2018, Thanh tra Chính phủ có Kết luận 1483 về việc xác định một phần đất 4,3 ha trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã bị thu hồi chưa đúng quy định. Đến năm 2020, TP.HCM ban hành chính sách bổ sung cho 331 hộ này, hiện nay chính quyền đang tiếp dân cho bốc thăm chọn nền căn hộ, nhà đất.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Quốc Doanh, từ năm 2018, khi có Kết luận 1483, một số hộ dân Thủ Thiêm vẫn tiếp tục đi Hà Nội khiếu nại vì cho rằng chưa thỏa đáng. Tháng 7.2021, Thanh tra Chính phủ có Kết luận 1169, nhưng do điều kiện giãn cách xã hội nên chưa thể họp dân để công bố.
“Về chính sách bồi thường bổ sung 4,3 ha ngoài ranh khu đô thị mới Thủ Thiêm, hiện nay trên 60% người dân Thủ Thiêm đồng thuận chính sách bổ sung. Còn khoảng 12 hồ sơ liên quan đến thừa kế, khiếu nại ranh đất thì UBND TP.Thủ Đức đang xem xét, giải quyết”, ông Doanh cho biết.
Ngoài ra, ông Doanh chia sẻ thêm: “Ngoài kết luận cuối cùng của Thanh tra Chính phủ, TP.HCM cũng có dự thảo một chính sách có 10 nội dung, đã hoàn thành nhưng còn lấn cấn về nguồn vốn bố trí để giải quyết bổ sung cho 5 khu phố thuộc 3 phường của Thủ Thiêm liên quan, vì có khoảng 3.000 hồ sơ, giá trị khoảng 1.400 tỉ đồng nên chưa ban hành”.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM cho rằng, mục tiêu của bồi thường là vẫn tiếp tục đảm bảo cuộc sống cho người dân. Nhưng khi nhà nước thu hồi đất, người dân chưa đảm bảo về đất, nhà ở thì mục tiêu chưa đạt được.
Phó trưởng đoàn ĐBQH khuyến nghị lãnh đạo UBND TP.Thủ Đức thử đặt trường hợp của mình vào các trường hợp đi khiếu nại, tố cáo để nhìn nhận vấn đề, từ đó giải quyết thấu đáo, đúng tiến độ, không kéo dài; đồng thời, nếu cho rằng chính sách bồi thường chưa phù hợp thì cùng có ý kiến sửa luật.
Bình luận (0)